Sỏi mật là các khối vật chất nhỏ trông giống sỏi được tìm thấy trong túi mật. Túi mật là một túi nhỏ chứa dịch mật, là dịch tiêu hóa do gan sản xuất ra có chức năng phân giải và tiêu hóa chất béo.
Sỏi mật hình thành từ dịch mật bị cứng lại. Dịch mật được tạo thành từ cholesterol, nước, chất béo, muối mật và bilirubin (chất thải của tế bào hồng cầu). Nếu nồng độ cholesterol, bilirubin hoặc muối mật trong dịch mật cao, dịch mật sẽ trở nên đặc hơn và từ đó cứng lại thành sỏi.
Sỏi mật có thể xuất hiện dưới dạng một viên sỏi lớn có kích thước như một quả bóng golf, hoặc ở dạng các viên sỏi nhỏ, hoặc kết hợp cả hai dạng này. Có hai loại sỏi mật:
- Sỏi cholesterol, đây là loại thường gặp nhất
- Sỏi sắc tố, hình thành khi nồng độ bilirubin trong mật cao
Bệnh nhân có thể bị sỏi hỗn hợp, nghĩa là có cả sỏi cholesterol và sỏi sắc tố.