Hệ tiêu hóa được cấu tạo từ thực quản, dạ dày, gan, túi mật, tuyến tụy, ruột non và ruột già. Hệ cơ quan này có chức năng tiêu hóa thức ăn, hấp thụ chất dinh dưỡng và giúp loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Tập thể dục mang lại nhiều tác dụng có lợi, ví dụ như giúp kiểm soát đường huyết nghiêm ngặt hơn ở bệnh nhân đái tháo đường, thói quen ngủ lành mạnh hơn, xương chắc khỏe hơn và đối với hệ tiêu hóa, giúp cải thiện hoạt động của ruột, từ đó ngăn ngừa chứng táo bón. Tuy nhiên, việc tập thể dục quá nhiều, đặc biệt là các hoạt động gắng sức, có thể tạo áp lực quá mức lên đường tiêu hóa và khiến triệu chứng của các tình trạng rối loạn tiêu hóa như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng và hội chứng ruột kích thích (IBS) trở nên trầm trọng hơn. Tình trạng này có thể dẫn đến buồn nôn, tiêu chảy, trào ngược axít, táo bón và thậm chí là chuột rút. Điều quan trọng là phải hiểu được tại sao những triệu chứng này có thể xảy ra trong khi tập thể dục và lập kế hoạch tập luyện để giảm cảm giác khó chịu.