Bệnh Addison - Triệu chứng & Nguyên nhân

Bệnh Addison là gì?

Bệnh Addison, còn gọi là rối loạn suy tuyến thượng thận nguyên phát, là bệnh tuyến thượng thận hiếm gặp. Tỷ lệ mắc bệnh trên toàn thế giới chỉ là 6 trong 1 triệu người, chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi 30 đến 50.

Tuyến thượng thận là hai tuyến nhỏ, hình tam giác nằm trên thận. Giống các tuyến khác, tuyến thượng thận sản sinh ra nội tiết tố, cụ thể là cortisol và aldosterone. Bệnh Addison ảnh hưởng đến phần vỏ (lớp ngoài) của tuyến thượng thận, làm ngừng quá trình sản sinh bình thường các nội tiết tố này. Kết quả là cơ thể bệnh nhân bị thiếu hụt nội tiết tố tuyến thượng thận, theo sau là một loạt các phản ứng sinh lý.

Các loại suy tuyến thượng thận

Có 2 loại suy tuyến thượng thận: nguyên phát và thứ phát. Khác biệt nằm ở quá trình bệnh và nội tiết tố bị ảnh hưởng.

  • Suy tuyến thượng thận nguyên phát (bệnh Addison). Tình trạng này do tuyến thượng thận trực tiếp bị phá hủy gây ra. Nguyên nhân thường gặp nhất là bệnh tự miễn, nghĩa là tế bào miễn dịch của cơ thể tấn công mô của chính cơ thể.

  • Suy tuyến thượng thận thứ phát. Tình trạng này có thể xảy ra ở người dùng steroid trong thời gian dài. Bản thân cortisol là nội tiết tố chứa steroid được tuyến thượng thận sản sinh ra một cách tự nhiên. Khi có steroid bên ngoài giống như cortisol, cơ thể sẽ phản ứng thông qua việc tuyến yên (trung tâm kiểm soát chính các nội tiết tố, nằm ngay bên dưới não) giảm sản sinh ACTH - nội tiết tố này sẽ tác động lên tuyến thượng thận để yêu cầu sản sinh cortisol. Như vậy, nếu ACTH bị ức chế, tuyến thượng thận sẽ không hoạt động và ngừng sản xuất cortisol.

Các triệu chứng của bệnh Addison là gì?

Người bị bệnh Addison có thể có biểu hiện mệt mỏi, suy nhược cơ thể, sụt cân, buồn nôn, nôn, đau bụng, chóng mặt, nhịp tim nhanh, huyết áp thấp và kinh nguyệt không đều ở phụ nữ.

Một đặc điểm riêng biệt của bệnh Addison là tăng sắc tố (điểm tối màu), thường gặp ở nếp gấp lòng bàn tay, nền móng, đốt ngón tay, nướu, mép môi, khuỷu tay, sau cổ và vùng quanh núm vú.

Các triệu chứng của bệnh Addison thường không đặc hiệu và tiến triển âm thầm, dẫn đến khó xác định.

Do đó, nhiều người không biết mình bị bệnh Addison cho đến khi nồng độ nội tiết tố đủ thấp để gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Tình trạng này gọi là khủng hoảng tuyến thượng thận, một trường hợp khẩn cấp có thể gây tử vong cần được chăm sóc y tế ngay.

Nguyên nhân gây bệnh Addison là gì?

Mọi bệnh trạng làm tổn thương tuyến thượng thận đều có thể gây bệnh Addison. Các bệnh trạng có thể được phân thành một số nhóm như sau:

  • Tự miễn: Phá hủy tách biệt tuyến thượng thận do tự miễn. Đôi khi, tuyến thượng thận không phải là tuyến duy nhất bị ảnh hưởng (hội chứng tự miễn đa tuyến)
  • Nhiễm trùng: Ví dụ: nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu nặng), lao (một loại nhiễm trùng phổi do vi khuẩn), nhiễm vi-rút cytomegalo và HIV
  • Xuất huyết tuyến thượng thận: Tình trạng này có thể xảy ra trong quá trình đông máu nội mạch lan tỏa (đông máu bất thường lan rộng trong các mạch trên khắp cơ thể), chấn thương, ung thư và hội chứng Waterhouse-Friderichsen (xuất huyết tuyến thượng thận do nhiễm khuẩn nặng)
  • Di truyền: Bất thường về giải phẫu tuyến thượng thận bẩm sinh, thường là do khiếm khuyết di truyền
  • Thuốc: Ketoconazole (thuốc chống nấm), etomidate (thuốc an thần)
  • Ung thư: Ví dụ: u lympho ở tuyến thượng thận

Những yếu tố nào gây nguy cơ mắc bệnh Addison?

Nguy cơ mắc bệnh Addison tăng lên khi một người đồng thời mắc các bệnh tự miễn sau:

  • Đái tháo đường tuýp I, còn gọi là đái tháo đường vị thành niên hoặc đái tháo đường phụ thuộc insulin
  • Suy tuyến cận giáp, tình trạng nội tiết tố tuyến cận giáp thấp
  • Suy tuyến yên, tình trạng sản sinh không đủ nội tiết tố tuyến yên
  • Thiếu máu ác tính, tình trạng thiếu máu tự miễn do thiếu vitamin B12 hoặc folate
  • Bệnh Grave, rối loạn miễn dịch toàn thân dẫn đến cường giáp (sản sinh quá mức nội tiết tố tuyến giáp)
  • Viêm tuyến giáp Hashimoto, rối loạn miễn dịch toàn thân dẫn đến suy giáp (sản sinh thiếu nội tiết tố tuyến giáp)
  • Viêm da dạng herpes, bệnh lý ở da liên quan đến bệnh celiac
  • Bệnh bạch biến, bệnh lý ở da biểu hiện qua các mảng da màu trắng toàn thân do mất tế bào sắc tố da
  • Nhược cơ, tình trạng rối loạn với biểu hiện yếu cơ bao gồm cả cơ mắt

Các biến chứng của bệnh Addison là gì?

Bệnh Addison có thể trở thành khủng hoảng tuyến thượng thận, một biến cố cấp tính, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng. Khủng hoảng tuyến thượng thận có thể có biểu hiện:

  • Huyết áp thấp
  • Sốc
  • Đường huyết thấp
  • Mất bù tim mạch cấp tính
  • Tử vong

Khi mắc bệnh Addison trong thời gian dài, tình trạng thiếu nội tiết tố có thể tác động đến tất cả hệ cơ quan trong cơ thể, gây ra các biến chứng đáng kể bao gồm:

  • Nguy cơ tử vong cao hơn do nhiễm trùng, ung thư và nguyên nhân tim mạch
  • Bệnh lý thần kinh do nồng độ đường huyết thấp kéo dài
  • Hội chứng Cushing nếu xảy ra tình trạng thay thế steroid quá mức
  • Chậm phát triển ở trẻ em
  • Rối loạn chức năng buồng trứng ở phụ nữ

Làm thế nào để phòng ngừa khủng hoảng tuyến thượng thận?

Với các biến chứng có thể gây tử vong của khủng hoảng tuyến thượng thận, việc phòng ngừa là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số mẹo:

  • Uống thuốc đúng liều lượng và thường xuyên.
  • Dùng liều thuốc (steroid) cao hơn trong các trường hợp cụ thể như bị bệnh, tai nạn, phẫu thuật kể cả thủ thuật nha khoa và nội khoa, hoạt động gắng sức hơn so với các bài thể dục thường tập và căng thẳng tâm lý nặng như đau buồn. Tham khảo ý kiến bác sĩ để biết khi nào phải tăng liều dùng thuốc.
  • Đảm bảo áp dụng kỹ thuật tiêm thuốc cấp cứu phù hợp nếu được kê đơn.
  • Nhận biết triệu chứng sớm báo hiệu khủng hoảng tuyến thượng thận.
  • Luôn mang theo thuốc dự phòng khi đi du lịch.
  • Luôn mang theo thẻ thông báo y tế hoặc đeo vòng tay hoặc vòng cổ cảnh báo y tế nếu có thể.
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777