Vai là một khớp lồi cầu – ổ chảo gồm 3 xương tạo thành – xương cánh tay, xương bả vai và xương đòn – được giữ ở vị trí ổn định nhờ các dây chằng, gân và cơ. Vai là bộ phận có phạm vi cử động lớn nhất trên cơ thể. Vai cho phép chúng ta nâng vật và xoay cánh tay theo nhiều hướng khác nhau. Phần dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu các loại chấn thương vai thường gặp, các tình trạng y khoa chính ảnh hưởng đến vai và các phương pháp điều trị hiện có.
Các chấn thương vai thường gặp
Chấn thương vai thường xảy ra trong các hoạt động thể thao, đặc biệt là những hoạt động đòi hỏi phải thực hiện lặp đi lặp lại và quá mức các cử động qua đầu, ví dụ như quần vợt, cầu lông, bơi lội và cử tạ. Các chấn thương này cũng có thể xảy ra trong quá trình thực hiện các hoạt động hàng ngày như phơi đồ. Hầu hết các vấn đề đều tiến triển chậm, trong đó dây chằng, cơ và gân là những vùng có xu hướng bị ảnh hưởng. Các vấn đề về vai có thể ở mức độ nhẹ hoặc nghiêm trọng, tùy thuộc vào độ nặng của chấn thương và khoảng thời gian chấn thương không được điều trị. Các chấn thương thường gặp bao gồm:
Trật khớp
Vai là vùng dễ bị trật khớp nhất do khớp vai cử động nhiều nhất trên cơ thể. Trật khớp vai là tình trạng xương cánh tay trật ra khỏi hốc xương bả vai, đây là một chấn thương gây đau và thường xảy ra do ngã hoặc trong quá trình chơi các môn thể thao va chạm.
Nếu được điều trị kịp thời, chức năng vai có thể phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khớp vai bị mất ổn định sau một lần trật khớp, dẫn đến nguy cơ tái phát trật khớp cao hơn trong tương lai.
Các dấu hiệu cảnh báo và triệu chứng trật khớp bao gồm sưng hoặc bầm tím, đau dữ dội, nhìn thấy vai nằm không đúng vị trí, cảm giác tê chạy dọc vùng cổ và không cử động được khớp vai. Hãy tìm đến trợ giúp y tế ngay nếu thấy vai có dấu hiệu trật khớp.
Gãy xương
Chấn thương có thể làm gãy các xương cấu tạo nên vai và có thể cần được phẫu thuật nếu tác động do chấn thương gây ra khiến xương bị gãy và trật khỏi vị trí ban đầu. Đối với các trường hợp chấn thương nhẹ, phương pháp điều trị thường là sử dụng băng đỡ để hạn chế mọi cử động cho đến khi các mảnh xương lành lại, quá trình này thường kéo dài khoảng 6 – 8 tuần.
Các triệu chứng của gãy xương vai bao gồm đau ở vai, nhạy cảm đau, sưng, biến màu hoặc biến dạng ở vùng bị ảnh hưởng và gây hạn chế cử động ở vai.