Đau thần kinh tọa, còn gọi là bệnh lý rễ thắt lưng cùng, là cơn đau chạy dọc theo dây thần kinh tọa, kéo dài từ mặt sau xương chậu xuống mặt sau đùi. Dây thần kinh tọa là dây thần kinh lớn nhất trong cơ thể, và cũng là dây thần kinh chính của chân. Dây thần kinh tọa kiểm soát các cơ ở mặt sau cẳng chân và đầu gối, mang lại cảm giác cho mặt sau của đùi, một phần cẳng chân và lòng bàn chân. Đau thần kinh tọa thường xảy ra do thoát vị hoặc “trượt” đĩa đệm ở cột sống, dẫn đến chèn ép dây thần kinh cột sống. Các nguyên nhân ít phổ biến hơn bao gồm chấn thương hoặc nhiễm trùng cột sống, khối tăng sinh trong cột sống (u) hoặc hẹp cột sống (tình trạng hẹp các đoạn thần kinh ở cột sống).
Các dấu hiệu và triệu chứng
Các triệu chứng thường gặp của đau thần kinh tọa bao gồm:
– Đau lan xuống một chân
– Đau lưng dưới lan xuống mông và/hoặc mặt sau một bên đùi
– Thay đổi về cảm giác, ví dụ như tê, cảm giác kim châm, cảm giác kiến bò
– Yếu
Các triệu chứng có sự khác nhau ở mỗi người. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào.
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể kiểm tra bệnh sử của bạn và thực hiện khám lâm sàng. Có thể sử dụng các thủ thuật kiểm tra chẩn đoán sau đây để tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của bệnh:
– Chụp X-quang
– Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Phương pháp điều trị
Bác sĩ có thể kê thuốc kháng viêm không phải steroid (NSAIDS) để giúp giảm triệu chứng đau. Vật lý trị liệu cũng có thể giúp tăng phạm vi cử động theo thời gian. Nếu các triệu chứng vẫn kéo dài, bạn có thể được đề nghị tiến hành phẫu thuật để loại bỏ áp lực chèn ép lên dây thần kinh cột sống bị ảnh hưởng. Điều quan trọng là phải trao đổi với bác sĩ để tìm hiểu tình trạng của bạn cũng như phương pháp điều trị.