Bệnh bạch cầu (Ung thư máu) - Chẩn đoán và Điều trị

Chẩn đoán bệnh bạch cầu như thế nào?

Nếu bạn có những dấu hiệu hoặc triệu chứng nghi ngờ bệnh bạch cầu, bác sĩ có thể làm một số xét nghiệm chẩn đoán sau đây:

  • Xét nghiệm máu – để xác định mức độ bất thường của các tế bào hồng cầu hoặc bạch cầu hoặc tiểu cầu
  • Xét nghiệm tủy xương – để tìm các tế bào bệnh bạch cầu bằng cách lấy mẫu tủy xương từ xương chậu
  • Xét nghiệm di truyền tế bào và sinh học phân tử – để xác định đặc điểm của loại bệnh bạch cầu
  • Khám lâm sàng – để tìm các dấu hiệu bên ngoài của bệnh bạch cầu, như da nhợt nhạt do mệt mỏi kéo dài hoặc những đốm nhỏ trên da

Điều trị bệnh bạch cầu như thế nào?

Khi tiến hành điều trị, các bác sĩ sẽ dựa vào tuổi và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, loại bệnh bạch cầu mắc phải, và khả năng di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm hệ thần kinh trung ương để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Phương pháp ghép tủy xương trong điều trị bệnh bạch cầu

Ghép tủy xương, hay còn gọi là ghép tế bào gốc, là phương án duy nhất có khả năng chữa khỏi bệnh bạch cầu. Tuy nhiên, phương pháp này thường chỉ dành cho những bệnh nhân đã điều trị bằng những phương pháp khác nhưng không mang lại hiệu quả.

Ghép tủy xương tiềm ẩn nguy cơ và tỷ lệ biến chứng cao. Trong quá trình phẫu thuật cấy ghép, thuốc hóa trị liều cao sẽ được sử dụng để tiêu diệt các tế bào tạo máu trong tủy xương của bệnh nhân. Tiếp đó, tế bào gốc của người hiến tặng được truyền vào dòng máu. Những tế bào mới này sẽ tạo ra các tế bào máu mới khỏe mạnh để thay thế tế bào bệnh.

Phương pháp trị liệu sinh học

Trị liệu sinh học là phương pháp sử dụng chính hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại tế bào ung thư. Trị liệu sinh học tác động đến tế bào ung thư theo hai cơ chế:

  • Ở cơ chế đầu tiên, hệ miễn dịch được kích thích tấn công tế bào ung thư bằng nhiều cách, trong đó có tiêm hóa chất kích thích tế bào miễn dịch vào cơ thể, hoặc “huấn luyện” tế bào miễn dịch tấn công tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm trước khi đưa chúng trở lại cơ thể.
  • Ở cơ chế thứ hai, bác sĩ sẽ tác động vào tín hiệu phát ra từ các tế bào ung thư, khiến chúng dễ bị nhận diện bởi hệ miễn dịch hơn.

Có thể áp dụng trị liệu sinh học từ những giai đoạn sớm nhằm hạn chế biến chứng của các phương pháp điều trị truyền thống.

Phương pháp hóa trị trong điều trị bệnh bạch cầu

Hóa trị là phương pháp điều trị dùng thuốc có chứa những hóa chất mạnh để tiêu diệt các tế bào tăng sinh nhanh trong cơ thể. Trong điều trị bệnh bạch cầu, bệnh nhân sẽ được cho dùng kết hợp nhiều loại thuốc theo đường tiêm, uống hoặc truyền thuốc theo chu kỳ. Đây được coi là giải pháp đặc hiệu cho bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu. Hóa trị liệu có thể được chỉ định trước khi tiến hành cấy ghép tế bào gốc.

Xạ trị điều trị bệnh bạch cầu

Xạ trị là phương pháp sử dụng các tia bức xạ năng lượng cao để phá hủy tế bào ung thư. Xạ trị không phải là phương pháp điều trị chính và hiếm khi được sử dụng cho các bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu. Tuy nhiên, xạ trị vẫn được chỉ định trước khi ghép tế bào gốc, khi bệnh bạch cầu đã lan đến não, dịch tủy sống hoặc tinh hoàn, hoặc trong trường hợp cần giảm đau hoặc giảm sự khó chịu.

Biện pháp tự chăm sóc tại nhà

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu sống chung với bệnh trong suốt nhiều năm. Khi đó, chỉ điều trị trong bệnh viện là không đủ, bệnh nhân cần nắm được cả những cách thức tự chăm sóc bản thân để chiến đấu với bệnh ngay tại nhà.

Để có thể làm tốt việc tự chăm sóc tại nhà, bệnh nhân cần lưu ý:

  • Trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ gặp phải trong quá trình điều trị.
  • Không được tự ý dừng điều trị.
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn, cả về thể chất và tâm lý.
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777