Mất thính lực - Triệu chứng & Nguyên nhân

Mất thính lực là gì?

Mất thính lực là tình trạng giảm thính lực từ một rối loạn ở một hoặc nhiều bộ phận của tai. Bệnh này có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi.

Các sóng âm thường di chuyển qua ống tai ngoài và làm rung màng nhĩ. Các rung động sau đó truyền qua xương tai giữa đến ốc tai (bộ phận của tai trong giúp nghe được). Các tế bào cảm giác ốc tai nhận được các rung động và gửi tín hiệu đến dây thần kinh âm thanh (dây thần kinh thính giác) và đến não, nơi này sẽ nhận ra các tín hiệu này là âm thanh.

Sự gián đoạn trong quá trình tự nhiên này có thể dẫn đến các vấn đề về thính giác và mất thính lực.

Các dạng mất thính lực

  • Mất thính lực dẫn truyền, xảy ra khi có sự gián đoạn trong quá trình truyền sóng âm từ môi trường bên ngoài đến ốc tai. Dạng mất thính lực này có thể là do ráy tai ở tai ngoài, nhiễm trùng tai ngoài hoặc tai giữa và thủng màng nhĩ.
  • Mất thính lực thần kinh giác quan, xảy ra khi cấu trúc tai trong hoặc đường dẫn truyền thần kinh đến não bị tổn thương. Bệnh này thường gặp ở dạng mất thính lực tuổi già, khi thính lực mất dần do tuổi tác, xảy ra ở cả hai tai.
  • Mất thính lực hỗn hợp, là trường hợp mất thính lực dẫn truyền và mất thính lực thần kinh giác quan xảy ra trong cùng một tai.

Các triệu chứng của mất thính lực là gì?

Mất thính lực có thể khởi phát đột ngột hoặc từ từ và có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai tai. Các triệu chứng bao gồm:

  • Khó hiểu những điều người khác đang nói, đặc biệt là khi xung quanh có tiếng ồn
  • Nói to hơn bình thường
  • Thường yêu cầu nhắc lại nội dung trò chuyện
  • Rút khỏi các cuộc trò chuyện
  • Các triệu chứng ở tai liên quan, chẳng hạn như đau tai hoặc chảy nước tai do nhiễm trùng tai
  • Ù tai
  • Cảm giác quay cuồng

Tìm đến bác sĩ nếu bạn bị:

  • Mất thính lực ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày
  • Mất thính lực diễn biến xấu
  • Mất thính lực đột ngột
  • Mất thính lực đi kèm các triệu chứng khác ở tai như đau tai, tiết dịch, tắc nghẽn hoặc chóng mặt

Các nguyên nhân gây mất thính lực là gì?

  • Ráy tai. Ráy tai có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn tai ngoài, dẫn đến mất thính lực dẫn truyền.
  • Nhiễm trùng. Vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng ở tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài cũng thường bị nấm và tai trong có virus. Vì tai giữa nối liền với mũi qua vòi nhĩ, nhiễm trùng mũi cũng có thể ảnh hưởng đến tai giữa.
  • Tiếng ồn lớn. Trong thời gian dài, tiếng ồn lớn có thể làm hỏng dần các tế bào tai trong. Điều này có thể xảy ra trong khi làm việc hoặc thậm chí trong các hoạt động giải trí. Vô tình tiếp xúc tiếng nổ lớn cũng có thể làm tổn thương tai gần như ngay lập tức.
  • Lão hóa. Các tế bào tai trong và các cấu trúc thần kinh suy thoái theo tuổi tác.
  • Thuốc điều trị. Các loại thuốc bao gồm một số loại kháng sinh, thuốc lợi tiểu và thuốc điều trị ung thư.
  • Chấn thương. Màng nhĩ có thể vô tình bị tổn thương, chẳng hạn như khi đang làm sạch tai bằng tăm bông. Chấn thương nghiêm trọng ở đầu cũng có thể gián tiếp làm tổn thương cấu trúc tai.
  • Di truyền. Nguyên nhân di truyền có thể gây mất thính lực cho các thành viên trong gia đình.

Biến chứng và các bệnh liên quan của mất thính lực là gì?

Ở trẻ em, mất thính lực có thể ảnh hưởng đến sự phát triển âm ngữ và ngôn ngữ cũng như khả năng học tập. Ở người lớn, bệnh này có thể ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc. Những khó khăn liên tục trong giao tiếp có thể có tác động tiêu cực đáng kể đến chất lượng cuộc sống.

Biến chứng khác và các bệnh liên quan đến mất thính lực bao gồm:

  • Vấn đề sức khỏe tâm thần. Những người bị mất thính lực, đặc biệt là người lớn tuổi, có thể bị trầm cảm và cô lập vì khó khăn trong việc trò chuyện.
  • Suy giảm nhận thức. Mất thính lực cũng liên quan đến suy giảm nhận thức. Điều trị mất thính lực có thể tạo tác động tích cực đến khả năng nhận thức, đặc biệt là trí nhớ.
  • Các vấn đề ruột do căng thẳng. Bị mất thính lực có thể thực sự gây căng thẳng. Các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, khó tiêu và táo bón là các triệu chứng phổ biến của căng thẳng và lo âu.

Làm thế nào để phòng ngừa mất thính lực?

Để giúp phòng ngừa mất thính lực do tiếng ồn, hãy bảo vệ đôi tai bằng cách hạn chế thời gian và cường độ tiếp xúc với tiếng ồn, chẳng hạn như sử dụng nút bịt tai hoặc đồ che tai tại nơi làm việc. Hãy cân nhắc kiểm tra thính lực nếu bạn làm việc trong môi trường ồn ào.

Bạn cũng có thể tránh các hoạt động giải trí nguy hiểm như trượt tuyết, săn bắn, sử dụng dụng cụ điện hoặc nghe các buổi diễn nhạc rock. Giảm âm lượng nhạc hoặc giảm tiếng ồn cũng có thể giúp tránh tổn thương tai.

Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777