10 Bí Mật Bạn Cần Ngừng Giấu Bác Sĩ

Nguồn: Shutterstock

10 Bí Mật Bạn Cần Ngừng Giấu Bác Sĩ

Cập nhật lần cuối: 13 Tháng Bảy 2017 | 9 phút - Thời gian đọc

Thật dễ để muốn che giấu vài thông tin khi thảo luận về những vấn đề mang tính chất riêng tư cá nhân hơn với bác sĩ. Tuy nhiên, bằng cách làm như vậy, bạn có thể đẩy sức khỏe của mình vào nguy hiểm.

Nếu có một nơi bạn nên thành thật về những thói quen xấu và tình trạng sức khỏe, đó là phòng khám của bác sĩ. Bạn có thể cảm thấy ngượng ngùng, nhưng không cần phải ngại. Bác sĩ của bạn ở đó để giúp đỡ bạn, và càng nhiều thông tin bạn cho bác sĩ biết, bác sĩ càng có thể làm được nhiều hơn cho bạn.

Bên cạnh đó, có nhiều luật nghiêm ngặt được ban hành nhằm bảo vệ tính riêng tư giữa bệnh nhân và bác sĩ của họ, nên thông tin được chia sẻ chắc chắn sẽ không bị phát tán. Dưới đây là 10 bí mật bạn không nên giấu bác sĩ.

Bạn uống rượu chè say sưa

Không ai tự hào thừa nhận bản thân có vấn đề với việc uống rượu quá độ, và hầu hết mọi người tin rằng bác sĩ không cần biết về điều này—nhưng đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Bên cạnh việc gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe, uống rượu chè say sưa có thể gây rối loạn các kết quả xét nghiệm và khiến bác sĩ đưa ra kết quả chẩn đoán bệnh sai lầm.

Hơn nữa, bạn sẽ nhận được lợi ích từ sự giúp đỡ của bác sĩ để giảm lượng cồn tiêu thụ. Theo Bác sĩ Stanley Chia, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Mount Elizabeth, uống say dài hạn dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn như cao huyết áp, vấn đề về dạ dày, xơ gan, ung thư gan, viêm tụy, nghiện rượu, và nhiều vấn đề tâm lý khác nhau.

Hãy cho bác sĩ biết nếu có vấn đề liên quan đến việc uống rượu. Điều này sẽ giúp bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe của bạn chính xác hơn, và cũng có thể giúp bạn cắt đứt thói quen xấu đó.

Bạn chưa bỏ thuốc lá

Có thể bạn cảm thấy bản thân có nghĩa vụ giữ kín thói quen xấu này để không bị bác sĩ thuyết giáo. Nhưng bác sĩ cần biết liệu bạn có hút thuốc lá vì nó có thể cản trở vài loại thuốc, và cũng có thể giải thích một vài triệu chứng bạn có thể đang gặp phải.

Hút thuốc cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên nhiều bệnh nan y. Bác sĩ Leslie Tay, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Mount Elizabeth, cảnh báo rằng nếu hút thuốc thường xuyên, bạn gần như chắc chắn sẽ mắc bệnh tim hoặc ung thư vào một giai đoạn nào đó trong đời. Điều quan trọng là hãy tìm sự giúp đỡ để chấm dứt thói quen này, và bác sĩ có thể giúp bạn cai thuốc hiệu quả, dù là thông qua trị liệu tâm lý hay bằng thuốc men.

Bạn không ngủ được

Có thể bạn nghĩ vấn đề mất ngủ là một điều quá nhỏ bé, không phải là vấn đề sức khỏe bạn cần báo cho bác sĩ biết. Tuy nhiên, mất ngủ có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như trầm cảm, lo âu, hoặc thậm chí ngưng thở khi ngủ. Bên cạnh đó, ngoài việc ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, ngủ kém cũng tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch của chúng ta, Bác sĩ Tay Hin Ngan, chuyên khoa tai mũi họng (ENT) tại Bệnh viện Mount Elizabeth nói.

Nếu đang gặp vấn đề với giấc ngủ, hãy cho bác sĩ biết. Bác sĩ có thể đánh giá vấn đề và đưa ra lời khuyên, hoặc giới thiệu bạn đến đúng chuyên khoa phù hợp.

Bạn ngưng uống thuốc

Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ngưng uống thuốc, hoặc giảm tần suất uống bất kỳ thuốc nào, kể cả khi bệnh tình của bạn có vẻ như đã phục hồi hoàn toàn. Đồng thời, hãy thành thật với bác sĩ nếu bạn không uống thuốc một cách thường xuyên. Điều quan trọng là phải trung thực để bác sĩ có thể nắm bắt tình hình một cách rõ ràng, từ đó đưa ra chẩn đoán và phác thảo kế hoạch điều trị chính xác.

Bạn đang gặp vấn đề với bàng quang hoặc hoạt động ruột

Khi còn nhỏ, chúng ta được dạy là không nên nói về việc đi vệ sinh. Và khi lớn lên, chúng ta cảm thấy không thoải mái khi nói về những chức năng của cơ thể. Nhưng bạn đang khiến sức khỏe lâm nguy nếu không chia sẻ về một vài triệu chứng, chẳng hạn như sự hiện diện của máu trong phân. Máu trong phân có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý, một trong số đó là ung thư đại trực tràng, một loại ung thư có khả năng điều trị nếu được phát hiện sớm.

Lỡ tè ra quần khi hắt xì có thể không mắc cỡ đến mức không thể nói ra khi bạn nhận ra nó phổ biến như thế nào. Theo một khảo sát tại địa phương, khoảng một phần ba phụ nữ Singapore trên 50 tuổi bị chứng tiểu són do gắng sức—một bệnh lý khiến bạn tiểu không tự chủ, thường xảy ra khi ho, hắt xì, cười, hoặc nhảy. Chứng tiểu són do gắng sức hoàn toàn có thể điều trị được, và bác sĩ có thể tư vấn về các phương pháp điều trị hoặc kỹ thuật tập luyện nhằm ngăn chặn tình trạng tiểu rò rỉ.

Bạn cảm thấy buồn bực

Không nên có bất kỳ sự kỳ thị nào về bệnh nhân tâm lý khi nói chuyện với bác sĩ. Nếu cảm thấy trầm cảm, bác sĩ có thể giúp đỡ. Mệt mỏi, tinh thần thất thường, và mức năng lượng thấp có thể bắt nguồn từ các vấn đề bệnh lý giống như trầm cảm, lo âu, bất cân bằng tuyến giáp, thiếu máu, hoặc một lối sống tiêu cực. Khi được thông báo đầy đủ, bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng của bạn và đưa ra lời khuyên về điều trị, hoặc giới thiệu bạn đến đúng chuyên khoa hoặc đến gặp chuyên viên tâm lý.

Bạn có thói quen ăn uống và tập luyện thiếu lành mạnh

Chúng ta có xu hướng xem nhẹ việc ăn uống thiếu lành mạnh và thiếu tập thể dục, nhưng các thói quen sống tiêu cực có tác động lớn đến sức khỏe, đặc biệt là khi chúng ta già đi. Theo bác sĩ Leslie Tay, ít vận động có thể nguy hiểm gấp đôi béo phì, trong khi một lượng ít bài tập đều đặn có thể giảm thiểu nguy cơ tử vong sớm một cách đáng kể.

Khi lời nói dối về lối sống của bạn bay cao trong lúc cân nặng và lượng cholesterol ‘xấu’ đang tăng chóng mặt, câu chuyện hoang đường đó có thể dẫn đến điều trị kém hiệu quả. Nếu khoai tây lát chiên hoặc gà rán là điểm yếu của bạn, cứ thừa nhận nó. Bác sĩ có thể nghĩ ra kế hoạch để phát triển các thói quen tốt hơn.

Bạn đang uống thuốc không kê toa, thực phẩm bổ sung, hoặc vitamin

Có thể bạn thấy mắc cỡ không muốn nói với bác sĩ rằng mình đang uống thực phẩm bổ sung không kê toa hoặc thuốc được kê đơn bởi một bác sĩ khác. Bất kể điều gì, hãy chắc chắn truyền đạt tất cả thông tin về thảo dược, thực phẩm bổ sung, hoặc các phương pháp điều trị thay thế khác mà bạn đang sử dụng. Bác sĩ cần biết mọi thứ bạn đang dùng, để không có sự tương tác nguy hiểm nào xảy ra giữa thuốc họ đang kê đơn và các thực phẩm bổ sung bạn đang sử dụng.

Bạn đang áp dụng một chế độ ăn kiêng gây sốc

Chế độ ăn kiêng cực đoan nào cũng có rủi ro, dù cơ thể bạn có đang trong tình trạng tốt và bạn chỉ áp dụng nó trong vài ngày. Bạn có thể bị mất nước và đánh mất sự cân bằng điện giải, một điều có thể gây hại cho tim và thận. Chế độ ăn kiêng ít calorie cũng có thể tước bỏ các vi chất dinh dưỡng như ma-giê và vitamin D, những thứ thiết yếu cho sức khỏe. Thay vào đó, hãy nói chuyện với bác sĩ về một kế hoạch giảm cân phù hợp hơn. Hoặc nếu vẫn quyết định áp dụng bất kỳ chế độ ăn kiêng nào, ít nhất hãy tham khảo với bác sĩ để đảm bảo bạn đang thực hiện nó một cách an toàn nhất có thể.

Bạn cảm thấy đau khi quan hệ tình dục

Quan hệ tình dục đau đớn không nên là bình thường. Nếu bạn bị đau trong lúc, hoặc sau khi quan hệ tình dục, hãy cho bác sĩ biết. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý tiềm ẩn như bệnh viêm vùng chậu (PID), lạc nội mạc tử cung, u xơ, hoặc nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ có khả năng đánh giá điều gì đang gây ra vấn đề, và liệu bạn có cần điều trị.

Kyle, C. (Ed.). (2015, April). Factors that can affect laboratory investigations. Retrieved July 01, 2017, from http://www.bpac.org.nz/BT/2015/April/laboratory-investigations.aspx

Zevin, S., & Benowitz, N. L. (1999, June). Drug interactions with tobacco smoking. An update. Retrieved July 01, 2017, from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/10427467

Blood in Stool. Retrieved July 01, 2017, from http://www.webmd.com/digestive-disorders/blood-in-stool#1

Dr Christopher Chong Yew Luen: FEEL FREE TO LAUGH AGAIN - STOP THE LEAK IN 10 MINUTES. (n.d.). Retrieved July 03, 2017 from http://chrischongwomenandurogynae.blogspot.sg/2008/11/feel-free-to-laugh-again-stop-leak-in.html

FEMALE STRESS URINARY INCONTINENCE | CAUSES AND TREATMENTS. (n.d.). Retrieved July 01, 2017, from https://www.nafc.org/womens-stress-urinary-incontinence/
Bài viết liên quan
Xem tất cả