Stents - how they help your heart

Nguồn: Shutterstock

Tạo hình mạch vành & stent: Những điều cần biết

Cập nhật lần cuối: 25 Tháng Năm 2018 | 5 phút - Thời gian đọc
Dr Dinesh Nair

Bác sĩ nội tim mạch

Dr Dinesh Nair

Bác sĩ nội tim mạch

Dinesh Nair, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Mount Elizabeth, đã chia sẻ mọi điều bạn cần biết về stent, bao gồm cơ chế hoạt động của nó, lý do sử dụng, lợi ích và cả các nguy cơ.

Stent là gì?

Stent là một ống kim loại hoặc một ống nhựa được dùng để mở rộng những lòng mạch bị tắc hẹp. Ví dụ, khi lượng choresterol tích tụ làm tắc nghiẽn động mạch, stent có thể được sử dụng để giúp máu lưu thông trở lại và giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Các stent còn giúp ngăn ngừa chứng phình động mạch trong não và mở thông các đường dẫn khác trong cơ thể, chẳng hạn như ống mật, đường dẫn khí trong phổi, đường tiết niệu và động mạch chân.

Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể cần đặt stent, hãy đi khám tim hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Tại sao tôi lại cần đặt stent?

Stent dành cho các động mạch bị hẹp tắc

Theo thời gian, ở các động mạch những mạch dẫn máu vào và ra khỏi tim, thường sẽ hình thành những mảng xơ vữa (do sự tích tụ của cholesterol và canxi trong lòng động mạch). Những mảng xơ vữa này có thể cứng lại gây tắc nghẽn mạch và cản trở dòng máu lưu thông tới các cơ quan chính trong cơ thể. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn tới các bệnh như đau thắt ngực hoặc thậm chí là nhồi máu cơ tim.

Stent là phương án điều trị lý tưởng đối với bệnh nhân bị bệnh tim vì phương pháp này mang lại tỷ lệ thành công rất cao. Thông thường, bạn sẽ được đề nghị sử dụng phương pháp này nếu mức độ nghẽn mạch lên tới 70%.

Stent được đặt vào cơ thể như thế nào?

Phẫu thuật tạo hình mạch vành

Quy trình đặt stent được gọi là phẫu thuật tạo hình mạch vành. Đây là quy trình phẫu thuật ít xâm lấn được thực hiện khi bệnh nhân được gây tê cục bộ.

Trước hết, bác sĩ sẽ thực hiện đặt ống thông tim, trong đó, một dây dẫn siêu mỏng đi theo đường ống thông được đưa vào vùng háng hoặc cánh tay của bạn, luồn qua các động mạch và tới thẳng tim. Sau đó, bác sĩ bơm một loại dung dịch tên là "cản quang" vào trong ống thông để xác định chính xác vùng mạch bị tắc nghẽn bằng X quang.

Sau đó, bác sĩ sẽ đưa vào ống thông thứ hai, lần này kèm theo một bong bóng nhỏ, xẹp và một stent bao bên ngoài bóng. Sau khi bơm căng bóng để mở rộng động mạch, stent được bung ra áp sát vào vị trí chỗ hẹp và đóng vai trò như một giá đỡ cho mạch bị tắc nghẽn. Chất cản quang lại tiếp tục được bơm vào trong động mạch để chắc chắn rằng dòng máu đang lưu thông ổn định.

Sau khi làm thủ thuật này, bạn cần phải ở lại qua đêm trong viện để bác sĩ theo dõi tình hình sức khỏe của bạn.

Có nhiều loại stent khác nhau không?

Các loại stent

Bác sĩ sử dụng nhiều loại stent khác nhau, phổ biến nhất là stent kim loại trần (BMS), stent phủ thuốc (DES) và stent tự tiêu (BVS).

BMS là loại stent cơ bản nhất, có cấu trúc bằng thép không gỉ hoặc crom-coban không có lớp phủ. Mục đích chính của loại stent này đó là mở thông động mạch và không thể tháo ra sau khi được đưa vào trong cơ thể.

DES được làm từ vật liệu kim loại tương tự với BMS. Tuy nhiên, loại này được phủ một lớp thuốc bên ngoài và phần thuốc này dần sẽ được giải phóng trong lòng mạch để ngăn sự phát triển của mô sẹo gây tắc nghẽn trong động mạch. Lợi ích bổ sung này chính là lý do vì sao loại stent này được sử dụng phổ biến hơn BMS.

BVS thì tương đối mới, và khác với BMS và DES, loại stent này sẽ không ở lại trong cơ thể ta mãi mãi. Loại stent này được làm từ chất liệu tự tiêu như magiê hoặc polyme phi kim loại và cũng được tráng một lớp thuốc để ngăn ngừa nguy cơ động mạch bị thu hẹp lại lần nữa. BVS sẽ hòa tan trong máu sau khoảng 2 năm và không để lại dấu vết gì của việc đã từng đặt stent, nhưng vẫn đảm bảo rằng động mạch được mở rộng đủ để ngăn chặn tình trạng tắc nghẽn tái diễn.

Các loại stent ít phổ biến hơn (và đắt hơn) bao gồm:

  • Stent được tạo bằng công nghệ sinh học: Loại stent được phủ một lớp kháng thể thay vì thuốc giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục tự nhiên của động mạch
  • Stent trị liệu kép: Là Loại stent mới nhất, mang đến lợi ích của các loại stent DES, BVS và stent được tạo bằng công nghệ sinh học - nó sẽ tự tan trong cơ thể, bên ngoài được phủ thuốc và kháng thể trị liệu

Loại stent nào là tốt nhất?

Loại stent tốt nhất?

Mỗi loại stent đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Ví dụ, ưu điểm của stent BMS là bạn không cần phải dùng liệu pháp kháng tiểu cầu kép (sử dụng kết hợp các loại thuốc chống đông máu) trong hơn 1 tháng. Tuy nhiên, bạn sẽ cần phải dùng aspirin suốt đời và thậm chí sau này BMS của bạn có thể không còn hoạt động hiệu quả nữa. Thực tế là khoảng 1/4 động mạch được đặt BMS sẽ bị hẹp trở lại trong vòng 6 tháng.

Stent DES được đặc biệt thiết kế để giải quyết vấn đề này và giảm thiểu nguy cơ tái thu hẹp động mạch tới 10%. Nếu bạn đang trong tình trạng tắc nghẽn mạch nghiêm trọng hơn hoặc phải đối mặt các nguy cơ khác như bệnh tiểu đường, đây chính là loại stent mà bạn nên sử dụng. Tuy nhiên, quá trình hồi phục bên trong cơ thể sẽ mất nhiều thời gian hơn so với BMS, vì thế bạn cần phải áp dụng liệu pháp kháng tiểu cầu kép trong ít nhất một năm sau khi đặt stent để giảm thiểu nguy cơ bị đông máu.

Có vẻ như BVS là sự lựa chọn tốt hơn cả – xét cho cùng, đây là loại stent được thiết kế rất thông minh giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục và giúp động mạch khôi phục về trạng thái tự nhiên – nhưng vì công nghệ này vẫn còn rất mới, người ta vẫn còn phải nghiên cứu rất nhiều để kiểm nghiệm tính hiệu quả của nó. Bác sĩ cũng sẽ không khuyến khích sử dụng loại stent mạch vành này nếu động mạch của bạn bị xơ cứng nghiêm trọng.

Bác sĩ Nair cho biết: "Tôi thường dành nhiều thời gian để thảo luận về ưu và nhược điểm của từng loại stent với bệnh nhân và người nhà. Vì BVS còn khá mới, ta mới chỉ thu được dữ liệu trong 8 năm với các kết quả chưa nhất quán, còn DES thì có nguồn dữ liệu trên10 năm. BMS có dữ liệu trong hơn 20 năm vì loại stent này được sử dụng từ những năm 1980."

"Theo quy định chung, chúng tôi thường cân nhắc sử dụng BVS nếu như tình trạng hẹp tắc động mạch có thể được điều trị bằng phương pháp đặt stent thông thường. Tuy nhiên, vì đây là một thiết bị tương đối mới nên hiện tại việc sử dụng stent này chỉ giới hạn trong những trường hợp tắc nghẽn mạch đơn giản và ít phức tạp. Ta vẫn sẽ áp dụng stent cho những trường hợp như vậy cho tới khi thu thêm được nhiều dữ liệu hơn trong những năm tới và cho tới khi chúng ta có thêm nhiều kinh nghiệm sử dụng hơn đối với công nghệ này."

Tôi cần biết thêm điều gì không?

Một số bệnh viện có cung cấp các loại stent chất lượng cao và các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến, chẳng hạn như siêu âm trong lòng mạch (IVUS) và chụp cắt lớp quang học (OCT), nên bạn có thể yên tâm rằng mình đang sử dụng loại stent có kích thước phù hợp và bác sĩ sẽ có thể tiến hành đặt stent thành công. Từ đó, nguy cơ stent mất đi hiệu quả trong tương lai sẽ được hạn chế tối đa.

Nếu bạn lo lắng về tình trạng tim mạch của bản thân, hãy nhớ thường xuyên đi kiểm tra tim để sớm phát hiện ra nguy cơ mắc bệnh tim tiềm ẩn.

Để tìm hiểu thêm về phẫu thuật tạo hình mạch vành và các loại stent, hoặc tìm phương pháp điều trị tối ưu cho tim của bạn, hãy đặt câu hỏi và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Krans, B. (2017, November 9). Stents: Why and How They are Used. Retrieved 15 May 2018 from https://www.healthline.com/health/stent

What is a Stent? Everything You Need to Know. (2019, January 18) Retrieved January 25, 2021, from https://www.medicalnewstoday.com/articles/324222

Coronary Angioplasty and Stents. (2019, November 15) Retrieved January 25, 2021, from https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/coronary-angioplasty/about/pac-20384761
Bài viết liên quan
Xem tất cả