Viêm khớp gối - Triệu chứng & Nguyên nhân

Viêm khớp gối là gì?

Viêm khớp gối gây ra bởi tình trạng sụn khớp gối mỏng dần, thường là do chấn thương hoặc “hao mòn” theo thời gian.

So sánh khớp gối khỏe mạnh với khớp gối bị viêm.

Mặc dù có rất nhiều loại viêm khớp, các loại viêm khớp chính tác động đến đầu gối gồm có:

  • Viêm xương khớp. Đây là loại phổ biến nhất và do tuổi tác gây ra. Đây là bệnh lý thoái hóa khiến sụn khớp bị mòn đi.
  • Viêm khớp dạng thấp. Đây là bệnh tự miễn có biểu hiện đặc trưng là viêm. Bệnh có thể tác động đến các khớp cũng như các bộ phận khác của cơ thể.
  • Viêm khớp sau chấn thương. Đây là loại viêm khớp phát triển sau khi bị chấn thương đầu gối như rách sụn chêm, chấn thương dây chằng hoặc gãy xương.

Viêm khớp gối có những triệu chứng gì?

Triệu chứng phổ biến nhất của viêm khớp gối là đau đầu gối. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh phát triển từ từ theo thời gian mặc dù cũng có thể đột ngột xuất hiện.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Cảm thấy yếu hoặc đầu gối lủng lẳng và mất khả năng nâng đỡ trọng lượng, đôi khi được gọi là “mất vững khớp”
  • Cảm giác khớp gối “bị khóa cứng” hoặc “bị kẹt” khi di chuyển, đôi khi kèm theo âm thanh răng rắc hoặc ken két được gọi là tiếng lạo xạo ở khớp
  • Cứng khớp hoặc sưng gây khó khăn khi gập hoặc duỗi thẳng đầu gối
  • Đau nặng hơn hoặc sưng hơn sau một khoảng thời gian ít vận động, chẳng hạn như sau khi ngồi nghỉ hoặc thức dậy vào buổi sáng
  • Đau nặng hơn sau khi hoạt động thể chất tích cực

Nguyên nhân gây viêm khớp gối là gì?

Các nguyên nhân gây viêm khớp gối bao gồm:

  • Lão hóa
  • Thừa cân
  • Chấn thương đầu gối trước đó
  • Hao mòn khớp gối kéo dài do các hoạt động tác động mạnh
  • Cơ bắp chi dưới bị bó chặt
  • Cơ bắp chi dưới yếu

Những yếu tố nào gây nguy cơ viêm khớp gối?

Có nhiều yếu tố gây nguy cơ viêm khớp gối. Một vài trong số đó có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống để ngăn các triệu chứng diễn tiến nặng hơn.

Những yếu tố nguy cơ bạn có thể thay đổi:

  • Thừa cân/béo phì. Việc thừa cân hoặc béo phì sẽ làm tăng thêm áp lực lên khớp gối.
  • Các hoạt động tác động mạnh, hoạt động lặp đi lặp lại hoặc sử dụng khớp gối quá mức. Những hoạt động này góp phần làm khớp hao mòn quá mức.
  • Hút thuốc.

Những yếu tố nguy cơ không thể điều chỉnh bao gồm:

  • Tuổi tác. Quá trình lão hóa làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp.
  • Giới tính. Có một số loại viêm khớp phổ biến hơn ở phụ nữ.
  • Yếu tố di truyền. Yếu tố di truyền hoặc tiền sử gia đình làm gia tăng khả năng mắc bệnh viêm khớp.
  • Chấn thương trong quá khứ. Chấn thương đầu gối trong quá khứ có thể để lại ảnh hưởng lâu dài lên khớp gối.

Các biến chứng và bệnh liên quan của viêm khớp gối là gì?

Biến chứng của viêm khớp gối phụ thuộc vào loại viêm khớp gây ra cơn đau.

  • Trong viêm xương khớp đầu gối, tính chất thoái hóa của bệnh sẽ khiến cơn đau và tình trạng khớp trở nên trầm trọng hơn.
  • Trong viêm khớp nhiễm trùng, bệnh lý do nhiễm trùng ở khớp gối gây ra, tình trạng sưng, đau và đỏ có thể gây tổn thương sụn đầu gối trên diện rộng.

Làm thế nào để phòng tránh viêm khớp gối?

Để giảm nguy cơ phát triển viêm khớp gối, bạn có thể:

  • Giảm cân. Việc này sẽ làm giảm đáng kể áp lực lên các khớp chịu lực như khớp gối và khớp hông.
  • Tích cực vận động. Người ta vẫn lầm tưởng bệnh nhân bị viêm xương khớp không nên tập thể dục. Trên thực tế, lối sống ít vận động có thể dẫn đến cứng khớp và yếu cơ, từ đó có thể làm gia tăng các tác động bất lợi của viêm xương khớp.
  • Dùng thực phẩm chức năng hỗ trợ xương khớp. Có rất nhiều thực phẩm bổ sung khác nhau, bao gồm nhưng không chỉ giới hạn ở glucosamine sulphate, collagen hydrosylate, Boswellia, gừng, nghệ và các chất không xà phòng hóa từ quả bơ và đậu nành (ASU). Bạn nên trao đổi với bác sĩ để biết loại nào trong số này có thể phù hợp với bạn.
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777