Dị ứng Thực phẩm ở Trẻ em

Nguồn: Shutterstock

Dị ứng Thực phẩm ở Trẻ em

Cập nhật lần cuối: 24 Tháng Giêng 2022 | 4 phút - Thời gian đọc

Dị ứng thực phẩm khá phổ biến ở trẻ em và có thể gây ra một loạt các triệu chứng ngoài các phản ứng trên da. Tìm hiểu thêm về dị ứng và không dung nạp thực phẩm ở trẻ em, bao gồm các triệu chứng, mẹo an toàn và các phương pháp điều trị.

Infographic về dị ứng thực phẩm ở trẻ em

Dị ứng Thực phẩm ở Trẻ em

Là cha mẹ, chúng ta luôn cố gắng hết sức để cung cấp cho con cái những thực phẩm tốt nhất với nhiều loại thực phẩm đa dạng để tạo sự cân bằng dinh dưỡng. Tuy nhiên, có những trường hợp trẻ phát triển phản ứng sau khi ăn một số loại thực phẩm nhất định – kết quả của tình trạng dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm.

Dị ứng thực phẩm là gì?

Dị ứng thực phẩm là một phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch của cơ thể đối với thực phẩm. Hệ thống miễn dịch thường hoạt động để bảo vệ cơ thể chống lại các vi khuẩn có hại. Nếu hệ miễn dịch bị kích hoạt bởi thức ăn, dị ứng thực phẩm sẽ phát triển.

Có một số loại thực phẩm phổ biến có thể gây ra phản ứng dị ứng ở trẻ em. Chúng bao gồm những thành phần phổ biến như trứng, sữa, đậu phộng, các loại hạt cây như hạnh nhân và hạt điều, đậu nành và lúa mì. Dị truyền là nguyên nhân phổ biến nhất khiến một số trẻ bị dị ứng thực phẩm. Nếu một hoặc cả hai cha mẹ có tiền sử bị dị ứng thực phẩm, dị ứng hô hấp hoặc chàm, thì trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh dị ứng tương tự cao hơn. Trẻ em bị chàm cũng có nguy cơ mắc dị ứng thực phẩm cao hơn.

Các loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến

Hầu như bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có thể gây dị ứng, mặc dù những loại thực phẩm phổ biến nằm trong danh sách tội phạm hàng đầu bao gồm:

Sữa bò

Dị ứng sữa bò là một trong những bệnh dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ em. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em đều khỏi bệnh vào khoảng 3 – 5 tuổi.

Trứng

Dị ứng trứng do phản ứng dị ứng với protein trong trứng, phần lớn được tìm thấy trong lòng trắng trứng. Vì không thể ăn lòng đỏ trứng mà không có bất kỳ dấu vết nào của lòng trắng trứng, những người dị ứng với protein trong trứng sẽ phải tránh xa trứng hoàn toàn.

Đậu nành

Phản ứng dị ứng với đậu nành thường được nhận biết khi trẻ sơ sinh cần chuyển sang công thức sữa đậu nành sau khi bị nghi ngờ dị ứng sữa bò. Hầu hết trẻ em đều khỏi chứng dị ứng đậu nành, nhưng một số người vẫn bị dị ứng khi trưởng thành.

Lúa mì và gluten

Dị ứng lúa mì có thể xuất hiện khi trẻ được cho ăn ngũ cốc từ lúa mì trong quá trình chuyển sang ăn thức ăn đặc. Bánh mì và mì ống là một trong những thực phẩm phổ biến làm từ lúa mì khác được dùng cho trẻ nhỏ, có thể kích hoạt phản ứng dị ứng. Một số trẻ em có thể có phản ứng cụ thể với một loại protein được tìm thấy trong lúa mì và một số thực phẩm khác được gọi là gluten.

Hải sản

Động vật có vỏ là một trong những tác nhân gây dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ em châu Á lớn tuổi. Dị ứng cá ít phổ biến hơn nhưng vẫn có thể xảy ra.

Đậu phộng

Mặc dù dị ứng đậu phộng phổ biến hơn ở phương Tây so với châu Á, đây là một trong những tác nhân phổ biến nhất gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng ở trẻ em Singapore.

Các loại hạt cây

Các loại hạt cây là những loại hạt được bọc trong vỏ cứng, bao gồm quả óc chó, hồ đào, hạt điều, hạt Brazil, hạnh nhân và phỉ. Một người có thể dị ứng với tất cả các loại hạt cây hoặc chỉ một vài loại.

Các triệu chứng dị ứng thực phẩm ở trẻ em

Các triệu chứng phổ biến nhất của dị ứng thực phẩm là các triệu chứng trên da. Trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi ăn thực phẩm, trẻ có thể bị nổi mề đay - những phát ban đỏ, ngứa ngáy, kích thước khác nhau ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Một số trẻ cũng có thể bị sưng môi hoặc vùng xung quanh mắt.

Các triệu chứng phổ biến thứ hai là các triệu chứng về đường tiêu hóa, bao gồm đau bụng, nôn mửa hoặc tiêu chảy.

Dị ứng thực phẩm cũng có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn như khó thở, sưng cổ họng, sưng lưỡi hoặc thậm chí giảm huyết áp khiến trẻ xanh xao hoặc ngất xỉu.

Tình trạng không dung nạp thực phẩm ở trẻ em

Tình trạng không dung nạp thức ăn là cơ thể không chấp nhận thực phẩm vì lý do sinh lý. Loại tình trạng không dung nạp thực phẩm phổ biến nhất là chứng không dung nạp lactose. Nguyên nhân là do cơ thể thiếu enzyme lactase, giúp phân hủy lactose, loại carbohydrate chính trong các sản phẩm từ sữa như sữa tươi và pho mát. Người bị chứng không dung nạp lactose có thể bị đau bụng, đầy hơi hoặc tiêu chảy sau khi tiêu thụ các sản phẩm từ sữa.

Tình trạng không dung nạp thức ăn cũng có thể là do phản ứng với các hóa chất tự nhiên có trong thực phẩm. Một ví dụ phổ biến là bị mất ngủ, bồn chồn hoặc bứt rứt sau khi uống cà phê hoặc các thức uống có caffeine khác. Một số người khác có thể phản ứng với các chất phụ gia thực phẩm như bột ngọt (MSG). Họ có thể bị đau đầu, bốc hỏa và thậm chí đau ngực sau khi tiêu thụ thực phẩm có chứa bột ngọt.

Làm thế nào để phân biệt giữa dị ứng thực phẩm và tình trạng không dung nạp thực phẩm?

Dị ứng thực phẩm phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trong khi tình trạng không dung nạp thực phẩm thường phát triển ở tuổi vị thành niên và thậm chí ở tuổi trưởng thành.

Trẻ bị dị ứng thực phẩm có thể xuất hiện các triệu chứng ngay cả khi chỉ tiếp xúc với một lượng nhỏ thực phẩm gây nên tình trạng. Ngược lại, các triệu chứng của tình trạng không dung nạp thực phẩm có liên quan đến liều lượng. Những người bị tình trạng không dung nạp thực phẩm có nhiều khả năng phát triển các triệu chứng nếu họ tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm hoặc nếu họ ăn thực phẩm đó thường xuyên.

Dị ứng thực phẩm có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể gây khó thở, mất ý thức và giảm huyết áp. Nếu không được điều trị đúng cách, nó có thể gây tử vong. Sốc phản vệ không xảy ra trong tình trạng không dung nạp thực phẩm.

Chẩn đoán dị ứng thực phẩm ở trẻ em

Khi bạn đưa con đến khám, bác sĩ nhi khoa sẽ hỏi những câu hỏi chi tiết về tiền sử bệnh của con bạn, các loại thực phẩm kích hoạt phản ứng, triệu chứng nào xuất hiện và mất bao lâu để các triệu chứng phát triển sau khi tiếp xúc hoặc tiêu thụ thực phẩm.

Tùy thuộc vào tiền sử bệnh của con bạn, bác sĩ chuyên khoa dị ứng có thể thực hiện hoặc yêu cầu bất kỳ xét nghiệm nào sau đây để xác nhận chẩn đoán dị ứng thực phẩm:

  • Xét nghiệm chích da
  • Xét nghiệm máu IgE (xét nghiệm kháng thể dị ứng hình thành khi cơ thể có dị ứng)
  • Thử thách thực phẩm đường miệng

Xét nghiệm chích da là gì?

Xét nghiệm chích da được sử dụng để xác định các chất gây dị ứng hoặc dị ứng nguyên. Trong xét nghiệm này, các tác nhân gây dị ứng được đưa vào các lớp da và được quan sát để xem có phản ứng dị ứng nào hay không.

Khi một chất gây dị ứng được đưa vào da, cơ thể sẽ coi nó như một chất lạ và sản sinh ra các kháng thể để chống lại nó. Sự liên kết của chất gây dị ứng với kháng thể giải phóng các hóa chất như histamine gây ra phản ứng dị ứng.

Xét nghiệm chích da được thực hiện như thế nào?

Trước khi tiến hành xét nghiệm chích da, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh của con bạn và tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát.

Một lượng nhỏ chất gây dị ứng nghi ngờ được nhỏ lên da trên lưng hoặc cánh tay của trẻ. Tiếp theo, bề mặt trên cùng của da được cào nhẹ bằng kim nhỏ. Sau đó, da được quan sát để xem có dấu hiệu phản ứng dị ứng nào hay không.

Kết quả được nhận trong vòng 15 phút. Nếu con bạn bị dị ứng với một trong các chất được xét nghiệm, con sẽ có một vết sưng đỏ và ngứa tại vị trí chích.

Bạn có thể chuẩn bị cho cuộc xét nghiệm như thế nào?

Thuốc có thể ảnh hưởng tới kết quả, do đó trẻ không nên uống bất cả thuốc kháng histamine hoặc thuốc hỗn hợp chữa ho trong 5 ngày trước khi xét nghiệm.

Xét nghiệm này có an toàn cho trẻ em không?

Xét nghiệm chích da an toàn và không gây đau. Một số người cảm thấy hơi khó chịu do kích ứng. Phản ứng trên da sẽ tự khỏi trong vài giờ. Đối với trẻ cảm thấy khó chịu do ngứa, có thể được kê đơn thuốc kháng histamine đường uống hoặc kem bôi steroid nhẹ.

Với xét nghiệm chích da, các tác nhân gây dị ứng khác nhau có thể được xác định trong một lần. Thông tin từ các xét nghiệm chích da có thể giúp bác sĩ của con bạn phát triển kế hoạch điều trị dị ứng.

Điều trị dị ứng thức ăn ở trẻ em

Phương pháp điều trị chính cho dị ứng thực phẩm là tránh thực phẩm kích hoạt phản ứng dị ứng. Điều quan trọng là phải đọc nhãn thành phần trên các sản phẩm thực phẩm. Không cung cấp các sản phẩm thực phẩm có chứa thực phẩm gây dị ứng cho con bạn, ngay cả khi chỉ chứa một lượng nhỏ. Khi đi ăn ngoài tại nhà hàng, hãy thông báo cho phục vụ biết về tình trạng dị ứng của con bạn. Thông báo cho họ biết rằng cả nồi, chảo và dụng cụ dùng để chuẩn bị thức ăn cho con bạn cũng không được dính thực phẩm gây dị ứng.

Điều quan trọng là cũng cần thông báo cho những người quan trọng như người chăm sóc trẻ, nhân viên trường học và phụ huynh bạn bè của con bạn biết về tình trạng dị ứng thực phẩm của con bạn. Giải thích cho họ cách nhận biết các triệu chứng của phản ứng dị ứng, và phải làm gì nếu con bạn bị phản ứng dị ứng. Việc tạo kế hoạch hành động bằng văn bản mô tả cách chăm sóc con bạn là một việc hữu ích.

Phải làm gì trong khi có phản ứng dị ứng?

Có một số việc bạn có thể làm nếu bạn nghi ngờ con mình đang bị phản ứng dị ứng.

Đối với các triệu chứng nhẹ, chẳng hạn như phát ban, nổi mề đay, mắt chảy nước hoặc ngứa, theo khuyến cáo của bác sĩ hoặc dược sĩ, bạn có thể cho con uống thuốc kháng histamine không cần kê đơn. Theo dõi con chặt chẽ để phát hiện bất kỳ thay đổi nào và đến bệnh viện ngay nếu các triệu chứng trở nên xấu hơn.

Đối với các triệu chứng nghiêm trọng, bao gồm đau bụng, buồn nôn hoặc nôn và khó thở, cần tiêm epinephrine ngay lập tức.

Cho trẻ nằm thẳng, nâng cao chân và giữ ấm cơ thể. Giúp trẻ ngồi dậy hoặc nằm nghiêng sang một bên nếu trẻ khó thở hoặc nôn. Nhanh chóng đưa trẻ đến phòng cấp cứu ngay cả khi triệu chứng của trẻ có thuyên giảm hoặc khỏi hẳn.

Nếu con bạn được kê đơn thuốc tự động tiêm epinephrine hoặc nếu con bạn bị dị ứng nghiêm trọng, đảm bảo dạy trẻ cách và thời điểm sử dụng thuốc tự động tiêm epinephrine. Điều quan trọng là đảm bảo trẻ luôn mang theo thuốc bên mình.

Khi nào tôi nên đi khám bác sĩ?

Tốt nhất là hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn nghi ngờ con mình bị dị ứng thực phẩm. Nếu con bạn phát triển các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như khó thở, da xanh xao hoặc mất ý thức, hãy đến Trung tâm Chăm sóc Khẩn cấp (UCC) gần nhất ngay và không trì hoãn.

Food allergy, retrieved on 27 October 2020 from https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/food-allergy/symptoms-causes/syc-20355095. (2 November 2019)

Food Allergy, retrieved on 27 October 2020 from https://acaai.org/allergies/types/food-allergy. (n.d.)

Food Allergy and Food Intolerance, retrieved on 27 October 2020 from https://www.webmd.com/allergies/food-allergy-intolerances. (18 February 2020)

Food Intolerance Versus Food Allergy, retrieved on 27 October 2020 from https://www.aaaai.org/conditions-and-treatments/library/allergy-library/food-intolerance. (28 September 2020)

Food Problems: Is it an Allergy or Intolerance, retrieved on 27 October 2020 from https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10009-food-problems-is-it-an-allergy-or-intolerance/. (5 May 2015)

Kubala J. The 8 Most Common Food Intolerances, retrieved on 27 October 2020 from https://www.healthline.com/nutrition/common-food-intolerances. (25 January 2018)

Common Food Allergies. (2020, August 27) Retrieved December 16, 2021, from https://www.healthychildren.org/English/healthy-living/nutrition/Pages/Common-Food-Allergies.aspx

Food Allergy and Anaphylaxis in Asia. (2019, October 04) Retrieved December 16, 2021, from https://www.apaaaci.org/post/food-allergy-anaphylaxis-in-asia

Suaini, NHA et al. Children of Asian ethnicity in Australia have higher risk of food allergy and early-onset eczema than those in Singapore. (2020, February 14) Retrieved December 16, 2021, from https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/all.14823

Ganapathy, S et al. Anaphylaxis in Children: Experience of 485 Episodes in 1,272,482 Patient Attendances at a Tertiary Paediatric Emergency Department from 2007 to 2014. (2016, December) Retrieved December 16, 2021, from https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28062882/

Wai, CYY et al. Seafood Allergy in Asia: Geographical Specificity and Beyond. (2021, July 08). Retrieved December 16, 2021, from https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/falgy.2021.676903/full

Dealing with Allergic Reactions in Children. (2021, May 10) Retrieved December 16, 2021, from https://www.hopkinsallchildrens.org/ACH-News/General-News/Dealing-with-Allergic-Reactions-in-Children
Bài viết liên quan
Xem tất cả