Dr Leong Chi Sern Leslie
Bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình
Nguồn: Shutterstock
Bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình
Có. Nếu bạn không hề có kinh nghiệm với hoạt động đã đăng ký tham gia, hoặc thường không hoạt động thể chất, nguy cơ gặp chấn thương sẽ tăng cao hơn vì cơ bắp chưa được điều chỉnh trong trạng thái tốt và khả năng phản xạ chưa phát triển đầy đủ. Tuy nhiên, nếu bạn khá tích cực trong một hoạt động thể thao liên quan trước kỳ nghỉ, bạn có thể chuyển đổi các kỹ năng - chẳng hạn từ hoạt động trượt ván sang hoạt động lướt ván.
Bạn nên luôn luôn nghiên cứu về các nhu cầu thể chất của môn thể thao. Ví dụ, nếu bạn dự định đi chạy hoặc đi bộ trekking trên một khu vực núi, hãy đảm bảo các cơ bắp tứ đầu, cơ khoeo, và các cơ trọng tâm được rèn luyện và trong trạng thái sẵn sàng cho hoạt động đó. Nên làm việc này ít nhất 1 - 2 tháng trước chuyến đi.
Việc có một chương trình tập luyện để chuẩn bị cho cơ thể là rất quan trọng, đặc biệt nếu bạn không luyện tập thường xuyên. Ngay cả những cá nhân năng động thể chất cũng có khuynh hướng bỏ qua nhóm cơ trọng tâm - chẳng hạn như các cơ bụng, cơ lưng, và cơ hông - và tập trung vào việc rèn luyện tứ chi. Điều cốt yếu là đa dạng hóa thói quen tập luyện, bao gồm các bài tập tăng cường sức mạnh, sự nhanh nhẹn, và mềm dẻo, để chuẩn bị cho thân thể một phạm vi các hoạt động rộng lớn.
Hãy nhận thức về môi trường bạn sắp đến và các dụng cụ bạn sẽ sử dụng. Chắc chắn rằng bạn có đủ thời gian nghỉ ngơi trong đêm trước hoạt động, và uống đủ nước trong suốt cả ngày để giảm thiểu cơ hội gây ra chấn thương. Tham gia hoạt động thể thao từ từ, với biên độ vận động nhỏ, và tăng tốc độ cùng biên độ vận động một cách từ từ. Làm dịu cơ thể bằng hoạt động thư thả thay vì cố gắng hết tốc lực ngay lập tức.
Có, cơ thể trẻ em có thể kém đàn hồi hơn người lớn vì xương của chúng đang trong giai đoạn phát triển và các bắp cơ chưa trải dài. Chúng cũng mềm dẻo hơn tại các khớp xương, vì vậy chúng có khả năng cao hơn gặp phải tình trạng trật khớp.
Trẻ em hơi liều lĩnh hơn vì không hiểu hết các rủi ro tiềm tàng trong các môn thể thao, đồng thời có nhận thức kém hơn về môi trường xung quanh. Một vài trẻ em cũng có khuynh hướng không ca thán về các cơn đau nhức mỏi vì mối quan hệ cha mẹ - con cái. Do đó, điều thực sự quan trọng là chúng ta lắng nghe những điều trẻ nói. Nếu chúng không thích một việc, hoặc phàn nàn về những cơn đau nhức, hãy lắng nghe chúng. Đừng mặc định rằng chúng đang cố gắng để không phải tham gia hoạt động đó.
Trẻ em có tấm sụn tăng trưởng ở mỗi đầu của phần lớn các khúc xương, chẳng hạn như ở đầu gối, và ở mắt cá chân đối với xương ống chân. Khi chấn thương xảy ra, các tấm sụn tăng trưởng này dễ bị tổn thương hơn, và nếu một vết gãy xương cắt ngang qua nó, điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, đặc biệt nếu các phần xương gãy rời không thể khôi phục đúng vị trí ban đầu.
Với một tỷ lệ rất nhỏ trong số trẻ em, xương của chúng thật sự có thể tăng trưởng lệch góc, hoặc có khi chỉ phát triển đến nửa đường. Trong những trường hợp khác, vết gãy xương có thể gây ra tình trạng chi mọc dài thêm một chút, kéo theo các vấn đề về sự thẳng hàng của hệ thống xương. Tình trạng này có thể chỉ xuất hiện vào các năm về sau, do đó bạn có thể không nhận ra mối liên quan với chấn thương thuở thiếu thời. Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp gãy xương, trẻ em thường hồi phục nhanh hơn người lớn, và các vấn đề như khớp xương bị cứng thường ít gây trở ngại hơn.
Những vị phụ huynh đang là lao động trưởng thành trong độ tuổi 30 đến 40 có khuynh hướng gặp phải rủi ro. Nếu không tham gia vào một chương trình rèn luyện thể chất thường kỳ và đang bắt đầu với một hoạt động mới, bạn đang ở trong tình thế dễ gặp chấn thương. Khi bậc cha mẹ cố gắng bắt kịp nhịp độ với những đứa trẻ hăng hái, họ có thể không nhận ra được giới hạn của cơ thể bản thân và cố gắng quá sức.
Việc họ tham gia vào các buổi hoạt động thường kỳ là điều tốt, chẳng hạn như những lần đi bộ nhẹ trong công viên, để giữ cho cơ bắp linh hoạt. Phụ nữ cao niên thường mắc phải bệnh loãng xương, đồng nghĩa với việc họ có rủi ro gãy xương cao hơn nếu chẳng may bị ngã. Việc sử dụng giày dép đúng cách là rất quan trọng, đồng thời cần chắc chắn là lịch trình kỳ nghỉ không bao gồm các hoạt động vượt quá khả năng, từ đó tránh tự đặt bản thân vào tình thế nguy hiểm.
Điều này tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Nếu là gãy xương, bạn bắt buộc phải đến bác sĩ. Đối với bong gân hoặc đau cổ, thử dùng một vài viên kháng viêm hoặc paracetamol và nghỉ ngơi. Nếu thấy ổn sau vài giờ nghỉ ngơi, hãy tiếp tục với các hoạt động. Bạn không nhất thiết phải trì hoãn chuyến đi hay chấm dứt sớm. Bạn vẫn có thể tận hưởng kỳ nghỉ, nhưng dĩ nhiên là với một mức độ hoạt động thấp hơn trước.
Nếu bạn không thể di chuyển chân do sưng, hoặc đột nhiên cảm thấy cơ tay chân yếu đi (có thể là triệu chứng của vấn đề về xương sống), hãy tìm đến dịch vụ y tế. Luôn luôn nhớ mua bảo hiểm du lịch trước khi bắt đầu kỳ nghỉ, vì có lúc nó sẽ rất hữu ích khi tai nạn xảy ra.
Đối với bong gân đầu gối hoặc mắt cá chân, bạn có thể xoa dịu cơn đau và sưng bằng cách điều trị RICE (nghỉ ngơi (rest), chườm đá (ice), băng ép (compress), và nâng cao (elevation)). Sau đó, cho chỗ đau nhức thêm thời gian và xem quá trình hồi phục như thế nào. Nếu cơn đau ở mức chịu đựng được và bạn có thể bước đi trên nó, hãy quan sát từ 1-2 tuần.
Nếu sau 1-2 tuần, vết thương vẫn khá sưng, hãy tham vấn bác sĩ và chụp X-quang để đảm bảo đây không phải là một vết gãy. Nếu sau vài tuần mà chưa thấy hồi phục, một buổi chụp MRI có thể sẽ cần thiết để đánh giá sâu vết thương hơn. Bạn có thể phát hiện rằng nó xảy ra là do nguyên nhân như đứt dây chằng, từ đó dẫn đến chứng mất ổn định đầu gối hoặc mắt cá chân, thường gây đau đớn và khó khăn trong việc di chuyển.
Một vài bệnh nhân đã nói với tôi: "Tôi bị bong gân mắc cá chân, và đây là lần thứ 3 hoặc 4 rồi". Những bệnh nhân này thường là những người trước đó bị bong gân nặng đã được điều trị bảo tồn, và trở lại với hoạt động thể thao sau vài tuần.
Mặc dù các dây chằng thoạt đầu trông như có thể đã dần hồi phục, chúng có thể đã không lành đúng cách. Khi dây chằng bị rách, thông thường chúng sẽ bị giãn ra trước khi bị rách. Từ đó, khi một dây chằng bị giãn dài vượt quá mức độ thông thường và đã lành lại, có thể nó sẽ hoạt động không tốt trong vai trò là bộ phận hạn chế. Mắc cá chân không phải là một khớp đặc biệt mạnh, vì vậy những người bị rách dây chằng có khuynh hướng liên tục gặp phải bong gân, đặc biệt nếu đi trên bề mặt không bằng phẳng, hoặc mang giày dép không phù hợp. Kịch bản này cũng có thể xảy ra với khớp gối và khớp vai.
Đau đầu gối thường bắt nguồn từ các vấn đề ở xương bánh chè. Xương bánh chè, một trong nhiều thành phần cấu thành khớp gối, là phần xương hình tròn nằm ở trước đầu gối.
Chẳng hạn, khi đạp xe, nhiều người thường không nâng yên xe đủ cao, vì vậy thường bị bẻ đầu gối nhiều hơn mức cần thiết. Cảm thấy đau khi lên xuống cầu thang cũng là một tình trạng khá phổ biến. Khi bước đi, khớp gối phải chịu lực bằng 1.5 lần trọng lượng cơ thể, và khi leo cầu thang, lực này tăng lên đến khoảng 3-5 lần. Khi đứng dậy từ tư thế ngồi xổm mà không dùng tay vịn, khớp gối có thể phải gánh chịu một lực lớn gấp 5-7 lần trọng lượng cơ thể, với đa phần lực được đặt lên sụn và sụn chêm, gây ra chấn thương. Những chấn thương này có thể gây ra cảm giác kẹt hoặc tiếng lạo xạo, hoặc đau khi thực hiện một vài hoạt động, và có thể sẽ cần đến phẫu thuật để điều chỉnh.
Bạn có thể điều trị đau đầu gối với thuốc (kháng viêm), thực phẩm bổ sung, và vật lý trị liệu để rèn luyện cơ bắp và cho phép đầu gối nghỉ ngơi cũng như phục hồi trước khi quay lại hoạt động bình thường. Đôi khi, trong giai đoạn xương bánh chè bị mài mòn, nhiều người không cảm thấy đau lắm. Nếu cảm thấy có thể chịu đựng cơn đau, họ có thể mang đai bảo vệ đầu gối và tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, nếu có cơn đau nhói tái phát liên tục, hoặc nếu thấy đau ảnh hưởng đến khả năng vận động của bản thân, hãy đi khám để ngăn chặn tình trạng trở nên tệ hơn.