Có một quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng nghỉ ngơi luôn là cách tốt nhất để điều trị các vấn đề về lưng. Nghỉ ngơi có thể giúp giảm đau và viêm trong thời gian đầu nhưng sẽ không điều trị được nguyên nhân gốc rễ gây ra tổn thương. Nghỉ ngơi trong thời gian dài có thể khiến các cơ suy yếu và gây ra nghịch lý là kéo dài thời gian hồi phục. Mặc dù nghỉ ngơi là việc cần thiết, nhưng để hồi phục hoàn toàn thì bệnh nhân cần được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Đau lưng dưới
Đau lưng dưới là một trong những bệnh lý thường gặp nhất liên quan đến sức khỏe cột sống. Có nhiều nguyên nhân gây đau lưng dưới. Một trong những nguyên nhân phổ biến là tổn thương cơ lưng dưới tiến triển từ từ do vận động quá mức trong thời gian dài, tư thế xấu, ngủ sai tư thế hoặc kỹ thuật nâng không phù hợp. Căng cơ lưng và đau cơ cũng có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai hoặc trong quá trình chăm sóc con nhỏ.
Những tổn thương này có thể ảnh hưởng đến diện khớp liên kết 2 đốt sống trên cột sống và các đĩa đệm giảm xóc giữa hai đốt sống. Theo thời gian, các hoạt động hàng ngày cũng có thể dẫn đến tổn thương nhỏ ở những vùng này và cản trở việc cử động cũng như thực hiện chức năng trơn tru. Do đó, sẽ xuất hiện những cơn đau, hạn chế về cử động và tình trạng thoái hóa có thể dẫn đến đau toàn bộ vùng lưng dưới, không rõ nguyên nhân.
Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm đau lưng, đau hoặc tê ở bàn chân, đau khi phải chịu sức nặng, đau khi ho hoặc hắt hơi, co thắt cơ và cử động bị hạn chế.
Phương pháp điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng và độ nặng của tổn thương. Nếu bạn bị đau kéo dài ở cổ hoặc lưng, đặc biệt là khi đi kèm với các tình trạng đau, tê hoặc yếu ở cánh tay và chân, bạn cần đến khám bác sĩ để được đánh giá lâm sàng. Có thể cần thực hiện các thủ thuật kiểm tra phù hợp như chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để chẩn đoán chính xác. Trong hầu hết các trường hợp, phương pháp điều trị chỉ bao gồm nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, tập thể dục hợp lý và dùng thuốc. Trong một số trường hợp, có thể cần tiến hành phẫu thuật để ngăn ngừa khuyết tật. Trao đổi với bác sĩ để tìm hiểu về loại tổn thương ảnh hưởng đến khả năng vận động của bạn và các lựa chọn điều trị hiện có.
Thoái hóa cột sống
Thoái hóa cột sống thường ảnh hưởng đến phụ nữ lớn tuổi. Thoái hóa cột sống, còn gọi là viêm xương khớp cột sống, là tình trạng thoái hóa các khớp, dây chằng và đĩa đệm ở cột sống. Áp lực lặp đi lặp lại đè lên cột sống, chấn thương và hao mòn do tuổi tác là những nguyên nhân chính gây thoái hóa cột sống. Trong những trường hợp nặng, thoái hóa cột sống có thể tạo áp lực đè lên rễ thần kinh, gây đau hoặc cảm giác ngứa ran ở chân hoặc cánh tay.
Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bao gồm đau lưng dưới, đau lan xuống chân và khó duy trì tư thế thẳng đứng. Nếu tình trạng đau kéo dài, bạn nên đến khám bác sĩ để được đánh giá lâm sàng. Có thể cần thực hiện các thủ thuật kiểm tra phù hợp như chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để chẩn đoán chính xác.
Phương pháp điều trị có thể bao gồm dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDS) để giảm đau và sử dụng vật lý trị liệu. Nếu các triệu chứng kéo dài hoặc có bằng chứng cho thấy dây thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng, bạn có thể được đề nghị thực hiện phẫu thuật giải ép hoặc một thủ thuật có tên là hàn cột sống. Trao đổi với bác sĩ để nắm được tình trạng của bạn và tìm hiểu phương án điều trị phù hợp nhất.
Hẹp cột sống
Hẹp cột sống là tình trạng ống tủy sống dần dần hẹp lại. Ống tủy sống hẹp gây áp lực lên tủy sống và rễ thần kinh. Hẹp cột sống thường ảnh hưởng đến phụ nữ cao tuổi.
Các triệu chứng của hẹp cột sống bao gồm đau lưng, đau rát ở mông hoặc chân, tê hoặc ngứa ran ở mông hoặc chân, giảm đau khi ngả người về phía trước hoặc ngồi và chân yếu.
Nếu tình trạng đau kéo dài, bạn nên đến khám bác sĩ để được đánh giá lâm sàng. Có thể cần thực hiện các thủ thuật kiểm tra phù hợp như chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để chẩn đoán chính xác. Trong một số trường hợp, có thể cần tiến hành phẫu thuật để ngăn ngừa khuyết tật.
Hẹp cột sống có thể dẫn đến một tình trạng gọi là bệnh lý tủy sống-cổ. Ở các giai đoạn muộn, bệnh lý tủy sống-cổ gây thoái hóa ở cổ và dẫn đến rối loạn chức năng dây thần kinh nghiêm trọng. Tình trạng này có thể gây yếu, mất khả năng kiểm soát chuyển động, mất chức năng đại tiểu tiện cũng như mất khả năng đứng hoặc đi lại. Trao đổi với bác sĩ để nắm được tình trạng của bạn và các lựa chọn điều trị sẵn có.