Dealing with depression

Nguồn: Shutterstock

Bạn có thể bị trầm cảm?

Cập nhật lần cuối: 08 Tháng Tám 2019 | 6 phút - Thời gian đọc
Dr Ang Peng Chye

Bác sĩ tâm thần học

Dr Ang Peng Chye

Bác sĩ tâm thần học

Bs. Ang Peng Chye, bác sĩ tư vấn tâm lý tại Bệnh viện Mount Elizabeth, giải thích trầm cảm là gì và chia sẻ bí quyết đối phó với trầm cảm.

Mặc dù xã hội ngày nay đã cởi mở hơn với chủ đề về sức khỏe tâm thần nhưng trầm cảm lâm sàng vẫn là một trong những rối loạn bị hiểu sai nhiều nhất. Công chúng chủ yếu chỉ nhìn thấy khía cạnh cảm xúc của trầm cảm, được quan sát thấy khi người đó có hành vi bạo động nổi loạn hoặc không hành xử như bình thường. Có thể bạn đã từng nghe những cụm từ như “chỉ là giai đoạn nhất thời thôi” hay “chẳng qua là bạn nghĩ ra vậy thôi”. Điều này là hoàn toàn sai.

Trầm cảm là một căn bệnh thực sự cần có thời gian và phương pháp điều trị để kiểm soát bệnh. Ngoài ra, cũng có một số tình trạng rối loạn phụ sẽ có cường độ triệu chứng và nguyên nhân khác nhau.

Dưới đây là các loại trầm cảm khác nhau:

  • Trầm cảm không điển hình
  • Rối loạn lưỡng cực
  • Trầm cảm nặng
  • Trầm cảm trước và sau sinh (sau sinh)
  • Rối loạn trầm cảm kéo dài
  • Rối loạn bồn chồn tiền kinh nguyệt (PMDD)
  • Trầm cảm loạn tâm thần
  • Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD)
  • Trầm cảm tình huống

Làm thế nào để nhận biết bạn có bị trầm cảm hay không?

Chẩn đoán trầm cảm
Bị trầm cảm và cảm thấy buồn phiền không giống nhau. Trầm cảm là một rối loạn tâm trạng gây ra cảm giác buồn bã và mất hứng thú trong thời gian dài. Nó ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ và hành xử và có thể dẫn đến một loạt các vấn đề về cảm xúc và thể chất. Bạn có thể gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động thường ngày và đôi khi bạn có thể cảm thấy như thể cuộc sống không còn ý nghĩa.

Tình trạng trầm cảm ở mỗi độ tuổi và giới tính thường không giống nhau, các triệu chứng giữa nam và nữ, hoặc giữa người trẻ tuổi và người lớn tuổi cũng khác nhau. Việc nhận biết được loại trầm cảm có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng và được điều trị hiệu quả nhất. Điều quan trọng là bạn phải liên hệ với bác sĩ để chẩn đoán tình trạng của mình, đặc biệt là khi tình trạng này ảnh hưởng đến mối quan hệ cá nhân và công việc của bạn.

Khác với khám thể chất, bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về cảm nhận của bạn, bao gồm cả việc bạn có các triệu chứng trầm cảm như dưới đây hay không:

  • Buồn bã hay tâm trạng chán nản hầu hết thời gian trong ngày hoặc hầu như ngày nào cũng bị như vậy
  • Mất hứng thú với những thứ đã từng là thú vui
  • Thay đổi đáng kể về cân nặng
  • Hầu như ngày nào cũng bị mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Sự bồn chồn về thể chất hoặc cảm thấy kiệt sức mà người khác có thể nhận thấy
  • Hầu như ngày nào cũng bị mệt mỏi hoặc mất năng lượng
  • Thường xuyên có cảm giác tuyệt vọng hoặc vô giá trị hoặc cảm giác tội lỗi quá mức
  • Luôn có vấn đề về khả năng tập trung hoặc đưa ra quyết định
  • Lặp đi lặp lại suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử, kế hoạch tự tử hoặc cố gắng tự tử

Cần làm gì để đối phó với trầm cảm?

1. Nhắc nhở bản thân rằng trầm cảm là một căn bệnh

Khi đối phó với trầm cảm, việc coi tình trạng của mình là một căn bệnh có thể sẽ khó khăn đối với bạn. Thay vào đó, có thể bạn sẽ coi nó như một khiếm khuyết cá nhân cần khắc phục. Cách nhìn nhận này thường là rất không lành mạnh và có thể làm các triệu chứng trầm cảm trầm trọng thêm.

Trên thực tế, việc chấp nhận rằng tình trạng này là một căn bệnh sẽ giúp bạn ứng phó khi các triệu chứng xuất hiện mà không bị quá sợ hãi. Các triệu chứng sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa khi trầm cảm được nhìn nhận là một bệnh trạng thực sự.

2. Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo

Dấu hiệu cảnh báo
Điều quan trọng là bạn phải hiểu được những suy nghĩ và hành vi của mình khi bắt đầu rơi vào vòng xoắn đi xuống của một giai đoạn trầm cảm. Bằng cách thừa nhận suy nghĩ và cảm xúc của mình, bạn có thể chấm dứt các triệu chứng trước khi chúng trở nên tồi tệ hơn. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo cần chú ý:

  • “Không ai hiểu mình”
  • “Mọi người khác đều đạt được điều đó dễ dàng hơn mình”
  • “Mình sẽ không bao giờ vượt qua được chuyện này”
  • “Mình sẽ chẳng bao giờ đủ tốt”
  • “Mình chẳng còn thiết tha gì nữa”

Điều quan trọng cần lưu ý là suy nghĩ và hành vi của mỗi người sẽ khác nhau, bạn nên nắm bắt được những dấu hiệu cảnh báo của riêng mình.

3. Tìm hiểu nhiều nhất có thể

Cảm giác bất lực là một trong những cảm giác tồi tệ nhất đi kèm với trầm cảm. Bạn có thể cảm thấy như thể mình không kiểm soát được mọi mặt của cuộc sống mặc dù không đúng như vậy. Việc tìm hiểu nhiều nhất có thể về tình trạng của mình thực sự sẽ giúp ích cho bạn. Dưới đây là một số cách giúp bạn trang bị tốt hơn cho cuộc chiến chống trầm cảm:

  • Tìm đến các bác sĩ và chuyên gia trị liệu uy tín, đáng tin cậy
  • Chú ý để phát hiện các vấn đề tiềm ẩn có thể phát sinh từ thuốc (đọc kỹcác tác dụng phụ của thuốc được kê đơn)
  • Thực hành kỹ năng đối phó để cải thiện tâm trạng
  • Tìm kiếm hỗ trợ từ các cá nhân khác gặp phải vấn đề giống như bạn

4. Trao đổi với người thân

Nhóm hỗ trợ của bạn đóng vai trò quan trọng trong mọi mặt của cuộc sống, đặc biệt là khi đối phó với bất kỳ bệnh trạng nào. Người thân của bạn có nhiều cách để giúp bạn trong quá trình này. Họ có thể:

  • Đảm bảo rằng bạn đang dùng thuốc được kê đơn
  • Đề nghị đi cùng bạn đến các cuộc hẹn với chuyên gia trị liệu
  • Thay mặt bạn trao đổi với các bác sĩ và chuyên gia trị liệu khi bạn cảm thấy không thoải mái
  • Hỗ trợ tài chính vì chi phí trị liệu và thuốc men tốn kém và có thể không được bảo hiểm chi trả
  • Ở bên bạn khi bạn cần họ nhất

5. Hoạt động nhiều hơn

Hoạt động nhiều hơn
Tập thể dục là một trong những cách tốt nhất để kiểm soát trầm cảm. Nghiên cứu chứng minh rằng hoạt động thể chất giúp giảm thiểu và giảm nhẹ các triệu chứng trầm cảm. Tập thể dục cũng có thể là một hoạt động xã hội. bạn có thể tham gia một lớp tập luyện hoặc một chương trình giao lưu nhóm vì các môi trường này sẽ khuyến khích sự kết nối, có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần.

6. Tìm kiếm liệu pháp

Tâm lý trị liệu có thể giúp bạn đối phó với trầm cảm. Thông qua các buổi trị liệu đều đặn, bạn sẽ hiểu được nguyên nhân gốc rễ gây ra chứng trầm cảm ở bạn. Sau đó, bạn có thể hành động để thay đổi cuộc sống của mình, những thay đổi đó có thể giúp bạn đối phó với tình trạng trầm cảm.

7. Tránh xa các chất gây nghiện và bia rượu

Mặc dù đúng là các chất gây nghiện và bia rượu có thể giúp bạn tạm thời quên đi bệnh tình của mình nhưng những thứ này thực tế có thể khiến cho chứng trầm cảm của bạn trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, nhiều loại thuốc chống trầm cảm có phản ứng bất lợi với chất gây nghiện và bia rượu và có thể khiến bạn gặp nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.

8. Ngủ đủ giấc

Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc có thể mang lại lợi ích cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Ngủ đủ giấc có thể cải thiện đáng kể chức năng não bộ đồng thời đẩy nhanh tốc độ phục hồi.

9. Bắt đầu viết nhật ký

Khi đối phó với trầm cảm, bạn sẽ dễ bị lạc trong suy nghĩ rằng mỗi ngày trôi qua đều tệ y như ngày trước đó. Tuy nhiên, bằng cách ghi lại những gì diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ thấy có những ngày khá hơn những ngày khác. Điều này sẽ tạo ra một sự khác biệt rất lớn cả về cảm xúc và tinh thần.

10. Trầm cảm không nói lên điều gì về con người bạn

Trầm cảm tác động đến suy nghĩ của bạn và khiến cho bạn cảm thấy vô cùng khó khăn trong việc trân trọng tổng thể con người mình. Tuy nhiên, bạn phải tự nhắc nhở mình rằng trầm cảm không nói lên điều gì về con người bạn.

Nếu không biết bạn đang đối mặt với điều gì, sẽ khó có thể tìm được phương pháp điều trị phù hợp cho chứng trầm cảm của bạn. Bác sĩ gia đình của bạn có thể là chuyên gia đầu tiên nhận ra việc bạn bị trầm cảm. Tuy nhiên, mặc dù bác sĩ của bạn có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm nhưng bạn vẫn nên hỏi chuyên gia tâm lý chuyên về trầm cảm để tìm hiểu về các lựa chọn khác. Có thể sau đó bạn sẽ làm việc với một chuyên gia trị liệu mà không cần dùng thuốc. Nếu bạn cần dùng thuốc, bác sĩ chuyên khoa tâm thần là người được đào tạo nâng cao và có kinh nghiệm về trầm cảm, phương pháp điều trị và thuốc điều trị.

When should I get help for dealing with depression? Retrieved 14/06/2019 from https://www.webmd.com/multiple-sclerosis/qa/when-should-i-get-help-for-dealing-with-depression

How to Use Exercise to Manage Depression. Retrieved 14/06/2019 from https://blogs.webmd.com/mental-health/20170404/how-to-use-exercise-to-manage-depression

Depression: Asking Loved Ones for Help. Retrieved 14/06/2019 from https://www.webmd.com/depression/features/depression-asking-loved-ones-for-help#1

Depression and Stress Management. Retrieved 14/06/2019 from https://www.healthline.com/health/depression/stress-management

A Self-Help Guide to Dealing with Depression. Retrieved 14/06/2019 from https://www.healthline.com/health/depression/self-help-guide-to-depression#1

7 Strategies for Dealing with a Depressive Episode. Retrieved 14/06/2019 from https://www.healthline.com/health/depression/strategies-for-dealing-with-depressive-episode#1

Depression Diagnosis. Retrieved 14/06/2019 from https://www.webmd.com/depression/guide/depression-diagnosis#1-2

Types of Depression. Retrieved 14/06/2019 from https://www.webmd.com/depression/guide/depression-types#1
Bài viết liên quan
Xem tất cả