31.THG7.2018 6 Phút đọc | 6 Phút đọc

Lập kế hoạch điều trị trước mổ sẽ giúp bạn đẩy nhanh quá trình hồi phục sau phẫu thuật.

Có rất nhiều thứ mà bạn có thể sắp xếp trước để đảm bảo rằng, sau khi xuất viện, bạn đã chuẩn bị đầy đủ để hồi phục nhanh.

Sau đây là 10 mẹo đơn giản giúp bạn chuẩn bị sẵn tâm thế cho quá trình hồi phục và nhanh chóng quay trở lại nhịp sống thường ngày sau khi xuất viện.

Phòng chống các tai nạn ngay trong nhà

Rà soát nhanh và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tại những nơi dễ gây té ngã trong nhà. Sẽ chẳng ai muốn bị ngã khi đang nghỉ ngơi hồi phục sau khi phẫu thuật đâu! Hãy dọn đi những đống đồ lộn xộn mà bạn có thể vấp phải để tạo nên lối đi thông thoáng khi bạn đi lại trong nhà.

Nếu bạn sống trong một ngôi nhà có thang bậc, hãy cân nhắc tới việc sắp xếp lại đồ đạc và chuyển phòng ngủ xuống dưới lầu cho tới khi bạn đã có thể đi lại vững vàng. Bạn có thể thức giấc vào lúc nửa đêm, vì thế hãy chắc chắn rằng công tắc đèn ở nơi bạn dễ chạm tới để khỏi phải loay hoay trong bóng tối. Việc lắp đặt đèn ngủ quanh nhà, đặc biệt trên lối đi dẫn tới gian bếp và nhà vệ sinh, cũng là một ý tưởng không tồi. Những chiếc đèn ngủ được cắm trực tiếp vào ổ cắm trên tường là một giải pháp cực kỳ đơn giản và không tốn kém.

Tuân thủ các chỉ định của bác sĩ phẫu thuật

Tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ
Đây vốn dĩ là điều hiển nhiên, nhưng hãy luôn nhớ tới lời dặn dò của bác sĩ về những điều mà bạn nên và không nên làm khi tỉnh lại sau cuộc phẫu thuật. Nếu bạn được khuyên nên nghỉ ngơi trên giường, bạn nên làm theo lời bác sĩ cho tới khi có chỉ thị khác. Nếu bác sĩ khuyến khích bạn đứng dậy và đi lại ngay khi có thể, bạn cần cố gắng để đạt được mục tiêu này. Đừng cố làm những điều ngoài chỉ định. Nếu bạn quá thúc ép bản thân thì thay vì khỏi nhanh hơn, bạn lại đang tự gây gián đoạn cho quá trình hồi phục của chính bản thân mình đấy.

Dùng thuốc theo đơn đã kê

Hãy luôn nhớ rằng bác sĩ kê đơn thuốc vì một lý do duy nhất - giúp bạn hồi phục nhanh chóng hơn. Cho dù bạn tránh dùng thuốc vì nguy cơ nghiện hay sợ tác dụng phụ, khoảng thời gian sau khi phẫu thuật vẫn là lúc mà bạn cần phải tuân theo chỉ thị của bác sĩ và uống thuốc đầy đủ theo đơn đã kê. Một số loại thuốc là thuốc kháng sinh để tránh nhiễm trùng, còn một số loại dùng để giảm đau. Những cơn đau có thể khiến bạn mất ngủ, ăn mất ngon và đi lại khó khăn, và những ảnh hưởng tiêu cực tới cả ba yếu tố này sẽ làm chậm quá trình hồi phục của bạn. Tất nhiên không ai phụ thuộc vào thuốc, nhưng hãy để cho cơ thể của bạn hoàn toàn hồi phục trước đã.

Lên kế hoạch cho các bữa ăn

Lên kế hoạch cho bữa ăn
Dinh dưỡng chính là nguồn năng lượng của cơ thể và cơ thể bạn cần có thật nhiều năng lượng để mau chóng hồi phục. Hãy nhờ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng lập một chế độ ăn đơn giản để bạn thực hiện theo nhằm đảm bảo rằng bạn đang bổ sung đầy đủ các dưỡng chất quan trọng và cần thiết. Nếu ở nhà không có ai giúp đỡ được cho bạn, bạn có thể nấu sẵn trước khi phẫu thuật và trữ đông đồ ăn để bạn có thể rã đông và hâm nóng khi cần. Đừng có bỏ bữa. Cho dù bạn không muốn ăn, cơ thể bạn vẫn cần nạp và củng cố năng lượng đấy.

Tận dụng thời gian nghỉ ốm

Sức khỏe luôn quan trọng hơn công việc - đây là điều mà bạn ngẫm ra được sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật. Thế nhưng, vẫn có những bệnh nhân cố gắng trở lại làm việc trên ngay giường bệnh bằng các thiết bị di động và máy tính xách tay. Khi bạn tỉnh lại sau ca mổ, bạn cho rằng mình đã hoàn toàn tỉnh táo, thế nhưng trạng thái tinh thần của bạn khi đó chưa đủ minh mẫn để đưa ra những quyết định công việc đâu. Vì thế, hãy cứ nghỉ ngơi đã. Và điều này luôn đúng kể cả khi bạn đã xuất viện. Nếu bác sĩ cho bạn 4 tuần nghỉ phép vì lý do sức khỏe, hãy cứ tận dụng hết khoảng thời gian này. Đây là khoảng thời gian mà bác sĩ đã tính toán vừa đủ để cơ thể bạn có thể hồi phục hoàn toàn và việc tận dụng thời gian nghỉ tối đa là cách tốt nhất giúp bạn không còn phải quay trở lại bệnh viện nữa.

Chỉ định một 'tài xế riêng'

Chỉ định một 'tài xế riêng''
Trước khi phẫu thuật, hãy hỏi bác sĩ xem cần mất bao lâu để bạn có thể tự mình lái xe trở lại, rồi dựa vào đó để có những sắp xếp phù hợp cho việc đi lại của mình. Bạn không nên tự lái xe cho tới khi nhận được sự đồng ý từ bác sĩ và trong thời gian này, bạn nên thuê một tài xế riêng chuyên nghiệp hoặc nhờ một thành viên trong gia đình đảm nhận vai trò này. Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải mất khoảng 2 tuần hoặc thậm chí 2 tháng. Tốc độ phản ứng của bạn sẽ chậm hơn, và nếu bạn vừa trải qua phẫu thuật ổ bụng, vùng cơ trung tâm ở bụng vẫn chưa đủ cứng cáp để đáp ứng các yêu cầu thể chất đối với việc lái xe.

Tập vật lý trị liệu

Nếu bạn được giới thiệu tới gặp một bác sỹ vật lý trị liệu sau phẫu thuật, điều này có nghĩa là bạn cần có sự hỗ trợ đặc biệt để giúp cơ thể phục hồi lại như trước. Bạn có thể suy nghĩ rằng mình hoàn toàn tự luyện tập được. Thế nhưng, những tuần sau khi phẫu thuật vô cùng quan trọng và nếu bạn không gặp bác sĩ theo đúng hẹn, bạn đang đứng trước nguy cơ không bao giờ có thể hồi phục hoàn toàn. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ tham sự đầy đủ những cuộc hẹn này và thực hiện các bài tập liên quan ở nhà.

Bỏ thuốc lá

Bỏ thuốc lá
Nếu bạn là một người hay hút thuốc thì sau phẫu thuật, bạn sẽ phải nói không với thuốc lá khi đang nằm viện. Vì sao bạn không nhân cơ hội này để bỏ thuốc vĩnh viễn? Nếu hút thuốc không phải là nguyên nhân khiến bạn nhập viện thì đây sẽ là nguyên nhân làm chậm quá trình hồi phục của bạn. Những nỗ lực cai thuốc của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng bằng những lợi ích sức khỏe - chẳng hạn như giảm thiểu nguy cơ ung thư và có một hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn - mà bạn nhận được trong suốt cuộc sống sau này.

Tránh mang vác vật nặng

Vật nặng mà chúng tôi nói ở đây là những vật có trọng lượng lớn hơn chiếc ấm nước! Hãy tự ý thức được những gì mà cơ thể hiện tại của bạn làm được và không làm được, hãy bỏ qua những công việc vất vả, nặng nhọc cho tới khi bác sĩ đồng ý cho bạn làm những việc ấy. Đừng bao giờ thử mang vác bất cứ vật gì khi đang ở một mình và hãy nhờ người khác trợ giúp những công việc nhà như hút bụi, lau chùi và phơi quần áo.

Chăm sóc vết thương

Chăm sóc vết thương
Bên cạnh việc dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng, bạn cần phải giữ cho miệng vết thương luôn sạch sẽ trong quá trình hồi phục. Tuân thủ lời dặn của bác sỹ trong chăm sóc vế thương. Chẳng hạn như tránh làm ướt bông băng vết thương, tắm bằng vòi sen thay vì tắm bồn để tránh ngâm vết thương trong nước, thay bông băng thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ và tránh mang vác các vật nặng hoặc thực hiện các hoạt động tốn sức để tránh rách miệng vết thương. Khi bạn được cho phép tháo bỏ bông băng hoàn toàn, hãy cẩn trọng và đừng để sẹo vết thương tiếp xúc với quá nhiều ánh nắng vì chúng có thể sẽ bị thâm sạm đi.

Thời điểm cần gặp bác sĩ

Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu như miệng vết thương bị hở, rách, chảy máu, chảy mủ hoặc có mùi khó chịu. Bạn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bị sốt hoặc cơn đau ngày càng tăng. Đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ nếu bạn có những mối lo ngại và cơ thể không hồi phục được như mong muốn.

 

Bài viết được duyệt bởi Tiến sĩ Othello Dave, phó giám đốc y tế tại bệnh viện Parkway

Nguồn tham khảo

Post-operative Care (n.d.) Truy cập ngày 03/07/ 2018 từ https://www.healthline.com/health/postoperative-care#at-home

Gardner A. How to Plan for Recovery at Home after Surgery (n.d.). Truy cập ngày 03/07/2018 từ https://www.webmd.com/healthy-aging/features/home-self-care

Returning to everyday activities after abdominal surgery (Guys and St Thomas Foundation Trust, NHS, UK, 2018). Truy cập ngày 03/07/2018 từ https://www.guysandstthomas.nhs.uk/resources/patient-information/therapies/physiotherapy/returning-everyday-activities-abdominal-surgery.pdf

How to Take Care of Your Wound After Surgery (n.d.) Truy cập ngày 03/07/2018 từ https://www.webmd.com/healthy-aging/surgical-wound-care

31.THG7.2018