5 questions about IBS

Nguồn: Shutterstock

5 câu hỏi về Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Cập nhật lần cuối: 11 Tháng Mười Hai 2018 | 2 phút - Thời gian đọc
Dr Quah Hak Mien

Bác sĩ ngoại tổng quát

Dr Quah Hak Mien

Bác sĩ ngoại tổng quát

Bs. Quah Hak Mien, bác sĩ ngoại tổng quát tại Bệnh viện Gleneagles, chia sẻ những điều cần biết về hội chứng ruột kích thích, nguyên nhân có thể dẫn đến hội chứng ruột kích thích và cách để sống chung với tình trạng này.

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn chức năng rất phổ biến ở đường tiêu hóa, ảnh hưởng từ 10 – 15% dân số Singapore. Mặc dù chưa rõ nguyên nhân, IBS được cho là có thể phát triển sau một đợt khó chịu ở dạ dày hoặc ngộ độc thực phẩm. Một số bác sĩ cho rằng nhiễm trùng đường ruột hoặc việc sử dụng kháng sinh để điều trị có thể đã phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái vi khuẩn đường ruột. IBS có xu hướng khởi phát trong những năm ở độ tuổi thiếu niên hoặc giai đoạn đầu trưởng thành, và ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn là nam giới. Ở những phụ nữ bị IBS, táo bón cũng xảy ra phổ biến hơn.

IBS có thể được chẩn đoán và điều trị bằng cách nào?

Không có xét nghiệm hay kỹ thuật chụp chiếu đặc hiệu nào để chẩn đoán IBS, do đó, chẩn đoán được đưa ra dựa trên các triệu chứng ở bệnh nhân.

Vì các triệu chứng của IBS tương tự như ung thư đại tràng hoặc bệnh viêm ruột (ví dụ, bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng), bệnh nhân nên tiến hành nội soi đại tràng để được chẩn đoán chính xác hơn.

Mục tiêu điều trị y tế là làm giảm nhẹ các triệu chứng và trang bị kiến thức cho bệnh nhân để họ có thể hiểu rõ hơn và tham gia kiểm soát tình trạng của mình một cách hiệu quả.

IBS có những triệu chứng điển hình gì?

Với những ai không bị mắc IBS, các triệu chứng của IBS dường như chỉ là chuyện nhỏ, nhưng với những người bị IBS, chúng có thể rất phiền toái. Những người bị IBS thường xuyên bị làm phiền bởi chuột rút bụng hoặc xấu hổ vì đầy hơi dẫn đến xì hơi và tiêu chảy do căng thẳng gây ra.

Ăn thực phẩm phù hợp có giúp kiểm soát tình trạng này không?

Các loại thực phẩm cần tránh
Một chế độ ăn uống cân bằng có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, mỗi người mắc IBS phải tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng của mình theo thời gian để biết những loại thực phẩm cần tránh. Ảnh hưởng của IBS đối với mỗi người là khác nhau, tuy nhiên, nhìn chung, nếu mắc IBS, quý vị nên cố gắng tránh các thực phẩm và đồ uống có chứa caffeine (ví dụ, cà phê, trà) vì chất này khiến ruột bị kích thích. Đảm bảo chế độ ăn uống có đủ rau củ và trái cây, nhưng hãy lưu ý rằng quá nhiều chất xơ có thể gây trướng bụng và đầy hơi. Tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc có thể giúp giảm các triệu chứng của IBS.

IBS có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng hơn không?

Điều may mắn là, tuy IBS gây khó chịu và hạn chế khả năng hoạt động nhưng không dẫn đến các bệnh nghiêm trọng khác như ung thư. Các triệu chứng của IBS thường có thể được giảm nhẹ thông qua điều trị.

Có thể kiểm soát IBS bằng cách nào?

Nếu quý vị đang gặp các triệu chứng tương tự như IBS hoặc nhận thấy sự thay đổi trong thói quen đại tiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được điều trị. IBS không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân người mắc bệnh. Tính chất phiền toái của các triệu chứng của IBS cũng có thể ảnh hưởng đến cả bạn bè và các thành viên trong gia đình. Quý vị không cần phải chịu đựng IBS. Quý vị hoàn toàn có thể được giúp đỡ. Đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa ngay hôm nay.

Irritable Bowel Syndrome: A Review and Update. Retrieved on 13 November 2018 from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3348735/

Coping with irritable bowel syndrome. Retrieved on 21 November 2018 from https://www.medicalnewstoday.com/articles/319546.php

Irritable Bowel Syndrome. Retrieved on 21 November 2018 from https://www.singhealth.com.sg/PatientCare/ConditionsAndTreatments/Pages/Irritable-Bowel-Syndrome.aspx
Bài viết liên quan
Xem tất cả