Mất Cân Bằng Hormone Và Cách Điều Trị

Nguồn: Shutterstock

Mất Cân Bằng Hormone Và Cách Điều Trị

Cập nhật lần cuối: 04 Tháng Bảy 2022 | 3 phút - Thời gian đọc

Hormone là các chất truyền dẫn hóa học kiểm soát cách các cơ quan và tế bào của bạn hoạt động. Khi chúng bị mất cân bằng, toàn bộ cơ thể của bạn có thể bị ảnh hưởng.

Hormone Là Gì?

Hormone được sản sinh trong tuyến nội tiết của bạn. Chúng được vận chuyển qua mạch máu và hoạt động như người đưa thư để kiểm soát các yếu tố như quá trình trao đổi chất, phản ứng tuyến thượng thận và thậm chí cả tâm trạng của bạn. Biến động về mức độ hormone là bình thường, đặc biệt khi cơ thể bạn trải qua giai đoạn dậy thì, mang thai hoặc thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, nếu cơ thể bạn liên tục sản xuất quá nhiều hoặc quá ít một loại hormone, nó có thể khiến bạn cảm thấy không ổn hoặc thậm chí rất khó chịu trong người.

Các Triệu Chứng Của Mất Cân Bằng Hormone

Hình ảnh một người phụ nữ thừa cân gặp khó khăn khi mặc quần áo
Có nhiều hormone khác nhau ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể bạn, do đó, các triệu chứng của mất cân bằng hormone có thể rất đa dạng phụ thuộc vào nguyên nhân gốc rễ.

Các triệu chứng nói chung bao gồm:

  • Thay đổi ở da
  • Khó tập trung
  • Khó ngủ
  • Các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy và táo bón
  • Móng tay và tóc khô
  • Mệt mỏi
  • Nhức đầu
  • Tăng cảm giác đói hoặc khát nước
  • Khó chịu, lo lắng, trầm cảm và thay đổi tâm trạng
  • Mất ham muốn tình dục
  • Thay đổi cân nặng đột ngột (tăng hoặc giảm cân)
  • Tóc mỏng và rụng tóc

Bởi vì đàn ông và phụ nữ có nồng độ hormone khác nhau, cũng có những triệu chứng chỉ ảnh hưởng đến một đối tượng này mà không ảnh hưởng đến đối tượng khác.

Nam giới có thể nhận thấy:

  • Thay đổi ở lông cơ thể và gương mặt
  • Rối loạn chức năng cương dương
  • Thay đổi ở mô ngực (vú to ở nam giới)
  • Giảm cơ bắp
  • Vô sinh
  • Đổ mồ hôi quá nhiều

Phụ nữ có thể nhận thấy:

  • Kinh nguyệt không đều
  • Lông mặt hoặc cơ thể mọc quá nhiều
  • Mụn
  • Ngực sưng nhức
  • Khô âm đạo hoặc teo âm đạo

Nguyên Nhân Gây Mất Cân Bằng Hormone

Hình ảnh tuyến giáp
Mức độ hormone thường biến động theo chu kỳ, đó là lý do tại sao phụ nữ thường trải qua những thay đổi về cơ thể và tâm trạng hàng tháng. Điều này được biết đến với tên gọi Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), và nó hoàn toàn bình thường.

Mặt khác, sự mất cân bằng hormone thực sự có thể được gây ra bởi một số hiện trạng y tế, bao gồm:

  • Tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc kém hoạt động
  • Hội chứng Cushing, ảnh hưởng đến mức độ cortisol (steroid hormone)
  • Bệnh tiểu đường
  • Khối u
  • Thuốc
  • Liệu pháp hormone
  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Căng thẳng
  • Rối loạn ăn uống

Ở phụ nữ, thay đổi hệ thống sinh sản có ảnh hưởng trực tiếp đến hormone của bạn. Đó là lý do tại sao phụ nữ thường gặp phải những biến động đáng kể do kết quả của thai nghén và sinh nở. Hậu thai sản, nhiều phụ nữ phải mất nhiều tháng hoặc lâu hơn để lấy lại sự ổn định và để cơ thể hoạt động như nó đã làm trước khi mang thai.

Chế Độ Ăn Uống Của Bạn Và Hormone

Nhiều nghiên cứu tiếp tục được tiến hành xoay quanh vai trò của chế độ ăn uống trong việc cân bằng mức độ hormone. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những vấn đề thông thường liên quan đến hormone, như tiểu đường và hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), có thể được cải thiện thông qua ăn uống lành mạnh và kiểm soát cân nặng. Có bằng chứng ở mức độ vừa phải cho thấy việc tuân thủ chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải bao gồm thịt nạc, cá và protein, rau xanh và trái cây, dầu olive và các nguồn chất béo lành mạnh khác, cũng như cắt giảm thức ăn chế biến sẵn, có thể giúp phòng tránh béo phì và làm giảm khả năng mắc phải một số rối loạn liên quan đến hormone và giúp giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Ngoài ra, omega-3 fatty acids cung cấp điểm khởi đầu cho việc sản xuất hormone nhằm kiểm soát một số chức năng thiết yếu của cơ thể và những nguồn chất béo này có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm như cá nhiều dầu và dầu hạt lanh.

Nghiên cứu cho thấy duy trì cân nặng hợp lý có thể giúp cải thiện các vấn đề liên quan đến hormone. Bạn có thể bắt đầu bằng việc:

  • Kiểm soát lựa chọn thực phẩm, bạn có thể cân nhắc khẩu phần ăn nhỏ hơn hoặc cân bằng lượng calo cao hơn và thấp hơn trong ngày
  • Lựa chọn những loại thức ăn được chế biến với ít dầu mỡ hơn như các món canh súp, chọn thịt nạc và lột bỏ phần mỡ có thể nhìn thấy từ thịt, và chọn cơm hoặc bún không gia vị thay cho cơm bún đã được nêm nếm
  • Hạn chế lượng đường tinh luyện bằng cách chọn các loại đồ uống không đường thay cho đồ uống chứa nhiều đường, hoặc yêu cầu ít đường hơn trong món tráng miệng
  • Tăng lượng chất xơ bằng cách chọn ngũ cốc nguyên hạt, phấn đấu ăn 2 phần trái cây và rau xanh tươi mỗi ngày

Nói một cách căn bản, tiêu thụ những loại thực phẩm tươi và nguyên chất luôn đem lại lợi ích tích cực cho cơ thể bạn. Đừng chần chờ đến gặp tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng để họ có thể giúp bạn cân bằng hormone và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Các Phương Pháp Điều Trị Khác Cho Tình Trạng Mất Cân Bằng Hormone

Hình ảnh một người phụ nữ cầm một vỉ thuốc
Tùy thuộc vào nguyên nhân của vấn đề, bác sĩ có thể đưa ra cho bạn những phương án sau:

  • Liệu pháp hormone, như liệu pháp oestrogen hoặc testosterone
  • Thuốc trị tiểu đường
  • Thuốc tránh thai
  • Các loại kem kê đơn như oestrogen

Họ cũng có thể khuyến nghị những thay đổi lối sống, như bỏ thuốc lá hoặc ngừng uống các thức uống có cồn, tăng cường tập thể dục để giảm cân, và giảm căng thẳng/stress. Bác sĩ cũng có thể trao đổi về những thay đổi trong chế độ ăn uống được thiết kế phù hợp với nhu cầu đặc thù của bạn. Đối với phụ nữ ở thời điểm hậu thai sản, có thể đang cho con bú, thì thuốc có thể không phù hợp, vì thế thực hiện những thay đổi nhỏ trong lối sống thường là lựa chọn tốt nhất.

Nếu bạn nghi ngờ mình có thể đang mất cân bằng hormone, hãy đặt hẹn khám bác sĩ.

(18 December 2017) Everything You Should Know About Hormonal Imbalance. Retrieved 12 February 2019 from https://www.healthline.com/health/hormonal-imbalance#acne

(19 November 2008) Changing Hormones and Mood Swings: What Can You Do? Retrieved 12 February 2019 from https://www.webmd.com/women/features/escape-hormone-horrors-what-you-can-do#4

(10 November 2017) Do You Have a Hormone Imbalance? Retrieved 12 February 2019 from https://www.webmd.com/women/ss/slideshow-hormone-imbalance

(6 February 2017) Hormone Diet Plan Review. Retrieved 12 February 2019 from https://www.webmd.com/diet/a-z/hormone-diet

(15 May 2017) 12 Natural Ways to Balance Your Hormones. Retrieved 12 February 2019 from https://www.healthline.com/nutrition/balance-hormones

(n.d) Weight loss and diabetes. Retrieved 30 June 2022 from https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/enjoy-food/eating-with-diabetes/whats-your-healthy-weight/lose-weight

(18 March 2019) Mediterranean Diet and Cardiodiabesity: A Systematic Review through Evidence-Based Answers to Key Clinical Questions. Retrieved 30 June 2022 from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6471908/

(n.d) Endoscopic Weight Loss Program. Retrieved 30 June 2022 from https://www.hopkinsmedicine.org/endoscopic-weight-loss-program/conditions/pcos_polycystic_ovarian_syndrome.html

(n.d) Lose Weight Permanently! Retrieved 30 June 2022 from https://www.healthhub.sg/live-healthy/408/Healthy%20Weight%20Loss

(n.d) The Nutrition Source. Retrieved 30 June 2022 from https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/what-should-you-eat/fats-and-cholesterol/types-of-fat/omega-3-fats/
Bài viết liên quan
Xem tất cả