Phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư gan sẽ tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh (nghĩa là kích thước u và việc ung thư đã lan sang các bộ phận khác trên cơ thể chưa) cũng như tình hình sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị chính được sử dụng bao gồm phẫu thuật, bào mòn (cắt bỏ) u, hóa trị, liệu pháp nhắm đích điều trị ung thư và xạ trị.
Phẫu thuật có khả năng điều trị ung thư và do đó là phương pháp được lựa chọn cho những bệnh nhân ung thư gan giai đoạn sớm. Nếu ung thư mới chỉ ảnh hưởng đến một số phần của gan và phần gan còn lại vẫn khỏe mạnh, khi đó có thể thực hiện phẫu thuật để cắt bỏ phần hoặc các phần bị ảnh hưởng. Loại phẫu thuật này được gọi là phẫu thuật cắt bỏ gan.
Một hình thức phẫu thuật khác là ghép gan. Ghép gan được thực hiện bằng cách cắt bỏ toàn bộ gan và thay thế bằng một gan hiến tặng khỏe mạnh. Có thể cân nhắc thực hiện thủ thuật đại phẫu này khi ung thư mới chỉ xuất hiện ở gan, nếu có sẵn gan hiến tặng và nếu đội ngũ y tế tin rằng có thể phẫu thuật để loại bỏ ung thư. Gan khỏe mạnh có khả năng phát triển trở lại, vì vậy, cũng có thể thực hiện ghép gan từ người hiến sống, trong đó một phần gan của người hiến tặng khỏe mạnh được cắt ra và ghép cho bệnh nhân. Trong trường hợp này, cả phần gan còn lại trên cơ thể người hiến tặng và phần gan được ghép đều có thể phát triển về kích thước ban đầu nếu thủ thuật thành công. Sau khi ghép gan, sẽ cần dùng thuốc chống đào thải (thuốc ức chế miễn dịch) để ngăn ngừa đào thải tạng ghép.
Bào mòn u
Bào mòn (cắt bỏ) là thủ thuật nhằm mục đích phá hủy tế bào ung thư gan nguyên phát bằng cách sử dụng nhiệt (đốt bằng nhiệt cao tần - RFA) hoặc cồn (tiêm ethanol qua da - PEI). Thủ thuật này thường được thực hiện tại khoa chẩn đoán hình ảnh để bác sĩ có thể sử dụng kỹ thuật siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) nhằm hỗ trợ cho việc điều khiển kim đến vị trí ung thư gan. Khi bắt đầu thủ thuật, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ. Điều trị RFA sử dụng ánh sáng laser hoặc sóng vô tuyến truyền qua kim để phá hủy các tế bào ung thư bằng cách làm nóng chúng đến nhiệt độ rất cao. Điều trị PEI sử dụng cồn được tiêm qua kim vào vị trí ung thư để phá hủy các tế bào ung thư. Đôi khi có thể thực hiện lại phương pháp bào mòn u nếu u phát triển trở lại.
Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc chống ung thư để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phân chia và tiếp tục tăng sinh. Phương pháp này có thể giúp kiểm soát các triệu chứng bằng cách thu nhỏ và làm chậm sự phát triển của ung thư. Các loại thuốc hóa trị thường được cho dùng bằng cách tiêm vào tĩnh mạch (đường tĩnh mạch), tuy nhiên, đôi khi chúng cũng được cho dùng dưới dạng viên nén (đường uống). Hóa trị cũng có thể được áp dụng như một phần của phương pháp điều trị có tên là nút mạch hóa chất. Phương pháp này được thực hiện bằng cách tiêm thuốc hóa trị trực tiếp vào ung thư gan cùng với gel hoặc các hạt nhựa nhỏ để chặn dòng máu đến ung thư (nút mạch). Không phải tất cả mọi người đều phù hợp với hóa trị vì phương pháp này chỉ có thể được thực hiện nếu gan vẫn hoạt động tốt một cách thỏa đáng.
Liệu pháp nhắm đích điều trị ung thư
Liệu pháp nhắm đích điều trị ung thư sử dụng thuốc hoặc các chất khác để ngăn ung thư phát triển và lan rộng bằng cách can thiệp vào các phân tử cụ thể liên quan đến sự tăng trưởng và phát triển của ung thư, ví dụ, có thể sử dụng một loại thuốc nhắm đích có tên là sorafenib để điều trị cho những bệnh nhân mắc ung thư gan tiến triển. Loại thuốc này nhắm đến ung thư bằng cách ngăn chúng phát triển các mạch máu riêng. Do tế bào ung thư cần có nguồn cung cấp máu để nhận chất dinh dưỡng và ôxy, nên phương pháp này có thể giúp hạn chế khả năng phát triển của ung thư. Hai nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn đã chứng minh phương pháp này có khả năng kéo dài thời gian sống thêm ở những bệnh nhân mắc ung thư gan tiến triển, so với việc chỉ thực hiện chăm sóc hỗ trợ. Tác dụng phụ của sorafenib bao gồm tiêu chảy, mệt mỏi và huyết áp cao.
Xạ trị
Xạ trị sử dụng các tia năng lượng cao để phá hủy các tế bào ung thư hoặc ngăn chúng tiếp tục phát triển. Xạ trị ngoài sử dụng một máy ở bên ngoài cơ thể để điều khiển chùm tia phóng xạ chiếu vào vị trí ung thư. Phương pháp này không được sử dụng thường xuyên trong điều trị ung thư gan vì gan không thể chịu được liều phóng xạ cao. Tuy nhiên, có thể sử dụng xạ trị ngoài để giảm triệu chứng đau, ví dụ như ở những bệnh nhân mà ung thư đã lan đến xương. Một phương pháp khác là xạ trị trong, được thực hiện bằng cách cấy có chọn lọc một chất phóng xạ vào vị trí ung thư thông qua động mạch gan, là mạch máu chính đưa máu tới gan.
Có thể phòng tránh ung thư gan không?
Có, chúng ta có thể thực hiện một số hoạt động để giúp phòng ngừa ung thư gan, bao gồm:
1. Tiêm chủng vi-rút viêm gan B
2. Tránh uống quá nhiều đồ uống có cồn, đây là tác nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ do đồ uống có cồn – một căn bệnh có khả năng phát triển thành ung thư gan
3. Tránh ăn quá nhiều thịt và mỡ động vật, tránh xa đậu phộng và ngũ cốc mốc
4. Thực hiện tầm soát định kỳ nếu được đánh giá là thuộc nhóm có nguy cơ cao