Từ thời điểm được chẩn đoán mắc ung thư, bệnh nhân có thể thấy mình có một số cảm xúc tiêu cực. Những cảm xúc này là bình thường đối với bất kỳ ai được chẩn đoán mắc một bệnh lý nghiêm trọng, và điều quan trọng là phải nhận biết được những cảm xúc đó để biết cách vượt qua chúng.
Bệnh nhân có thể trải qua một số cảm xúc bao gồm:
Sốc
Việc có thái độ phủ nhận hoặc không biết phản ứng ra sao trước thực tế rằng mình bị ung thư là hoàn toàn bình thường. Sốc là cơ chế phòng thủ tự nhiên khi tâm trí của bạn không thể hiểu được một tình huống bất ngờ.
Một người bị sốc và phủ nhận kết quả chẩn đoán ung thư có thể sẽ từ chối tìm cách điều trị. Tâm trí của bạn đang cố gắng chấp nhận thông tin và không chắc chắn về việc bạn cảm thấy và phản ứng như thế nào tại thời điểm đó. Sẽ tốt hơn khi dành một chút thời gian để đương đầu với cảm xúc của bạn, nhưng hãy nhớ rằng bạn bắt đầu điều trị ung thư sớm hơn bao nhiêu thì việc điều trị sẽ hiệu quả hơn bấy nhiêu.
Sợ hãi
Sợ hãi là cảm giác tự nhiên của bất kỳ ai được chẩn đoán mắc ung thư. Nhiều người vẫn coi ung thư là căn bệnh chết người không thể chữa khỏi. Điều này có thể đúng trong quá khứ, tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong chăm sóc và điều trị ung thư, nhiều loại ung thư hiện có thể được điều trị và chữa khỏi.
Dù vậy, việc cảm thấy sợ hãi vẫn là điều bình thường bởi ung thư là một bệnh lý nghiêm trọng và bạn không biết điều gì sẽ xảy ra trong quá trình điều trị. Có rất nhiều câu chuyện được lan truyền về những ảnh hưởng nghiêm trọng của ung thư và việc điều trị ung thư. Cách tốt nhất để bạn vượt qua nỗi sợ hãi là tiếp nhận thông tin chính xác từ bác sĩ về những gì bạn có thể phải đối mặt trong và sau khi điều trị.
Giận dữ
Mặc dù các nhà khoa học đã có thể xác định những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến ung thư, nhưng hiện vẫn chưa xác định được rõ ràng nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư phổ biến. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy tức giận vì bạn tin rằng mình không “đáng” bị mắc ung thư. Giận dữ là phản ứng thường gặp khi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, nhưng điều quan trọng là phải quản lý cảm xúc này một cách lành mạnh và tránh trút giận lên gia đình, người thân.
Một phương pháp hiệu quả để kiểm soát cơn giận là chuyển năng lượng đó thành ý chí quyết tâm vượt qua căn bệnh ung thư và tiến tới hồi phục. Bạn cũng có thể giải tỏa cảm xúc bằng cách trò chuyện với một thành viên trong gia đình hoặc một người bạn đáng tin cậy, tham gia vào nhóm hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư hoặc thư giãn bằng các kỹ thuật thở sâu.
Buồn bã
Buồn bã là cảm giác tự nhiên khi bạn bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Đây là một trong những giai đoạn thường gặp nhất mà bạn sẽ trải qua trong hành trình ung thư. Tuy nhiên, nếu bạn để nỗi buồn lấn át cuộc sống, bạn có thể cảm thấy chán nản, mất hứng thú với những sở thích của bản thân hoặc tự cô lập mình với những người khác.
Việc duy trì thái độ lành mạnh và tích cực có vai trò rất quan trọng đối với quá trình hồi phục. Hãy cố gắng tìm hiểu những cách thức tốt nhất để giải tỏa nỗi buồn. Một số cách thức hiệu quả để kiểm soát cảm xúc là nghe nhạc, viết nhật ký và sáng tạo nghệ thuật. Ở bên những người bạn và người thân luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn và học hỏi kiến thức về tư duy tích cực để tạo động lực cho bản thân.