Thoát Vị Đĩa Đệm

Nguồn: Shutterstock

Thoát Vị Đĩa Đệm

Cập nhật lần cuối: 24 Tháng Giêng 2022 | 5 phút - Thời gian đọc

Cơn đau lưng dai dẳng và nặng hơn khi thực hiện một số động tác? Có khả năng bạn đang bị thoát vị đĩa đệm. Tiến sỹ Mashfiqul Siddiqui, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Parkway East, chia sẻ về các nguyên nhân, triệu chứng, và phương pháp điều trị hiện có.

Cột sống được cấu thành bởi nhiều đốt xương, được gọi là xương sống, cùng với đó là các lớp đệm mềm dẻo, như chất gel, được gọi là đĩa đệm. Khi xương di chuyển dọc theo các khớp xương bên (nằm ở phía sau của đốt sống), các đĩa đệm có nhiệm vụ phân tán tải trọng, hoạt động như bộ giảm sóc. Ở một cột sống bình thường, các đĩa đệm sẽ nằm ổn định trong một không gian giới hạn giữa các xương, được giữ cố định bởi các mô sợi, hạn chế dịch dạng gel bên trong tràn ra ngoài. Các dây thần kinh, nơi kiểm soát vận động tay, chân và chức năng bàng quang cũng nằm phía sau các đốt sống và đĩa đệm.

Thoát vị đĩa đệm là gì?

Thoát vị đĩa đệm (Còn gọi là thoát vị nhân tủy)
Thoát vị đĩa đệm, hay còn gọi là thoát vị nhân tủy, xảy ra khi vật liệu bên trong của đĩa đệm dịch chuyển (hay trượt ra) khỏi không gian thông thường, kích thích các dây thần kinh xung quanh và gây ra vô vàn các triệu chứng đau đớn. Việc đứt rách các mô xung quanh đĩa đệm có thể xảy ra khi lưng bạn chịu tải trọng quá lớn, ví dụ như khi mang vác vật nặng, hoặc khi thực hiện các động tác đột ngột.

Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm

Nếu bạn gặp phải những triệu chứng sau đây, có thể bạn đang bị thoát vị đĩa đệm:

  • Đau tại vị trí đĩa đệm thoát vị, ví dụ như đau cổ nếu đĩa đệm bị thoát vị ở cổ, hoặc đau lưng dưới nếu đĩa đệm bị thoát vị ở phần thắt lưng.
  • Cảm giác tê râm ran, xảy ra khi đĩa đệm chạm vào dây thần kinh.
  • Đau nhói lan xuống cánh tay hoặc chân.
  • Yếu cơ chi dưới
  • Mất thăng bằng hoặc khả năng phối hợp cử động
  • Gặp vấn đề về khả năng vận động tinh
  • Khó khăn khi tiểu tiện, được biết đến với tên gọi bí tiểu.

Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng phụ thuộc vào vị trí thoát vị của đĩa đệm và liệu đĩa đệm có chạm vào các dây thần kinh hay đè lên tủy sống hay không.

Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm

Chẩn đoán trượt đĩa đệm
Nếu bạn gặp bất cứ triệu chứng nào của thoát vị đĩa đệm, việc khẩn trương thăm khám bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình là hết sức quan trọng, đặc biệt khi bạn bị suy giảm chức năng thần kinh (tê râm ran, đau thần kinh tọa, hoặc bí tiểu). Bác sỹ sẽ khám tổng thể và yêu cầu làm các xét nghiệm hoặc các kiểm tra cần thiết khác để đưa ra chẩn đoán.

Công cụ hình ảnh tối ưu để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm thường là chụp cộng hưởng từ (MRI), phương pháp tạo ra hình ảnh 3D chi tiết của cột sống. Kỹ thuật chụp X-quang có thể được sử dụng để loại trừ những nguyên nhân gây đau khác, như gãy xương, nhưng sẽ không thể cho thấy liệu bạn có bị thoát vị đĩa đệm hay không. Nếu bác sĩ không chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI), bạn có thể được tiến hành các phương pháp kiểm, như chụp cắt lớp vi tính (CT scan), hoặc chụp tủy sống cản quang, phương pháp sử dụng thuốc nhuộm được tiêm vào xung quanh tủy sống và chụp lại hình ảnh để phát hiện vị trí tủy sống chịu áp lực.

Nếu bác sỹ nghi ngờ các dây thần kinh của bạn bị tổn thương, họ có thể yêu cầu làm thêm các xét nghiệm khác, như điện cơ đồ hoặc kiểm tra chức năng dẫn truyền thần kinh, để kiểm tra hoạt động của dây thần kinh.

Điều trị thoát vị đĩa đệm

Thật may mắn, thoát vị đĩa đệm thường có thể được điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu và thay đổi lối sống, hoạt động. Một số phương pháp điều trị phổ biến nhất là:

  • Nghỉ ngơi

    Nghỉ ngơi nhiều có thể giúp giảm sưng, cho phép cột sống có thời gian để tự phục hồi. Bạn cần duy trì vận động ở một mức độ nào đó để ngăn ngừa cứng khớp, nhưng giảm các hoạt động gắng sức và các hoạt động khiêng vác vật nặng là cách hiệu quả để cải thiện các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm.

  • Vật lý trị liệu

    Các nhà vật lý trị liệu có thể làm việc với bạn để xây dựng một chương trình hỗ trợ quá trình hồi phục và duy trì khả năng vận động. Điều này có thể bao gồm giãn cơ, tập thể dục nhịp điệu nhẹ nhàng, siêu âm, xoa bóp hoặc nhiệt trị liệu (chườm nóng/lạnh).

  • Điều trị nội khoa (dược phẩm)

    Các thuốc kháng viêm và giảm đau không kê đơn có thể phát huy tác dụng. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là khi sử dụng trong thời gian dài hơn 1 - 2 ngày. Trong các trường hợp nặng hơn, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc giảm đau mạnh hơn, thuốc giãn cơ hoặc thuốc điều trị đau dây thần kinh, nếu cần thiết.

  • Tiêm thuốc

    Các mũi tiêm steroid đôi khi được dùng tại chỗ nhằm giảm sưng và đau.

Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm

Phẫu thuật trượt đĩa đệm
Hầu hết bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm sẽ phục hồi trong một vài tuần, sử dụng một hoặc kết hợp các phương pháp điều trị bên trên để hỗ trợ quá trình hồi phục. Tuy nhiên, điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) đôi khi có thể cần thiết để ngăn ngừa tổn thương dây thần kinh tiến triển.

Tiến sỹ Mashfiqul giải thích: "Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm vùng lưng dưới hiện đại đem lại kết quả rất tốt. Kỹ thuật giải phóng dây thần kinh thông qua phẫu thuật và loại bỏ phần đĩa đệm gây vấn đề có thể được thực hiện thông qua xâm lấn tối thiểu hoặc phẫu thuật nội soi ổ khóa."

Phương pháp này sử dụng một đường rạch nhỏ trên lưng bệnh nhân và bác sĩ sẽ sử dụng kính hiển vi phẫu thuật để loại bỏ phần đĩa đệm đã bong tróc và giải phóng dây thần kinh. Quá trình này an toàn hơn các kỹ thuật xâm lấn mạnh, với thời gian hồi phục nhanh chóng và rất ít đau đớn. Đối với thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, phần đĩa đệm có thể được loại bỏ từ phía trước cổ thông qua đường rạch trùng với nếp nhăn da, và một lần nữa sử dụng kính hiển vi phẫu thuật để tăng cường chất lượng hình ảnh.

Sau khi loại bỏ phần đĩa đệm gây vấn đề, kỹ thuật thay thế bằng đĩa đệm nhân tạo hoặc cố định đốt sống có thể được thực hiện, Tiến sỹ Mashfiqul chia sẻ. "Tương tự phẫu thuật vùng thắt lưng, các phương pháp phẫu thuật cột sống cổ hiện đại rất an toàn, với khả năng hồi phục nhanh sau khi phẫu thuật và mức độ hài lòng của bệnh nhân cao."

Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm

Cho dù bạn có thường xuyên phải đối mặt với đau lưng hay không, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ cột sống là hết sức quan trọng. Các bác sĩ khuyến nghị áp dụng những cách thức sau để duy trì cột sống khỏe mạnh:

Chú ý đến tư thế

Cố gắng giữ lưng thẳng khi ngồi hoặc đứng.

Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Thừa cân có thể khiến các khớp chịu áp lực và căng thẳng không cần thiết, làm tăng lực đè lên lưng.

Tập thể dục thường xuyên và duy trì khả năng vận động

Tập luyện các nhóm cơ trọng tâm – các cơ nằm ở vùng thắt lưng và bụng – sẽ hỗ trợ cột sống tốt hơn.

Cai thuốc lá

Hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến quá trình cung cấp máu đến đĩa đệm, dẫn đến tổn thương đĩa đệm.

Luyện tập các kỹ thuật nâng đỡ an toàn

Khiêng các vật nặng có thể gây chấn thương lưng nếu thao tác không đúng cách. Vì vậy, bạn cần chắc chắn bạn đang thực tác đúng kỹ thuật. Khi nhấc một vật, hãy hạ thấp đầu gối. Sau đó, giữ lưng thẳng trong khi nâng vật lên. Hãy nhờ trợ giúp nếu vật quá nặng cho một người.

Đảm bảo bề mặt nằm hỗ trợ cơ thể tốt

Một tấm nệm chất lượng rất quan trọng. Sử dụng nệm cứng hoặc trung bình cứng để nâng đỡ cột sống thay vì loại đệm quá mềm khiến cột sống bị võng xuống.

Và hãy nhớ, nếu bạn phải chịu đựng những cơn đau lưng dữ dội, việc gặp gỡ bác sỹ chuyên khoa chỉnh hình để xác định nguyên nhân là hết sức quan trọng.

Felson, S. (2016, December 17) What is a Herniated Cervical Disk? Retrieved October 30 2018 from https://www.webmd.com/pain-management/what-is-a-herniated-cervical-disk#2

Martin, L.J. (2016, October 9) Do I have a Herniated Disk? Retrieved October 30 2018 from https://www.webmd.com/pain-management/do-i-have-a-herniated-disk#2

Martin, L.J. (2016, October 9) What are the Treatments for a Herniated Disk? Retrieved October 30 2018 from https://www.webmd.com/pain-management/treatments-for-herniated-disk#3
Bài viết liên quan
Xem tất cả