Hidden Causes of Stomach Cancer

Nguồn: Shutterstock

Nguyên nhân tiềm ẩn gây ung thư dạ dày

Cập nhật lần cuối: 05 Tháng Ba 2018 | 3 phút - Thời gian đọc
Dr Look Chee Meng Melvin

Bác sĩ ngoại tổng quát

Dr Look Chee Meng Melvin

Bác sĩ ngoại tổng quát

Ung thư dạ dày vẫn đang là bệnh ung thư phổ biến thứ 4 trên toàn thế giới, dù cho số người mắc bệnh đã suy giảm nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì? Bác sĩ Melvin Look đã có câu trả lời cho vấn đề này.

Bác sĩ Melvin Look, bác sĩ ngoại tổng quát tại Bệnh viện Mount Elizabeth sẽ giải thích những điều cần biết về bệnh ung thư dạ dày và viêm dạ dày.

Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày hình thành khi các tế bào ở thành dạ dày phát triển thành tế bào ung thư. Khối u, hoặc vết loét có thể hình thành trong dạ dày gây ra các triệu chứng ban đầu như ợ nóng, đau bụng, buồn nôn và chán ăn.

Tỷ lệ ung thư dạ dày cao nhất được thấy ở Châu Á, Trung Đông, Châu Âu và Nam Mỹ. Và trong một số nhóm nhỏ nhất định như đàn ông gốc Hoa, nguy cơ mắc ung thư dạ dày vào khoảng 1 trên 50 người.

Mặc dù có những tiến bộ trong phẫu thuật và kiến thức y khoa, nhiều bệnh nhân vẫn được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày ở giai đoạn muộn, điều này khiến việc điều trị thành công thật sự khó khăn. Ở một số quốc gia, như Nhật Bản và Hàn Quốc, các chương trình sàng lọc ung thư được thiết lập để phát hiện các trường hợp mới ở giai đoạn đầu.

Triệu chứng của ung thư dạ dày là gì?

Triệu chứng của ung thư dạ dày
Các triệu chứng ban đầu của ung thư dạ dày bao gồm:

  • Khó tiêu
  • Ợ nóng
  • Đầy bụng
  • Buồn nôn
  • Ăn không ngon miệng

Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, do đó cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có được chẩn đoán chính xác.

Các triệu chứng về sau có thể bao gồm:

  • Đau dạ dày hoặc sưng
  • Máu trong phân
  • Nôn mửa
  • Giảm cân
  • Khó nuốt
  • Mệt mỏi

Nguyên nhân gây ung thư dạ dày?

Dạ dày của bạn có 5 phần:

  • Tâm vị: Phần trên cùng, gần với thực quản nhất
  • Đáy vị: Phần dưới Tâm vị, nơi lưu trữ thực phẩm chưa được tiêu hóa
  • Thân vị: Phần trung tâm, nơi tiêu hóa từng phần thức ăn
  • Hang vị: Phần nối tiếp Thân vị, nơi thức ăn trộn với dịch dạ dày
  • Môn vị: Phần dưới cùng, đóng vai trò như một van vào ruột non

Ung thư có nguồn gốc từ Tâm vị thường liên quan đến béo phì và trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Trong khi đó, ung thư ở phần hang vị và môn vị thường do nhiễm khuẩn HP, hút thuốc, ăn nhiều đồ mặn hoặc đồ nướng và tiền sử gia đình từng mắc ung thư dạ dày.

Những nguyên nhân khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Những người thuộc nhóm máu A
  • Nhiễm virus Epstein-Barr (EBV)
  • Làm việc trong các ngành công nghiệp than, kim loại, gỗ hoặc cao su
  • Tiếp xúc nhiều với amiăng

Nhiễm khuẩn HP (Helicobacter Pylori)

Nhiễm H. pylori
HP là một loại vi khuẩn sống trong dạ dày. Trong một số trường hợp, nó có thể gây viêm loét ảnh hưởng đến sự phát triển của niêm mạc dạ dày và ruột. Tình trạng này tạo điều kiện thuận lợi cho các tế bào đột biến phát triển thành ung thư.

Hiện vẫn chưa tìm ra nguồn gốc thật sự của vi khuẩn HP hay lây nhiễm vào người đầu tiên như thế nào, tuy nhiên lối sống kém vệ sinh và sử dụng thực phẩm ô nhiễm có thể là một phần lý do khiến nó lây lan mạnh hơn. Gần 60% người trưởng thành nhiễm vi khuẩn này không biết mình mắc bệnh.

Bạn có thể gặp những triệu chứng sau:

  • Đau bụng hoặc bụng bị nóng rát
  • Buồn nôn
  • Ăn không ngon miệng
  • Đầy bụng
  • ợ chua

Vi khuẩn HP thường được chữa khỏi trong một liệu trình sử dụng thuốc khánh sinh.

Vi-rút EBV (Epstein-Barr Virus) là gì?

EBV là loại vi-rút gây ra bệnh bạch cầu đơn nhân (hay còn gọi là mono). Nó gây ra các triệu chứng giống như cảm cúm, bao gồm sốt, mệt mỏi, phát ban, đau họng, sưng hạch và yếu cơ. Nhưng cũng giống như HP, bạn có thể mắc bệnh nhưng không biết. Vì vậy, vi-rút có thể tồn tại lâu trong cơ thể của bạn và sẽ hoạt động trở lại trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm về sau.

Thật không may, không có phương pháp điều trị cụ thể cho "mono". Cách tốt nhất để phòng tránh lây nhiễm là tránh xa những người có triệu chứng "mono".

Dù mối liên hệ giữa EBV và ung thư dạ dày tương đối mới mẻ, nhưng có khoảng 9% trường hợp mắc ung thư dạ dày được cho là có liên quan đến vi-rút này.

Điều trị nhiễm H. pylori có làm giảm nguy cơ ung thư không?

Giảm nguy cơ ung thư
Các nghiên cứu trên tổng thể dân số cho thấy, việc giảm số ca nhiễm H. pylori có thể giúp giảm số ca mắc ung thư. Có một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc ung thư dạ dày thực sự giảm 25%. Do đó, việc chẩn đoán sớm H. pylori có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư trong tương lai.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào cho thấy đang nhiễm H. pylori, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Họ có thể thực hiện một thử nghiệm không xâm lấn để loại trừ các nguyên nhân khác có thể dẫn đến các triệu chứng này. Phương pháp nội soi dạ dày (camera nhỏ đưa vào thực quản) cùng một lúc có thể kiểm tra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của ung thư dạ dày.

Alempijevic, A., Milosavljevic, T. & Sokic-Milutinovic, A. (2015, November 7). Role of Helicobacter pylori Infection in Gastric Carcinogenesis: Current Knowledge and Future Directions. World Journal of Gastroenterology 21(41): 11654-11672.

Chen, T.H., Chiu, H.M. & Lee, Y.C., et al. (2013). The Benefit of Mass Eradication of Helicobacter pylori Infection: a Community-Based Study of Gastric Cancer Prevention. Gut 62: 676-682.

Dan, Y.Y., So, J.B. & Yeoh, K.G. (2006). Endoscopic Screening for Gastric Cancer. Clinical Gastroenterology and Hepatology 4: 709-716.

Fock, K.M, Katelaris, P. & Sugano, K., et al. (2009). Second Asia-Pacific Consensus Guidelines for Helicobacter pylori Infection. Journal of Gastroenterology and Hepatology 24: 1587-1600.

González, C.A., Liso, J.M. & Pardo, M.L., et al. (2010). Gastric Cancer Occurrence in Preneoplastic Lesions: a Long-Term Follow-Up in a High-Risk Area in Spain. International Journal of Cancer 127(11):2654-2660.

Okamoto, S., Uemura, N. & Yamamoto, S., et al. (2001). Helicobacter pylori Infection and the Development of Gastric Cancer. New England Journal of Medicine 345(11):784-789.

Singapore Cancer Registry. Interim Annual Report. Trends in Cancer Incidence in Singapore 2010-2014.

Stomach Cancer. (2020, October 08) Retrieved March 11, 2021, from https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stomach-cancer/symptoms-causes/syc-20352438
Bài viết liên quan
Xem tất cả