health-myths-main-d

Nguồn: Shutterstock

Đập tan 12 quan niệm sai lầm phổ biến về sức khỏe

Cập nhật lần cuối: 10 Tháng Tám 2017 | 10 phút - Thời gian đọc
Dr Leong Hoe Nam

Bác sĩ bệnh truyền nhiễm

Dr Leong Hoe Nam

Bác sĩ bệnh truyền nhiễm

Dr Loi Shen-Yi Kelly

Bác sĩ sản phụ khoa

Dr Loi Shen-Yi Kelly

Bác sĩ sản phụ khoa

Phân biệt được đâu là sự thật và đâu không phải là sự thật sẽ giúp bạn không còn phải lo lắng quá nhiều. Sau đây là những sự thật về một số quan niệm sai lầm phổ biến về sức khỏe hiện nay.

Quan niệm sai lầm thứ 1: Thực phẩm kiềm sẽ làm giảm lượng axit trong cơ thể, giúp cải thiện sức khỏe cho bạn

Sự thật là: Trong "Chế độ ăn giàu kiềm" nhìn chung rất tốt cho sức khỏe – trong đó khuyến khích ăn nhiều trái cây, rau củ và những thực phẩm có nguồn gốc thực vật, đồng thời hạn chế ăn đồ ăn chế biến sẵn – thì quan niệm chế độ ăn này sẽ giúp trung hòa lượng axit trong cơ thể là hoàn toàn sai lầm.

Sự thật là trong máu của bạn có chứa một lượng kiềm, còn dạ dày thì chứa axit để phân giải thức ăn. Những thứ bạn nạp vào cơ thể không ảnh hưởng tới cái cách mà cơ thể tự kiềm hóa hoặc cân bằng mức độ axit. Đây chính là nhiệm vụ của phổi và thận – hai cơ quan này kiểm soát sự cân bằng axit-kiềm trong cơ thể và giữ cho độ pH trong máu của bạn luôn ổn định. Nếu phổi và thận không thực hiện được chức năng này, hẳn bây giờ bạn đang mắc một căn bệnh nghiêm trọng nào đó rồi.

Quan niệm sai lầm thứ 2: Bột ngọt (MSG) có thể gây ung thư

Sự thật là: Chất điều vị nổi tiếng này phải mang tiếng xấu khi bị cho là có liên quan tới nhiều vấn đề về sức khỏe, từ bệnh đau nửa đầu cho tới ung thư. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào về việc bột ngọt (mononatri glutamat – MSG) có ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng xếp bột ngọt vào loại nguyên liệu thực phẩm "nhìn chung là an toàn".

Mặc dù có một số ít người gặp phải phản ứng phụ như đau đầu hoặc buồn nôn khi sử dụng MSG, những triệu chứng này thường không nghiêm trọng và không cần phải điều trị. Thay vì cứ mải lo rằng liệu thứ này thứ kia có chứa MSG hay không thì tốt hơn hết, bạn hãy xem xét giá trị dinh dưỡng chung của những thực phẩm mà bạn đang ăn – ví dụ, những đồ ăn chế biến sẵn như mì ăn liền dù chứa hay không chứa MSG thì cũng cực kỳ không tốt cho sức khỏe.

Quan niệm sai lầm thứ 3: Ăn quá nhiều đường sẽ gây ra tiểu đường

Sự thật là: Trái ngược lại với những gì mà chúng ta quan niệm, đường không phải là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường. Thế nhưng, ăn quá nhiều đường có thể khiến bạn tăng cân và tăng cân lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Cách tốt nhất để hạn chế nguy cơ tiểu đường đó là kiểm soát cân nặng. Điều này đồng nghĩa với việc bạn không những phải tiết chế lượng đồ ăn chứa đường mà còn phải kiểm soát cả lượng đồ ăn dầu mỡ nữa.

Đối với bệnh tiểu đường loại 1, đường hay bất cứ món gì bạn ăn cũng đều không phải nguyên nhân gây bệnh vì loại tiểu đường này chỉ xảy ra khi các tế bào sản sinh isulin ở tụy bị phá hủy bởi hệ miễn dịch.

Quan niệm sai lầm thứ 4: Nên thực hiện detox để thải bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể

Sự thật là: Chế độ ăn detox, thức uống detox và các phương pháp chữa bệnh bằng detox vô cùng phổ biến, nhưng ý tưởng detox được cả cơ thể của chúng ta thật sự là thừa thãi. Từ góc độ y học, việc detox các hệ trong cơ thể là không cần thiết vì cơ thể của chúng ta có khả năng tự thải bỏ các độc tố hiệu quả hơn mọi chế độ và phương pháp điều trị. (Nếu độc tố có thể tích tụ trong các hệ mà cơ thể không có khả năng bài tiết những độc tố ấy ra thì hiện giờ chúng ta khó có thể sống sót hoặc có thể đang rất cần được điều trị y tế.)

Vì vậy, không cần thiết phải thực hiện các chế độ ăn, uống hoặc điều trị để "thanh lọc" hoặc "detox" cho cơ thể. Có lẽ cách tốt nhất để bảo vệ khả năng thải độc của cơ thể đó là chăm sóc cẩn thận cho gan và thận, hai cơ quan chính đảm nhận chức năng thải độc. Nếu vậy, bạn cần tránh ăn đồ ăn đã chế biến sẵn và được đóng hộp như khoai tây chiên, hạn chế thức ăn chứa nhiều đường, đồ ăn dầu mỡ và đồ uống có cồn (những thực phẩm gây ra bệnh gan nhiễm mỡ) và uống thật nhiều nước.

Quan niệm sai lầm thứ 5: Đường nâu, mật ong, sirô lá phong hoặc mật hoa agave là những chất thay thế lành mạnh cho đường

Sự thật là: Những loại đường trên cũng gây hại cho sức khỏe không kém đường tinh luyện – tất cả đều có calo rỗng và chứa ít chất dinh dưỡng. Mặc dù đường chưa tinh chế vẫn còn giữ lại một số khoáng chất như canxi, sắt và kali nhưng đây chỉ là những dấu vết còn sót lại và hàm lượng cũng không đáng kể. Những loại đường "lành mạnh hơn" này cũng không bổ dưỡng hơn đường trắng tinh luyện là bao và tất cả mọi loại đường đều có lượng calo như nhau. Cho dù là loại đường nào thì bạn cũng nên cẩn thận khi ăn chúng.

Quan niệm sai lầm thứ 6: Trứng là một nguyên nhân gây ra lượng choresterol cao

Sự thật là: Trứng đã phải chịu tiếng xấu oan ức. Hiện nay vẫn chưa có đủ dữ liệu để chứng minh rằng việc ăn thực phẩm có chứa choresterol (chẳng hạn như trứng) sẽ ảnh hưởng tới mức choresterol trong máu. Mức choresterol xấu của chúng ta thường bị tác động bởi chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Vì vậy, tốt hơn hết là bạn nên kiểm soát mức cholesterol bằng cách theo dõi lượng chất béo trong chế độ ăn của mình.

Mặt khác, trứng lại là loại thực phẩm tuy rẻ nhưng dồi dào dưỡng chất, trong đó bao gồm axit béo omega-3, kẽm, sắt, chất chống oxy hóa và vitamin D. Tuy nhiên, trong trứng vẫn có chất béo bão hòa và bạn chỉ nên ăn ở mức độ vừa phải – theo hướng dẫn, một người khỏe mạnh có thể ăn tới 6 quả trứng một tuần.

Quan niệm sai lầm thứ 7: Giữ ấm cơ thể để không bị cảm cúm

Sự thật là: Nếu không tránh mưa thì sẽ bị cảm cúm – đây là một trong những quan niệm phổ biến nhất trên thế giới mặc dù chưa hẳn đúng. Bị lạnh hay bị ướt cũng không khiến bạn bị cảm cúm đâu. Bạn cần phải nhiễm virus hoặc vi khuẩn thì mới bị ốm được.

Tuy nhiên, câu nói trên vẫn có ý đúng – phơi mình ngoài trời lạnh có thể gián tiếp gây ra cảm cúm bởi vì những lý do sau đây:

Theo bác sĩ Leong Hoe Nam, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena, thời tiết lạnh cho phép virus tồn tại lâu hơn trong không khí. Ví dụ, ở nhiệt độ 4 độ C, virus sẽ tồn tại được 24 giờ trong không khí, còn vào những ngày bình thường ở quốc gia có khí hậu ám áp, virus chỉ sống được khoảng 30 – 60 phút. Hơn nữa, khi trời lạnh, người ta thường ở trong nhà và ngồi sát lại gần nhau, vì thế bệnh có thể lây lan dễ dàng.

Vi khuẩn có thể lây lan và truyền nhiễm khi người ta hít phải những hạt nước có chứa vi khuẩn. Điều này có thể xảy ra khi người bệnh ngồi gần bạn bị ho hoặc hắt hơi. Khi thời tiết lạnh và khô, niêm mạc họng có thể bị kích ứng. Vi khuẩn khi đã xâm nhập vào sẽ gây bệnh cho cổ họng.

Mặc dù thời tiết lạnh không phải là nguyên nhân trực tiếp gây cảm cúm, đây vẫn là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn và mắc bệnh.

Quan niệm sai lầm số 8: Không được tắm rửa hay gội đầu khi đang ở cữ

Sự thật là: Những người mới làm mẹ thường được dặn là không gội đầu hoặc thậm chí là không tắm rửa trong thời gian ở cữ vì người ta quan niệm rằng làm vậy sẽ khiến "gió" lùa vào trong cơ thể và gây đau xương, đau khớp. Nếu bạn đang sắp sửa làm mẹ, có lẽ bạn sẽ thấy mừng khi biết rằng đây chỉ là một câu chuyện của các bà cụ ngày xưa không có căn cứ khoa học.

Tắm rửa giúp đảm bảo vệ sinh cho cơ thể, làm giảm nguy cơ bị nhiễm trùng da, nhiễm trùng vết thương và cũng không hề gây đau khớp. Nếu vẫn thấy lo ngại, thay vì nghỉ hẳn việc tắm gội, bạn chỉ cần không tắm với nước quá lạnh là được.

Quan niệm sai lầm số 9: Ăn xì dầu sẽ khiến vết thương bị sạm màu

Sự thật là: Nếu bạn đã từng bị thủy đậu hoặc có vết sẹo xấu do vết thương nghiêm trọng trước đây, bạn có thể đã từng được cảnh báo rằng không nên ăn xì dầu. Người ta quan niệm rằng màu sắc đen sậm của xì dầu sẽ khiến cho vảy vết thương bị sạm màu và để lại sẹo vĩnh viễn. Tuy nhiên, sẹo chỉ xuất hiện nếu bạn gãi trong quá trình lành vết thương – chứ không phải do những thứ mà chúng ta ăn. Thậm chí các thầy thuốc đông y cũng xác nhận rằng đều này thật hoang đường. Nếu bạn muốn vết thương không để lại sẹo, chỉ cần giữ gìn vết thương thật sạch sẽ và tránh gãi nó là được.

Quan niệm sai lầm thứ 10: Đừng cho trẻ con ăn quá nhiều đường, chúng có thể sẽ bị tăng động

Sự thật là: Mặc dù việc điều chỉnh hợp lý lượng đường mà con trẻ ăn vào là đúng đắn, lý do mà cha mẹ làm vậy thì lại chưa hẳn là đúng. Nhiều người tin rằng việc ăn quá nhiều đường sẽ khiến đứa trẻ bị tăng động – tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy đường có thể gây ra chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc làm cho những triệu chứng ADHD trở nên trầm trọng hơn.

Tăng lượng đường nạp vào cơ thể có thể làm tăng nhanh lượng đường trong máu và khi đó xuất hiện phản ứng adrenaline chạy nhanh trong cơ thể giống như chứng tăng động, nhưng các nghiên cứu chưa tìm ra mối liên hệ nào giữa đường và hành vi hoặc nhận thức của trẻ. Tuy vậy, cha mẹ cũng nên cho trẻ ăn, uống những thực phẩm lành mạnh, ít đường, chẳng hạn như hãy chọn đồ uống hoa quả ngâm thay vì đồ uống đóng lon.

Quan niệm sai lầm thứ 11: Ăn thức ăn cay có thể khiến bạn bị loét dạ dày

Sự thật là: Rất nhiều người thích ăn đồ cay nóng, vì vậy đây hẳn là một tin vui đối với họ – trái với quan niệm phổ biến, đồ ăn cay nóng không phải là nguyên nhân gây loét dạ dày. Loét dạ dày thường là do bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H.pylori) chứ không phải do đồ ăn cay. Những yếu tố khác như tiền sử bệnh của gia đình, hút thuốc và uống nhiều rượu bia cũng ảnh hưởng tới nguy cơ bị loét dạ dày. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý rằng, nếu bạn đang bị loét dạ dày, tốt nhất là nên tránh ăn đồ cay nóng.

Quan niệm sai lầm thứ 12: Uống 8 ly nước một ngày

Sự thật là: Mặc dù đây là một quan niệm phổ biến vì được cho là đem lại nhiều lợi ích sức khỏe (bao gồm việc mang đến làn da đẹp và ngăn ngừa bệnh sỏi mật), câu thần chú uống 8 ly nước một ngày không hề có cơ sở về mặt y học. Nước vốn rất cần thiết cho cơ thể của bạn, thế nhưng không cần phải uống tới 8 ly nước một ngày. Nguyên nhân là do việc uống nước không phải là cách cấp nước duy nhất cho cơ thể – cơ thể của chúng ta còn được cấp nước từ trái cây, rau củ, nước ép và cà phê.

Hơn nữa, vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy rằng uống nhiều nước hơn sẽ mang lại lợi ích sức khỏe cho con người. Mặc dù vậy, nước vẫn là thức uống lành mạnh nhất mà bạn nên dùng – nhưng bạn không cần uống tới 8 ly một ngày. Cách tốt nhất để xác định lượng nước cần uống đó là bạn chỉ cần uống bất cứ khi nào thấy khát.

MSG (Monosodium Glutamate): Good or Bad? (2018, November 19) Retrieved December 04, 2020, from https://www.healthline.com/nutrition/msg-good-or-bad#fact-vs-fiction

Symptoms & Causes of Diabetes (2016, December) Retrieved December 04, 2020, from https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/symptoms-causes

Risk Factors for Type 2 Diabetes (2016, November) Retrieved December 04, 2020, from https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/risk-factors-type-2-diabetes

Diabetes Diet, Eating, & Physical Activity (2016, December) Retrieved December 04, 2020, from https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/diet-eating-physical-activity

What Foods Protect the Liver? (2020, January 23) Retrieved December 04, 2020, from https://www.medicalnewstoday.com/articles/323915#12-best-foods

What Foods Are Good for Kidneys? (2019, June 05) Retrieved December 04, 2020, from https://www.medicalnewstoday.com/articles/325390

Sugars, Granulated. (2019, December 16) Retrieved December 04, 2020, from https://fdc.nal.usda.gov/fdc-app.html#/food-details/746784/nutrients

What Should My Cholesterol Level Be At My Age? (2020, January 05) Retrieved December 04, 2020, from https://www.medicalnewstoday.com/articles/315900#treatment-options

Eggs: Are They Good or Bad for My Cholesterol? (2020, January 09) Retrieved December 04, 2020, from https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-cholesterol/expert-answers/cholesterol/faq-20058468
Bài viết liên quan
Xem tất cả