Chu kỳ kinh nguyệt được điều hòa bởi sự tăng và giảm hoóc-môn, đây là một quá trình tự nhiên xảy ra khi cơ thể chuẩn bị điều kiện cho việc mang thai. Khoảng một lần mỗi tháng, tử cung hình thành lớp niêm mạc mới (gọi là nội mạc tử cung) để chuẩn bị cho trứng được thụ tinh. Nếu trứng không được thụ tinh, niêm mạc tử cung sẽ bong ra và dẫn đến hiện tượng chảy máu kinh nguyệt hàng tháng. Chu kỳ kinh nguyệt trung bình kéo dài 28 ngày, nhưng độ dài chu kỳ và lượng máu kinh nguyệt có thể khác nhau giữa từng cá nhân.
Nữ giới thường bắt đầu có kinh nguyệt khi lên 11 tuổi và thường mãn kinh trong độ tuổi từ 45 – 60. Hiện tượng chảy máu kinh nguyệt thường kéo dài từ 3 – 7 ngày. Kỳ kinh nguyệt cuối cùng kết thúc được gọi là mãn kinh. Kinh nguyệt là một yếu tố quan trọng cho thấy thể trạng khỏe mạnh. Hãy trao đổi với bác sĩ phụ khoa nếu bạn bị chảy máu bất thường hoặc chảy máu nhiều hơn bình thường.
Điều gì xảy ra trong một chu kỳ kinh nguyệt?
Chu kỳ kinh nguyệt bao gồm 3 giai đoạn: nang trứng (trước khi rụng trứng), rụng trứng và hoàng thể (sau khi rụng trứng). Thông tin hình ảnh dưới đây minh họa sự tương tác phức tạp giữa các loại hoóc-môn cũng như những thay đổi xảy ra trong một chu kỳ kinh nguyệt.
`
Giai đoạn nang trứng (Ngày ra máu đầu tiên) – Tuyến yên giải phóng một loại hoóc-môn giúp thúc đẩy quá trình nang trứng phát triển thành trứng trong buồng trứng. Quá trình này giải phóng estrogen giúp làm dày niêm mạc tử cung để chuẩn bị cho trứng bám vào nếu được thụ tinh.
Rụng trứng (Ngày 14) – Một trứng trưởng thành được giải phóng khỏi buồng trứng. Estrogen tăng khiến nồng độ hoóc-môn tăng đột biến và kích thích rụng trứng, khi đó, trứng đi theo ống dẫn trứng và di chuyển về phía tử cung. Trứng sẽ bị phân hủy trong vòng 24 giờ nếu không được thụ tinh.
Giai đoạn hoàng thể (Ngày 14 – 28) – Sau khi giải phóng trứng, nang trứng rỗng xẹp xuống và trở thành thể vàng sản xuất ra hoóc-môn progesterone. Qua đó, niêm mạc tử cung tiếp tục được nuôi dưỡng và càng trở nên dày hơn. Nếu quá trình thụ tinh xảy ra, trứng được thụ tinh sẽ làm tổ trên niêm mạc tử cung và nồng độ progesterone duy trì ở mức cao. Nếu không xảy ra thụ tinh, trứng và thể vàng sẽ bị phân hủy. Nồng độ estrogen và progesterone giảm xuống, chu kỳ kinh nguyệt lại bắt đầu với lớp niêm mạc tử cung bong ra cùng với trứng chưa được thụ tinh.
Chu kỳ kinh nguyệt đều là yếu tố quan trọng đối với sức khỏe của người phụ nữ. Một số tình trạng như lạc nội mạc tử cung có thể dẫn đến đau bụng kinh hoặc chảy máu nhiều bất thường. Hãy xin ý kiến tư vấn của bác sĩ phụ khoa nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn có bất kỳ thay đổi nào.
Kiểm soát cơn đau bụng kinh
Hầu hết phụ nữ đều gặp phải triệu chứng đau trong kỳ kinh nguyệt. Đau bụng kinh là triệu chứng thường gặp, tuy nhiên trong một số trường hợp, cơn đau có thể trở nên rất dữ dội khiến người phụ nữ không thể chịu được và ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày. Thống kinh là thuật ngữ y học chỉ những cơn đau bụng kinh xảy ra trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng bao gồm:
- Đau ở vùng lưng dưới, hông hoặc đùi trong
- Áp lực ở vùng bụng
- Đau ở vùng bụng
- Trướng bụng hoặc tiêu chảy
- Đau đầu hoặc buồn nôn
- Nhạy cảm đau ở vú
Có thể giảm bớt triệu chứng đau bụng kinh nhẹ bằng những biện pháp sau:
- Áp túi chườm nóng lên vùng bụng
- Tắm nước ấm
- Nghỉ ngơi đầy đủ
- Tập thể dục thường xuyên
- Tránh sử dụng cafein, muối và bia rượu
- Tránh hút thuốc
Hãy trao đổi với bác sĩ phụ khoa nếu bạn gặp phải triệu chứng đau bụng kinh. Một số tình trạng y khoa như lạc nội mạc tử cung có thể dẫn đến đau bụng kinh. Vui lòng trao đổi với bác sĩ phụ khoa để tìm hiểu thêm.
Nguồn tham khảo:
- Proctor M, Farquhar C; Diagnosis and management of dysmenorrhoea. BMJ. 2006 May 13;332(7550):1134-8.
- MedicineNet.com
- Wong CL, Farquhar C, Roberts H, et al; Oral contraceptive pill as treatment for primary dysmenorrhoea. Cochrane Database Syst Rev. 2009 Apr 15;(2):CD002120.