Viêm cầu thận - Triệu chứng & Nguyên nhân

Viêm cầu thận là gì?

Viêm cầu thận là một dạng bệnh thận do viêm các mạch máu nhỏ ở thận. Cầu thận có vai trò loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa từ dòng máu và bài tiết vào nước tiểu.

Viêm cầu thận xảy ra do tình trạng viêm cầu thận khởi phát đột ngột (cấp tính) hoặc khởi phát dần dần (mạn tính) khiến chức năng cầu thận suy giảm và thận không thể lọc chất thải ra khỏi máu bình thường.

Có 4 loại viêm cầu thận:

  • Bệnh thận IgA. Nguyên nhân gây bệnh là do immunoglobulin A (IgA) lắng đọng trong cầu thận, có biểu hiện đặc trưng là có máu và protein trong nước tiểu. Bệnh này có thể tiến triển trong nhiều năm mà không có triệu chứng đáng chú ý.
  • Xơ hóa cầu thận khu trú từng phần. Bệnh này do một bệnh khác gây ra hoặc xảy ra rõ nguyên nhân. Biểu hiện đặc trưng là sẹo rải rác trên một vài cầu thận và có thể dẫn đến suy thận.
  • Viêm cầu thận màng. Tình trạng này xảy ra khi cầu thận bị tổn thương và dày lên. Mạch máu bị tổn thương làm rò rỉ protein vào nước tiểu, có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng được gọi là hội chứng thận hư.
  • Lupus ban đỏ toàn thân. Đây là bệnh tự miễn toàn thân xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các mô và cơ quan. Tình trạng viêm do bệnh này gây ra có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan khác nhau, chẳng hạn như khớp, da, thận, tế bào máu, não, tim và phổi.

Triệu chứng của viêm cầu thận là gì?

Viêm cầu thận thường xuất hiện triệu chứng khi cầu thận bị tổn thương nặng. Các triệu chứng này bao gồm:

  • Thay đổi màu nước tiểu (sẫm màu hoặc màu hồng)
  • Nước tiểu sủi bọt (do có protein trong nước tiểu)
  • Đau đầu, ốm, sốt và ớn lạnh
  • Huyết áp cao
  • Giảm sản sinh nước tiểu
  • Sưng chân, tay và mặt do tích nước dư thừa (phù)

Nguyên nhân của viêm cầu thận là gì?

Viêm cầu thận có thể xảy ra do nhiều tình trạng khác nhau. Các nguyên nhân này bao gồm:

  • Bệnh tự miễn. Viêm cầu thận có thể xảy ra do một vấn đề cụ thể về hệ miễn dịch (bệnh tự miễn). Một ví dụ là bệnh thận IgA, trong đó kháng thể (immunoglobulin A) lắng đọng trong cầu thận, gây sưng cầu thận. Cơ chế chính xác của bệnh thận IgA vẫn chưa được hiểu đầy đủ, và khi phát hiện thì bệnh có thể đã tiến triển được nhiều năm.
    • Viêm cầu thận nguyên phát ảnh hưởng trực tiếp đến thận
    • Viêm cầu thận thứ phát thường xảy ra do nhiễm khuẩn (viêm họng do liên cầu khuẩn), nhiễm vi-rút (nhiễm HIV và vi-rút viêm gan), nhiễm trùng tim (viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn), ung thư, đái tháo đường, huyết áp cao và áp-xe.
  • Lupus. Viêm do lupus có thể ảnh hưởng đến các vùng khác của cơ thể, bao gồm cả thận. Lupus dẫn đến tổn thương thận nghiêm trọng. Suy thận là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở những người mắc bệnh lupus.
  • Bệnh Goodpasture. Rối loạn phổi miễn dịch hiếm gặp này có thể có triệu chứng tương tự như viêm phổi. Hội chứng Goodpasture gây chảy máu phổi, cũng như viêm cầu thận.

Những yếu tố nào gây ra nguy cơ viêm cầu thận?

Khả năng bị viêm cầu thận có thể tăng nếu có những yếu tố sau:

  • Tiền sử gia đình bị bệnh thận và nhiễm trùng. Các yếu tố di truyền có thể đóng vai trò gây ra viêm cầu thận.
  • Các bệnh về hệ miễn dịch. Các bệnh như lupus và đái tháo đường gây sẹo cầu thận cũng có thể dẫn đến viêm cầu thận. Protein trong nước tiểu và suy thận có thể xảy ra khi các yếu tố tăng trưởng kích hoạt các tế bào cầu thận để tạo ra các chất gây sẹo.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm đau kéo dài. Sử dụng một số loại thuốc bao gồm thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID), là những loại thuốc hạn chế hoặc giảm đau, chẳng hạn như aspirin hoặc ibuprofen trong thời gian dài làm tăng nguy cơ viêm cầu thận.
  • Phẫu thuật đường tiết niệu gần đây. Phẫu thuật đôi khi có thể gây ra vấn đề cho lưu lượng nước tiểu. Biến chứng phẫu thuật có thể khiến nước tiểu chảy ngược hoặc trào ngược vào thận thay vì chảy từ thận đến bàng quang.

Biến chứng và các bệnh liên quan của viêm cầu thận là gì?

Viêm cầu thận có thể gây ra một số biến chứng sức khỏe, bao gồm:

  • Huyết áp cao. Tổn thương thận và tích tụ chất thải trong máu gây huyết áp cao. Huyết áp được chỉ báo bằng lượng máu tim bơm và mức độ cản trở lưu lượng máu trong động mạch.
  • Bệnh thận. Thận có thể dần mất khả năng lọc. Bệnh thận giai đoạn cuối cần chạy thận hoặc ghép thận để duy trì sự sống có thể xảy ra nếu chức năng thận suy giảm xuống dưới 10% khả năng bình thường.
  • Suy thận. Suy giảm khả năng bộ phận lọc của đơn vị thận dẫn đến tích tụ chất thải nhanh chóng. Khi đó sẽ cần lọc máu khẩn cấp bằng máy chạy thận nhân tạo, là một phương thức nhân tạo để loại bỏ dịch và chất thải dư thừa khỏi cơ thể.
  • Hội chứng thận hư. Hội chứng này xảy ra khi có quá nhiều protein trong nước tiểu, dẫn đến quá ít protein trong máu. Hội chứng này có thể có liên quan đến lượng cholesterol trong máu cao và sưng hoặc phù bàn chân, bụng và mí mắt. Ngoài việc làm tổn thương thận, protein rò rỉ như vậy có thể làm tăng nguy cơ cục máu đông và nhiễm trùng.

Làm thế nào để phòng tránh viêm cầu thận?

Không có cách nào ngăn ngừa hầu hết các dạng viêm cầu thận, nhưng các bước sau có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh:

  • Tìm cách điều trị kịp thời viêm họng với triệu chứng đau họng hoặc bệnh chốc loét
  • Tuân thủ các hướng dẫn về quan hệ tình dục an toàn và tránh sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch để ngăn ngừa nhiễm trùng dẫn đến viêm cầu thận
  • Ngăn ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường và béo phì để giảm thiểu tổn thương thận
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777