Bệnh bạch cầu (Ung thư máu) - Triệu chứng & Nguyên nhân

Bệnh bạch cầu (Ung thư máu) là gì?

Bệnh bạch cầu còn được gọi là bệnh máu trắng, là một loại ung thư máu xảy ra khi có những bất thường làm tủy xương sản sinh ra quá nhiều tế bào bạch cầu chưa trưởng thành (tế bào bệnh bạch cầu), các tế bào này sẽ làm tắc nghẽn tủy xương và ngăn cản tủy xương sinh ra các tế bào máu khỏe mạnh cần thiết để cân bằng hệ miễn dịch.

Các tế bào bạch cầu là một phần của hệ miễn dịch chống lại viêm nhiễm và được sản sinh có kiểm soát trên cơ thể người không mắc bệnh.

Bệnh bạch cầu có những loại nào?

Hiện có 5 loại bệnh bạch cầu được ghi nhận như sau:

  • Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính – thường thấy ở cả trẻ em và người lớn và là loại bệnh bạch cầu cấp tính phổ biến nhất ở người lớn
  • Bệnh bạch cầu dòng tế bào lympho cấp tính – loại phổ biến nhất ở trẻ nhỏ
  • Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính – chủ yếu xảy ra ở người lớn và có thể có ít hoặc không có triệu chứng trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm
  • Bệnh bạch cầu dòng tế bào lympho mạn tính – loại bệnh bạch cầu mạn tính phổ biến ở người lớn
  • Bệnh bạch cầu tế bào tua và tế bào lympho hạt lớn – loại bệnh bạch cầu hiếm gặp hơn

Triệu chứng của bệnh bạch cầu là gì?

Tùy theo loại bệnh bạch cầu mắc phải mà dấu hiệu và triệu chứng sớm có thể khác nhau. Mặt khác, những triệu chứng tương tự cũng xuất hiện ở nhiều bệnh khác nên có thể dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh bạch cầu bao gồm:

  • Dễ chảy máu hoặc bầm tím hoặc xuất hiện đốm đỏ nhỏ trên da
  • Đau xương hoặc nhạy cảm đau
  • Sốt hoặc ớn lạnh
  • Nhiễm trùng thường xuyên
  • Mất cảm giác ngon miệng hoặc sụt cân
  • Thường xuyên mệt mỏi hoặc cảm giác yếu ớt
  • Khó thở hoặc đổ mồ hôi quá nhiều, đặc biệt là về đêm
  • (tuyến) hạch bạch huyết sưng, gan hoặc lá lách to

Nguyên nhân gây bệnh bạch cầu là gì?

Cho đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của bệnh bạch cầu là gì. Bệnh thường được quy kết do đột biến (thay đổi) trong ADN của tế bào máu, làm cho chúng không hoạt động bình thường.

Một số yếu tố nguy cơ có thể là:

  • Tiền sử gia đình mắc bệnh bạch cầu
  • Bệnh di truyền, ví dụ như hội chứng Down
  • Phơi nhiễm phóng xạ hoặc hóa chất như là benzen
  • Hệ miễn dịch bị suy giảm (hoặc những bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế hệ miễn dịch)
  • Mắc một số loại viêm nhiễm nhất định, bao gồm virus Epstein-Barr và nhiễm Helicobacter pylori

Bệnh bạch cầu còn có thể phát triển ở những người đã từng được điều trị theo một số phương pháp hóa trị nhất định cho những lần điều trị ung thư trước.

Cũng giống như nhiều căn bệnh ung thư khác, bệnh bạch cầu đi kèm với các yếu tố nguy cơ về di truyền, môi trường và lối sống. Bạn có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cao hơn nếu có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ này. Tuy nhiên, hầu hết những người có các yếu tố nguy cơ nói trên không mắc bệnh. Ngược lại, rất nhiều người mắc căn bệnh này lại không hề gặp các yếu tố nguy cơ đó.

Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777