• Gleneagles Singapore

Ung thư tai-mũi-họng (ENT)

  • Ung thư tai-mũi-họng (TMH) là gì?

    head and neck cancer

    Ung thư TMH (tai-mũi-họng) còn được gọi là ung thư vùng đầu và cổ. Đây là một nhóm các bệnh ung thư ảnh hưởng đến các cơ quan mô mềm ở vùng đầu và cổ.

    Văn phòng Đăng ký Bệnh tật Quốc gia công bố rằng ung thư mũi họng (ung thư mũi), ung thư tuyến giáp và ung thư hạch bạch huyết (thường xảy ra ở cổ) nằm trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất tại Singapore. Ung thư mũi phổ biến hơn ở nam giới, ung thư tuyến giáp phổ biến hơn ở nữ giới và ung thư hạch bạch huyết xảy ra ở cả hai giới. Một người khi đến tuổi 75 có khoảng 1/100 nguy cơ phát triển một trong những bệnh ung thư này.

  • Các dấu hiệu và triệu chứng

    checking a lump in the neck

    Cục u ở cổ – Hầu hết các cục u phát triển ở cổ đều lành tính (không ung thư). Tuy nhiên, nếu cục u không biến mất sau hơn 2 tuần, không gây đau hoặc liên tục phát triển thì cần được bác sĩ kiểm tra.

    Cục u ở cổ có thể hình thành khi mắc ung thư mũi, ung thư tuyến giáp và ung thư hạch bạch huyết cũng như các loại ung thư tai-mũi-họng (TMH) khác. Vị trí của cục u ở cổ có thể gợi ý về nguyên nhân hình thành cục u. Ví dụ, cục u ở phần dưới phía trước cổ có thể bắt nguồn từ tuyến giáp, đặc biệt nếu cục u dịch chuyển lên xuống khi nuốt. Không phải tất cả các cục u ở cổ đều là dấu hiệu của ung thư mà tình trạng này còn xảy ra do những nguyên nhân khác như có tuyến bị viêm. Tuy nhiên, dù có phải ung thư hay không thì bệnh nhân vẫn cần đến khám bác sĩ nếu bị nổi cục u ở cổ.

    Chảy máu mũi – Chảy máu mũi thường xảy ra do tổn thương niêm mạc mũi, chủ yếu do thời tiết hanh khô, nhiễm trùng hoặc dị ứng, khiến mọi người chà xát hoặc gãi mũi nhiều hơn. Tuy nhiên, chảy máu mũi cũng có thể là dấu hiệu của ung thư mũi, đặc biệt là khi máu mũi chảy liên tục, xuất hiện với lượng nhỏ hoặc đi kèm với cơn đau đầu hoặc có mùi bất thường, khi đó cần phải đi khám bác sĩ. Máu mũi đôi khi có thể chảy ngược vào cổ họng, khiến đờm bị dính máu.

    Sưng hoặc loét trong miệng – Nếu vùng bị sưng, loét hoặc đau trong miệng không khỏi trong vòng một tuần thì cần được bác sĩ kiểm tra. Việc khám bác sĩ càng quan trọng hơn nếu cục u cũng xuất hiện ở cổ. Vết loét xuất hiện rồi biến mất ở những vùng khác nhau trong miệng thường không phải là ung thư và được gọi là loét áp tơ.

    Khàn tiếng – Khàn tiếng có thể xảy ra khi mắc ung thư thanh quản, và cũng có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến giáp. Lý do là vì các dây thần kinh nối với dây thanh nằm ngay sau tuyến giáp và có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng ung thư trong tuyến giáp. Hầu hết các trường hợp thay đổi giọng nói không phải là do ung thư, tuy nhiên, nếu bị khàn tiếng kéo dài thì cần được bác sĩ kiểm tra.

    Khó nuốt – Cảm giác có vật thể mắc kẹt trong họng, hay thậm chí là khó nuốt thức ăn, có thể là dấu hiệu của ung thư họng và cần được bác sĩ kiểm tra. Có thể cần thực hiện X-quang khi nuốt hoặc nội soi thực quản (kiểm tra trực tiếp ống dẫn thức ăn bằng ống nội soi) để xác định nguyên nhân.

    Việc này có thể được thực hiện tại bệnh viện bằng cách sử dụng kỹ thuật nội soi thực quản qua đường mũi (TNE). Kỹ thuật này bao gồm việc đưa một camera mảnh và mềm qua đường mũi để quan sát thực quản và dạ dày khi bệnh nhân tỉnh táo.

    examining the ear

    Đau hoặc tắc nghẽn trong tai – Đau hoặc tắc nghẽn trong tai không phải lúc nào cũng có nghĩa là tai có vấn đề mà tình trạng này còn có thể xảy ra do bệnh lý hoặc u trong mũi hoặc họng. Ung thư mũi có thể có triệu chứng duy nhất là tai bị tắc nghẽn hoặc đôi khi là cảm giác đau hoặc khó chịu xung quanh tai không rõ nguyên nhân. Kiểm tra tai sẽ giúp phân biệt giữa vấn đề xảy ra trong tai hoặc ở vùng xung quanh tai.

  • Chẩn đoán và đánh giá

    Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, bạn sẽ được khuyến nghị khám tai-mũi-họng (TMH) toàn diện.

    thyroid ultrasound scan

    Khi xuất hiện cục u ở cổ, nguyên nhân hình thành cục u thường được xác định khi được bác sĩ giàu kinh nghiệm kiểm tra. Một số cục u có thể không cần điều trị hoặc được điều trị bằng thuốc, trong khi những cục u khác có thể cần được kiểm tra sâu hơn. Trong trường hợp có cục u ở tuyến giáp, phương pháp siêu âm và sinh thiết kim nhỏ có thể giúp xác định nguy cơ ung thư và từ đó quyết định xem có cần thực hiện phẫu thuật cắt bỏ hay không. Không phải tất cả các cục u ở cổ đều bắt buộc phải cắt bỏ, nhưng đôi khi cần tiến hành phẫu thuật để xác nhận chẩn đoán. Một số cục u ở cổ có thể được cắt bỏ trong điều kiện gây tê tại chỗ, trong khi những cục u khác có thể cần được cắt bỏ trong điều kiện gây mê toàn thân. Trong một số trường hợp chụp CT hoặc MRI có thể cung cấp thông tin hữu ích trước khi đưa ra quyết định về việc có cần cắt bỏ cục u hay không.

    Nội soi mũi thường là một thủ thuật trong chương trình khám và cần được thực hiện nếu nghi ngờ mắc ung thư mũi hoặc cần loại trừ tình trạng này. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách đưa một camera mảnh và mềm vào trong mũi để kiểm tra mũi và họng. Thủ thuật kiểm tra này chỉ kéo dài vài phút và thường không gây đau. Phương pháp này chỉ tiếp cận được đến thanh quản, vì vậy, để quan sát sâu hơn trong thực quản (ống dẫn thức ăn), bác sĩ có thể đề nghị thực hiện nội soi thực quản.

    Đối với những trường hợp nghi ngờ ung thư mũi hoặc họng, phải gửi mẫu mô đến phòng xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán. Đối với ung thư mũi, kỹ thuật này có thể được thực hiện tại bệnh viện trong điều kiện gây tê tại chỗ và có ống nội soi để hướng dẫn quá trình lấy sinh thiết. Với trường hợp ung thư nằm sâu trong cổ họng, ví dụ như ở thanh quản, thường cần phải gây mê toàn thân và sử dụng dụng cụ đặc biệt để tiếp cận vùng bị ảnh hưởng.

  • Điều trị và chăm sóc

    chemotherapy treatment

    Ung thư tai-mũi-họng (ENT) có thể được điều trị thành công và khi bệnh được chẩn đoán càng sớm thì việc điều trị và chữa khỏi càng dễ dàng hơn. Điều trị sớm cũng có khả năng gây ra ít tác dụng phụ hơn. Điều quan trọng là cần xin tư vấn y tế sớm nếu bạn phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào vì hành động này có thể cho phép chẩn đoán sớm hơn nếu mắc bệnh ung thư.

    Các phương pháp chính để điều trị ung thư vùng đầu và cổ là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Phương pháp điều trị chính xác sẽ được bác sĩ quyết định dựa theo loại và mức độ ung thư.

    Ung thư mũi họng

    Xạ trị và hóa trị (tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch) thường được sử dụng trong vài tuần để điều trị ung thư.

    Do ung thư mũi họng nằm ở sau mũi nên phẫu thuật thường không được sử dụng để điều trị loại ung thư này, tuy nhiên, đây là thủ thuật cần thiết để xác nhận chẩn đoán.

    Ung thư tuyến giáp

    Phẫu thuật là phương pháp cần thiết để cắt bỏ ung thư và mọi hạch bạch huyết bị ảnh hưởng ở cổ.

    Bệnh nhân thường được điều trị bằng i-ốt phóng xạ trong vài tuần sau phẫu thuật để loại bỏ những tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể. Bệnh nhân sử dụng điều trị này dưới dạng viên nang hoặc chất lỏng, khi đó điều trị sẽ nhắm đích và tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư tuyến giáp nào còn sót lại.

    U lympho

    Hóa trị thường là phương pháp cần thiết vì cơ quan bị ảnh hưởng là hệ bạch huyết, vốn là một hệ trải dài trên toàn bộ cơ thể. Có thể tiến hành xạ trị nếu ung thư mới chỉ ảnh hưởng đến một phần của cơ thể.

    Các phương pháp điều trị khác như liệu pháp kháng thể hoặc miễn dịch có thể được sử dụng. Phương pháp này sử dụng một loại thuốc bám vào tế bào ung thư và kích thích hệ miễn dịch tấn công các tế bào này.

    Thông tin do Bác sĩ David Lau, bác sĩ phẫu thuật tai-mũi-họng (TMH) của Bệnh viện Gleneagles cung cấp.