Bàn chân bẹt - Triệu chứng & Nguyên nhân

Bàn chân bẹt là gì?

Bàn chân bẹt hay bàn chân phẳng là bệnh lý trong đó một hoặc cả hai bàn chân có ít hoặc không có vòm chân. Kết quả là gan bàn chân ấn xuống đất khi đứng và không nhìn thấy được vòm chân.

Mặc dù tất cả em bé đều có bàn chân bẹt khi mới sinh, vòm chân thường hình thành khi trẻ lớn lên và dây chằng cũng như gân ở bàn chân và chân sẽ siết chặt lại. Một số trẻ lớn lên sẽ có vòm chân cao trong khi các trẻ khác có vòm chân trung bình hoặc thấp và một số trẻ sẽ tiếp tục có bàn chân bẹt khi đến tuổi trưởng thành.

Ở một số người, vòm chân sẽ phát triển bình thường sau đó sụp xuống. Tình trạng này gọi là vòm chân sụp và thường được dùng làm một thuật ngữ khác để chỉ bàn chân bẹt.

Có các loại bàn chân bẹt khác nhau:

  • Bàn chân bẹt linh hoạt. Đây là loại phổ biến nhất, trong đó vòm chân có thể nhìn thấy được khi không đứng và biến mất khi đứng hoặc khi dồn trọng lượng lên bàn chân. Loại này xuất hiện phổ biến hơn ở thời thơ ấu hoặc độ tuổi thiếu niên và trở nên xấu đi theo tuổi tác khi gân và dây chằng ở vòm chân bị kéo giãn, rách và sưng.
  • Bàn chân bẹt cứng. Với bàn chân bẹt cứng, không thể nhìn thấy vòm chân ngay cả khi không dồn trọng lượng lên bàn chân. Có thể cảm thấy đau và khó gập bàn chân lên hoặc xuống hoặc sang hai bên. Điều này có thể là do các cầu nối bất thường giữa các xương ở bàn chân.
  • Bàn chân bẹt ở người lớn (vòm chân sụp). Ở loại bàn chân bẹt này, vòm chân bị sụp hoặc xẹp xuống bất ngờ khiến bàn chân hướng ra ngoài. Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra tình trạng này là do viêm hoặc rách gân nâng đỡ vòm chân ở chân và có thể gây đau.
  • Xương sên đứng dọc. Đây là dị tật bẩm sinh khiến vòm chân không thể hình thành do xương sên ở mắt cá chân nằm sai vị trí. Do đó, phần dưới của bàn chân giống với phần cong ở dưới của chiếc ghế bập bênh nên còn được gọi là bàn chân hình võng.

Đối với hầu hết mọi người, bàn chân bẹt không phải là nguyên nhân gây lo ngại và không gây ra bất kỳ đau đớn nào.

Tuy nhiên, vì vòm chân giúp phân bổ trọng lượng cơ thể nên người có bàn chân bẹt có thể bị đau hoặc gặp vấn đề khi đi lại, chạy hoặc đứng. Nguyên nhân là do sự phân bổ trọng lượng không đồng đều hoặc lệch trục và sẽ thể hiện qua việc giày dép bị mòn ở một vùng nhiều hơn các vùng khác.

Triệu chứng của bàn chân bẹt là gì?

Nhiều người có bàn chân bẹt không gặp bất kỳ vấn đề nào. Đối với người có gặp vấn đề, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Chuột rút ở chân
  • Đau cơ, đau hoặc tê ở bàn chân, mắt cá chân hoặc chân
  • Đau ở vòm chân, mắt cá chân, gót chân hoặc bên ngoài bàn chân, đặc biệt là sau khi đi bộ hoặc đứng lâu
  • Đau khi đi lại
  • Thay đổi dáng đi
  • Chai bên trong vòm chân
  • Dấu hiệu quá nhiều ngón chân hoặc trượt ngón chân (phần trước của bàn chân và các ngón chân hướng ra ngoài)

Nên tìm tư vấn y tế khi có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc đột ngột như đi lại khó khăn, gặp vấn đề về thăng bằng, cứng hoặc đau bàn chân hoặc vòm chân bị sụp xuống (bàn chân bẹt đột ngột xuất hiện).

Nguyên nhân gây bàn chân bẹt là gì?

Một số người có bàn chân bẹt do tính chất di truyền (dây chằng lỏng lẻo toàn thân). Những người khác phát triển bàn chân bẹt trong cuộc sống sau này. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ có bàn chân bẹt bao gồm:

  • Chấn thương gân gót chân, bàn chân hoặc mắt cá chân
  • Bệnh bại não
  • Đái tháo đường
  • Hội chứng Down
  • Viêm (viêm gân) hoặc rách gân cơ chày sau, cấu trúc hỗ trợ chính cho vòm chân của bàn chân
  • Loạn dưỡng cơ
  • Béo phì

Biến chứng và các bệnh liên quan của bàn chân bẹt là gì?

Một số biến chứng và bệnh liên quan của bàn chân bẹt bao gồm:

  • Viêm khớp
  • Gai xương
  • Vẹo ngón chân cái
  • Chai
  • Vấn đề về gân và dây chằng
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777