Phình mạch não - Chẩn đoán và Điều trị

Chẩn đoán phình mạch não như thế nào?

Để chẩn đoán phình mạch não, bác sĩ thường chỉ định các chụp chiếu sau đây.

Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Chụp CT, một dạng kiểm tra X-quang chuyên biệt, là kiểm tra thường quy đầu tiên được sử dụng để xác định xem bệnh nhân có bị chảy máu trong não hay không. Phương pháp này sẽ cho ra hình ảnh là các “lát cắt” 2-D của não.

Một biến thể của CT não là CT chụp mạch não. Để thực hiện thủ thuật này, bệnh nhân sẽ được tiêm một loại thuốc nhuộm để cho phép bác sĩ quan sát được dòng máu lưu thông trong não, và xác định có tình trạng phình mạch hay không.

Xét nghiệm dịch não tủy

Trong trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng của vỡ phình mạch não nhưng chụp CT không cho thấy bằng chứng chảy máu. Khi đó bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm dịch não tủy (là thứ dịch xung quanh não và tủy sống) để xem có sự xuất hiện của hồng cầu hay không.

Thủ thuật hút dịch não tủy từ lưng bằng kim được gọi là chọc dò thắt lưng, chọc ống sống thắt lưng hay chọc dò tủy sống.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

MRI là phương pháp kiểm tra sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để chụp lại hình ảnh chi tiết của não, có thể là các lát cắt 2-D hoặc hình ảnh 3-D.

Một loại MRI cho phép đánh giá chi tiết các động mạch (chụp mạch MRI) có thể giúp phát hiện chứng phình mạch.

Chụp mạch não

Để thực hiện thủ thuật này, bác sĩ sẽ đưa một ống mềm, mỏng (gọi là ống thông) vào một động mạch lớn – thường là ở háng – và luồn qua tim đến các động mạch trong não của bệnh nhân. Một loại thuốc nhuộm đặc biệt được tiêm vào ống thông sẽ đi đến các động mạch trong não.

Sau đó, một loạt hình ảnh X-quang sẽ cho phép bác sĩ quan sát chi tiết tình trạng của động mạch và phát hiện chứng phình mạch não. Chụp mạch não là phương pháp xâm lấn nhiều hơn so với các phương pháp khác và thường được chỉ định khi các phương pháp kiểm tra trước đó chưa cung cấp đủ thông tin để bác sĩ kết luận chẩn đoán.

Điều trị phình mạch não như thế nào?

Phình mạch não phải được điều trị kịp thời để tránh nguy cơ tử vong cho dù túi phình đã vỡ hay chưa vỡ. Các phương pháp điều trị sau đây được ứng dụng để ngăn vỡ túi phình hoặc kiểm soát tình trạng chảy máu nếu túi phình đã vỡ.

Kẹp mạch máu não vi phẫu

Kẹp mạch máu vi phẫu là thủ thuật nhằm ngăn chặn nguồn máu đến túi phình. Trước tiên, bác sĩ phẫu thuật sẽ mở một phần hộp sọ để tiếp cận túi phình và định vị mạch máu nuôi túi phình đó. Sau đó, bác sĩ sẽ đặt một dụng cụ kẹp nhỏ xíu bằng kim loại xung quanh miệng túi phình để cắt nguồn cấp máu cho túi phình. Do phương pháp này đòi hỏi phải gây mê và mở sọ, do đó, thường không khuyến cáo cho những bệnh nhân có bệnh lý nền hoặc tình trạng sức khỏe chung kém.

Can thiệp nội mạch trong điều trị phòng mạch não

Can thiệp nội mạch hay còn gọi là nút túi phình bằng vòng xoắn, hoặc nút túi phình bằng coil, là thủ thuật ít xâm lấn hơn so với kẹp mạch máu vi phẫu. Để tiến hành thủ thuật này, bác sĩ sẽ đưa ống thông vào động mạch háng và luồn đến phần động mạch não bị ảnh hưởng. Tại túi phình động mạch, vòng xoắn platinum được bung ra nhằm kích thích hình thành cục máu đông trong túi phình, nhờ đó ngăn túi phình bị vỡ.

Thủ thuật bắc cầu và làm tắc mạch máu

Bắc cầu và làm tắc mạch máu là phương pháp điều trị phình mạch não gồm hai phần.

Phần đầu tiên là bắc cầu: Bác sĩ sẽ dùng các mạch máu khác trong cơ thể để điều hướng dòng máu ra khỏi túi phình để có thể đóng túi phình một cách an toàn. Để làm được điều này, bác sĩ sẽ sử dụng công cụ có độ chính xác cao để tách một đầu của một mạch máu khác trong não được lựa chọn từ trước, gọi là mạch máu hiến (donor vessel).

Sau đó, mạch máu hiến sẽ được đưa tới vị trí túi phình, rồi nối hai đầu với mạch máu có túi phình để tạo đường đi mới cho dòng máu nuôi phần não vốn được nuôi bởi mạch máu đó.

Sau khi bắc cầu, bác sĩ phẫu thuật sẽ nút đoạn mạch máu có túi phình bằng cách đưa vòng xoắn nhỏ xíu vào đoạn mạch có túi phình cho đến khi nút kín đoạn mạch đó.

Các phương pháp khác

Đối với trường hợp túi phình mạch não bị vỡ, có một số phương pháp điều trị nhằm giảm nhẹ triệu chứng và kiểm soát biến chứng bao gồm:

  • Thuốc giảm đau: chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol, hoặc các loại khác), có thể được sử dụng để kiểm soát các cơn đau đầu.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: ngăn cản canxi đi vào tế bào của thành mạch. Những loại thuốc này có thể làm giảm sự thu hẹp thất thường của các mạch máu (gọi là tình trạng co thắt mạch máu) có thể là một biến chứng của vỡ túi phình mạch máu.
  • Các biện pháp can thiệp để ngăn ngừa đột quỵ do lưu lượng máu không đủ: bao gồm tiêm vào tĩnh mạch một loại thuốc gọi là thuốc vận mạch, làm tăng huyết áp đủ để vượt qua sức cản của các mạch máu bị thu hẹp.
  • Một hình thức can thiệp khác để ngăn ngừa đột quỵ là nong mạch. Trong thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật sử dụng một ống thông để làm phồng một quả bóng nhỏ giúp mở rộng mạch máu bị thu hẹp trong não. Một loại thuốc có tác dụng giãn mạch cũng có thể được sử dụng để mở rộng các mạch máu ở khu vực bị ảnh hưởng.
  • Liệu pháp phục hồi: Tổn thương não do chảy máu dưới nhện có thể đòi hỏi phải áp dụng vật lý trị liệu, ngữ âm trị liệu và chức năng trị liệu để học lại các kỹ năng.
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777