Important facts about cataracts

Nguồn: Shutterstock

5 sự thật quan trọng về đục thủy tinh thể

Cập nhật lần cuối: 13 Tháng Bảy 2018 | 4 phút - Thời gian đọc

Bác sĩ Chua Wei Han, chuyên gia nhãn khoa tại Bệnh viện Mount Elizabeth, chia sẻ 5 sự thật bạn cần biết về bệnh đục thủy tinh thể.

1. Đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù phổ biến nhất trên thế giới

Trên thực tế, số ca đục thủy tinh thể trên toàn thế giới nhiều hơn hẳn so với số ca mắc các bệnh về mắt nghiêm trọng khác, chẳng hạn như tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng và võng mạc tiểu đường cộng lại.

Chứng đục thủy tinh thể thường xảy ra ở những người trên 40 tuổi và có thể ảnh hưởng tới phần lớn những người từ 60 tuổi trở lên.

Nếu bạn cảm thấy thị lực của mình bị mờ, nhòe và nghi ngờ mình đã mắc chứng đục thủy tinh thể, hãy tham khảo ngay ý kiến của bác sĩ nhãn khoa.

2. Triệu chứng của bệnh đục thủy tinh thể sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn

Có thể bạn sẽ không biết ngay rằng mình đang mắc chứng đục thủy tinh thể. Triệu chứng đầu tiên thường là thị lực bị mờ, nhòe, khiến mọi thứ trước mắt bạn trở nên mơ hồ, không rõ ràng.

Khi bị đục thủy tinh thể, tầm nhìn của bạn sẽ càng ngày càng mờ đi. Chứng bệnh này có thể khiến nhân thủy tinh thể biến màu thành nâu hoặc vàng khiến mắt càng khó nhìn hơn, đặc biệt vào ban đêm. Bạn có thể trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng. Thậm chí, một số người còn trông thấy những "vầng hào quang" (những quầng sáng có màu sắc) xung quanh những ánh đèn, gây cản trở một số hoạt động như lái xe vào ban đêm. "Nhìn 1 thành 2" cũng là một triệu chứng khác có thể xuất hiện ở chứng bệnh này. Và cuối cùng, bệnh đục thủy tinh thể sẽ dẫn tới mù lòa.

Chỉ cần một cặp kính mới, ta đã có thể loại bỏ ngay một số triệu chứng ban đầu của bệnh đục thủy tinh thể. Đó là lý do vì sao bạn cần phải tới gặp bác sĩ nhãn khoa nếu phát hiện ra bất kỳ thay đổi nào trong thị lực của mình.

3. Bệnh đục thủy tinh thể có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi

Bệnh đục thủy tinh thể có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi

Nhắc tới chứng đục thủy tinh thể, người ta thường nghĩ ngay tới dấu hiệu tuổi già. Đây chắc chắn là một yếu tố nguy cơ, nhưng bạn có thể mắc căn bệnh này ở bất kỳ độ tuổi nào. Các yếu tố khác có thể dẫn tới căn bệnh này bao gồm bị cận thị nặng, có tiền sử chấn thương mắt, sử dụng steroid trong thời gian dài, hút thuốc, béo phì, lạm dụng chất cồn, huyết áp cao và tiếp xúc với quá nhiều ánh nắng mặt trời. Và nếu gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh đục thủy tinh thể, bạn cũng có nguy cơ mắc phải chứng bệnh này.

Đi kiểm tra mắt thường xuyên sẽ giúp bạn tránh được chứng đục thủy tinh thể và các căn bệnh về mắt nghiêm trọng khác ngay từ ban đầu, hạn chế tối đa tác động tiêu cực lâu dài đối với thị lực của bạn.

4. Nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể tăng cao nếu bạn bị tiểu đường

Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc chứng đục thủy tinh thể

Các bác sĩ vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân, nhưng có một sự thật là bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc chứng đục thủy tinh thể. Số liệu thống kê đã chứng minh tất cả: những người bị tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 60%.

Kiểm soát lượng đường trong máu sẽ phần nào giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, nhưng bạn cũng đừng quên sắp xếp các cuộc hẹn khám mắt thường xuyên để có thể duy trì một đôi mắt khỏe mạnh.

5. Bệnh đục thủy tinh thể có thể được điều trị một cách an toàn và hiệu quả bằng phương pháp phẫu thuật

Mặc dù bạn hoàn toàn có thể kiểm soát các triệu chứng đục thủy tinh thể mức độ nhẹ bằng cách đeo các cặp kính tốt hơn hoặc đeo kính râm theo kê đơn, cách điều trị dứt điểm căn bệnh này đó phẫu thuật. Hiện nay, bệnh nhân được khuyến khích phẫu thuật đục thủy tinh thể vì đây thủ thuật an toàn, hiệu quả và được thực hiện trong vòng không tới một giờ đồng hồ.

Trong hầu hết các ca phẫu thuật đục thủy tinh thể, người ta thường sử dụng thuốc an thần để giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Bệnh nhân được tiêm hoặc nhỏ thuốc gây tê vào mắt để không còn cảm thấy gì. Bác sĩ sẽ nhẹ nhàng phá vỡ thủy tinh thể bị đục bằng phương pháp siêu âm và laser (thi thoảng) trước khi hút bỏ, sau đó cấy kính nội nhãn vào mắt bệnh nhân.

Sau đó, bạn sẽ được nhỏ thuốc mắt để giúp mắt mau lành và tránh nhiễm trùng. Tùy theo kỹ thuật mổ bác sĩ áp dụng, mắt của bạn thường sẽ hồi phục hoàn toàn sau 1 – 2 tháng.

Những sáng kiến gần đây đã dẫn đến sự ra đời của hàng loạt các loại kính nội nhãn phong phú, đa dạng, mỗi loại lại có đặc điểm độc đáo và lợi ích riêng. Các loại kính nội nhãn cao cấp như kính đa tiêu (ba tiêu) và kính có tiêu cự được mở rộng có thể hỗ trợ chứng cận thị, viễn thị, loạn thị và lão thị cùng một lúc. Những loại kính này cho phép bệnh nhân có thể nhìn tốt mà không cần dùng tới các cặp mắt kính thông thường.

Hãy thực hiện các biện pháp giúp duy trì thị lực khỏe mạnh!

Duy trì thị lực khỏe mạnh với những loại thực phẩm sau

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa sẽ giúp bạn bảo vệ và gìn giữ thị lực. Bạn cũng cần bổ sung thêm nhiều vitamin C và vitamin E. Hãy ăn thêm các loại thực phẩm sau:

  • Trái cây họ cam chanh (ví dụ: cam, bưởi)
  • Ớt xanh và ớt đỏ
  • Cà chua
  • Bông cải xanh
  • Dâu tây
  • Kiwi
  • Rau chân vịt
  • Các loại hạt

Những người hút thuốc cũng có nguy cơ bị đục thủy tinh thể khi về già. Bỏ thuốc không chỉ tốt cho tim và phổi mà còn tốt cho cả đôi mắt của bạn.

Hãy nhớ đeo kính râm khi ra ngoài trời (loại kính chống tia UV và ít nhất 70% ánh sáng khả kiến) vì ánh sáng chứa tia UV có thể khiến đôi mắt bạn bị tổn thương. Điều quan trọng nhất đó là đi khám mắt thường xuyên để chắc chắn rằng đôi mắt của bạn vẫn luôn luôn sáng khỏe!

Nếu bạn cần thêm thông tin về bệnh đục thủy tinh thể và các phương án điều trị, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nhãn khoa.

Bailey, Gretchyn. (2018, May 14). Cataracts. Retrieved 30 May 2018 from https://www.allaboutvision.com/conditions/cataracts.htm

Cataracts and Diabetes. (n.d.). Retrieved 30 May 2018 from https://www.diabetes.co.uk/diabetes-complications/cataracts.html

Celojevic, D. & Zetterberg, M. (2015). Gender and Cataract – the Role of Estrogen. Current Eye Research 40 (2).

Delgado, A. & Nelson, J. (2016, February 12). Cataract. Retrieved 30 May 2018 from https://www.healthline.com/health/cataract

Poon Chian Hui. (2013, May 11). New Cataract Surgery Cuts Blindness Risk. Retrieved 30 May 2018 from https://www.straitstimes.com/singapore/new-cataract-surgery-cuts-blindness-risk

What to Expect from Cataract Surgery. (n.d.). Retrieved 30 May 2018 from https://www.webmd.com/eye-health/cataracts/what-to-expect-from-cataract-surgery#2

Zetterberg, M. (2016). Age-related Eye Disease and Gender. Maturitas 83.
Bài viết liên quan
Xem tất cả