Cơ thể tôi sẽ phản ứng với gan mới như thế nào?
Hệ miễn dịch là cơ chế phòng vệ tự nhiên của cơ thể. Hệ miễn dịch được lập trình để nhận diện và tiêu diệt mọi yếu tố bất thường. Những yếu tố này bao gồm tế bào của gan mới ghép cũng như vi khuẩn và cấu trúc gây nhiễm trùng.
Sau khi ghép gan, bệnh nhân cần dùng các loại thuốc đặc hiệu để ngăn hệ miễn dịch đào thải gan mới. Những loại thuốc này được gọi là thuốc ức chế miễn dịch và bệnh nhân cần dùng thuốc hàng ngày trong suốt phần đời còn lại.
Bác sĩ sẽ kê đơn kết hợp nhiều loại thuốc ức chế miễn dịch. Những loại thuốc này sẽ khiến bệnh nhân bị tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nhu cầu sử dụng thuốc ức chế miễn dịch cao nhất trong vài tháng đầu tiên sau cấy ghép. Đây là khoảng thời gian bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng cao nhất. Nguy cơ này giảm xuống khi liều dùng được giảm sau vài tháng, tuy nhiên, bệnh nhân vẫn luôn phải tránh tiếp xúc với người bị nhiễm trùng. Bệnh nhân cũng cần tránh ăn bất kỳ dạng thực phẩm sống nào. Bệnh nhân sẽ được theo dõi sát sao để phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng và tiến hành điều trị nếu cần thiết.
Xét nghiệm máu định kỳ sẽ giúp xác định nồng độ của các thuốc này và liều lượng hàng ngày sẽ được thay đổi nếu bác sĩ cấy ghép yêu cầu. Nồng độ quá thấp nghĩa là nguy cơ đào thải cao hơn và liều dùng sẽ được tăng lên. Nếu nồng độ quá cao, bệnh nhân có thể gặp phải nhiều tác dụng phụ hơn và liều dùng sẽ được giảm xuống. Bệnh nhân không được thay đổi liều lượng thuốc ức chế miễn dịch khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Việc không dùng thuốc theo kê đơn có thể dẫn đến đào thải gan mới ghép.
Thuốc ức chế miễn dịch có thể gây ra tác dụng phụ gì?
Giống như hầu hết các loại thuốc, thuốc ức chế miễn dịch cũng gây ra một số tác dụng phụ.
Thuốc ức chế miễn dịch cần thiết cho việc ngăn ngừa đào thải gan mới ghép, nhưng sẽ khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng hơn. Các triệu chứng như ho hoặc sốt mà có thể tự biến mất trước khi ghép gan có khả năng là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng. Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nhiễm trùng nào, bệnh nhân cần ngay lập tức liên hệ với nhân viên cấy ghép. Chúng tôi sẽ giới thiệu để bệnh nhân được thăm khám bác sĩ ngay tức thì để xác định có nhiễm trùng hay không và nếu có thì cần điều trị như thế nào.
Nhân viên cấy ghép hoặc y tá sẽ đưa ra thời gian biểu dùng thuốc cho bệnh nhân. Bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt thời gian biểu và không được bỏ thuốc khi chưa có chấp thuận của bác sĩ. Thuốc ức chế miễn dịch giúp ngăn cơ thể đào thải gan mới; trong khi đó, các loại thuốc khác được sử dụng nhằm mục đích hỗ trợ hệ miễn dịch, nếu không có những loại thuốc này, hệ miễn dịch có thể bị suy giảm do tác dụng của thuốc ức chế miễn dịch. Bệnh nhân phải luôn kiểm tra với Trung tâm cấy ghép khi được kê bất kỳ loại thuốc mới nào vì loại thuốc đó có thể tương tác với thuốc ức chế miễn dịch.
Tôi cần dùng những loại thuốc nào khác?
Trong 3 đến 6 tháng đầu sau khi cấy ghép, bệnh nhân sẽ cần dùng những loại thuốc sau:
- Kháng sinh – để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn
- Thuốc kháng nấm dạng lỏng – để giảm nguy cơ nhiễm nấm trong miệng
- Thuốc kháng axít – để giảm nguy cơ loét dạ dày và ợ nóng
- Bất kỳ loại thuốc nào khác do bác sĩ cấy ghép kê đơn, tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân
Một số loại thuốc kê đơn có thể gây mụn, khô da, u trên da, tóc dễ gãy và mọc lông không mong muốn. Bệnh nhân có thể tránh được một số tác dụng phụ nêu trên nếu thực hiện biện pháp phòng ngừa, trong khi các tác dụng phụ khác có thể cần kiểm tra với bác sĩ.
Bệnh nhân nên trao đổi về các loại thuốc đang dùng với dược sĩ nếu cần mua thuốc không kê đơn để điều trị các bệnh nhẹ (ví dụ như paracetamol để điều trị đau đầu). Bác sĩ đa khoa của bệnh nhân có thể sẽ muốn liên hệ với bác sĩ ghép gan trước khi kê bất kỳ loại thuốc mới nào cho bệnh nhân.
Làm thế nào để biết gan của tôi có đang bị đào thải hay không?
Đào thải là cách cơ thể nhận diện gan được hiến là thành phần ngoại lai và tấn công cơ quan này. Thông thường, có thể khắc phục hiện tượng đào thải nếu được phát hiện và điều trị sớm. Bệnh nhân cần nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng ngừa và học cách nhận biết những dấu hiệu đào thải có thể cần được can thiệp tức thì.
- Nồng độ men gan tăng – bilirubin toàn phần, SGPT (ALT), SGOT (AST), SGGT
- Mệt mỏi
- Sốt
- Đau hoặc nhạy cảm đau ở vùng bụng
- Nước tiểu sẫm màu hoặc sáng màu
- Mắt và/hoặc da có màu vàng (Vàng da)
- Cổ trướng (dịch trong ổ bụng)
- Ngứa
Tăng khả năng phát hiện sớm tình trạng đào thải gan:
- Làm xét nghiệm máu và các xét nghiệm khác theo chỉ định của bác sĩ
- Dùng thuốc theo kê đơn
- Lập tức thông báo khi có dấu hiệu đào thải
Các chỉ số xét nghiệm tăng có thể là dấu hiệu của tình trạng đào thải, tuy nhiên, chỉ thông qua sinh thiết mới có thể xác định gan của bệnh nhân có đang bị đào thải hay không. Các yếu tố khác cũng có thể làm tăng men gan. Vì lý do này, việc điều trị tình trạng đào thải chỉ nên được theo dõi bởi bác sĩ cấy ghép.
Những sự thật quan trọng về đào thải gan:
- Nồng độ men gan tăng – bilirubin toàn phần, SGPT (ALT), SGOT (AST), SGGT
- Việc gặp phải tình trạng đào thải không phải lúc nào cũng có nghĩa là bệnh nhân sẽ bị mất gan
- Bệnh nhân có thể cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh khi gan bị đào thải
- Đào thải có thể là tình trạng cấp tính (xảy ra đột ngột) hoặc mạn tính (xảy ra dần dần theo thời gian)
- Tình trạng đào thải sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu không được điều trị
- Đào thải có thể xảy ra tại bất kỳ thời điểm nào
Tôi cần khám theo dõi vào thời điểm nào và tại sao?
Nhân viên cấy ghép sẽ sắp xếp kế hoạch khám định kỳ cho bệnh nhân, bao gồm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh:
- Siêu âm – để đảm bảo tất cả các mạch máu chính dẫn đến gan đều hoạt động bình thường và không tồn tại khối máu tụ hoặc khối mật tụ;
- Chụp quang tuyến đường mật xuyên gan qua da (PTC) – thuốc nhuộm được tiêm vào ống chữ T, từ đó làm nổi bật ống mật. Thủ thuật này cho phép xác định có tình trạng rò rỉ, tắc nghẽn hoặc các vấn đề tiềm tàng khác hay không;
- Sinh thiết gan – để kiểm tra và phát hiện tình trạng đào thải gan mới ghép hoặc bệnh viêm gan;
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) – thủ thuật này cho phép quan sát gan từ các góc khác nhau; nhằm phát hiện tình trạng nhiễm trùng và tụ dịch;
- Nội soi chụp mật-tụy ngược dòng (ERCP) – thuốc nhuộm được tiêm vào qua ống nội soi, ống này được đưa qua miệng vào dạ dày và ruột để đến gan. Thủ thuật này cho phép quan sát cây đường mật (các ống khác nhau nằm trong và xung quanh gan) cũng như các ống từ tụy.
Mục đích của các lần khám theo dõi là giám sát sự tiến triển của bệnh nhân và phát hiện các biến chứng tiềm tàng sớm nhất có thể. Bệnh nhân sẽ cần mang theo hồ sơ sau cấy ghép và thời gian biểu dùng thuốc đến mỗi lần khám tại Trung tâm cấy ghép của chúng tôi. Ghi chép thường xuyên và liệt kê bất kỳ câu hỏi nào mà bệnh nhân và/hoặc gia đình có thể có và mang theo trong các lần khám theo dõi.