Bệnh lý đường tiêu hóa trên

Một phần của: Sức khỏe đường ruột

Bệnh lý đường tiêu hóa trên thường gặp

Đường tiêu hóa (GI) trên bao gồm:

  • Khoang miệng
  • Thực quản
  • Dạ dày
  • Tá tràng (phần đầu ruột non)

Các cơ quan này thực hiện một chức năng quan trọng – đó là phân hủy thức ăn bạn nạp vào để đường tiêu hóa dưới có thể hấp thụ chất dinh dưỡng.

Các rối loạn dọc đường tiêu hóa trên thường phải được chăm sóc y tế kịp thời. Tìm hiểu về các bệnh lý ảnh hưởng đến đường tiêu hóa trên và khám phá các phương pháp điều trị và dịch vụ liên quan đến sức khỏe tiêu hóa.

Thu gọn tất cả
Mở rộng tất cả

Viêm dạ dày là tình trạng sưng niêm mạc dạ dày. Khi niêm mạc dạ dày bị viêm, bạn có thể gặp các triệu chứng như:

  • Đau dạ dày
  • Buồn nôn
  • Nôn

Nếu không được điều trị, viêm dạ dày có thể dẫn đến các biến chứng nặng.

Tìm hiểu thêm về viêm dạ dày và phương pháp điều trị.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), còn gọi là trào ngược axit hoặc ợ nóng, là bệnh tiêu hóa mạn tính. Bệnh xảy ra khi axit trong dạ dày tràn ngược (trào ngược) lên thực quản (ống dẫn thức ăn). Axit dạ dày thậm chí có thể tràn vào dây thanh hoặc phổi trong trường hợp nặng.

Tình trạng trào ngược axit này gây ợ nóng hay cảm giác nóng rát ở ngực lan từ dạ dày đến cổ họng.

Trào ngược axit hiếm khi xảy ra nhưng hoàn toàn bình thường khi thỉnh thoảng xuất hiện. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra trên hai lần một tuần trong vài tuần, đó có thể là dấu hiệu của GERD.

Tìm hiểu thêm về GERD và phương pháp điều trị.

Loét dạ dày - tá tràng là vết loét xuất hiện trong niêm mạc dạ dày và phần trên của ruột non. Các vết loét này bao gồm:

  • Loét dạ dày xuất hiện bên trong dạ dày
  • Loét tá tràng xuất hiện bên trong phần trên của ruột non.

Các vết loét gây đau này xuất hiện khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương do dịch axit tiêu hóa, Helicobacter pylori (một loại nhiễm trùng dạ dày do vi khuẩn) hoặc một số loại thuốc.

Nếu không được điều trị, loét dạ dày - tá tràng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm xuất huyết dạ dày và thủng (rách) thành dạ dày.

Tìm hiểu thêm về loét dạ dày - tá tràng và phương pháp điều trị.

Ung thư dạ dày là sự phát triển bất thường của các mô trong dạ dày. Ung thư dạ dày thường bắt đầu từ các tế bào nằm trên lớp niêm mạc bên trong dạ dày. Ung thư có thể tạo thành khối u hoặc vết loét trong dạ dày hoặc lan qua thành dạ dày.

Ung thư dạ dày giai đoạn đầu thường không biểu hiện triệu chứng. Khi ung thư tiến triển, các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Chán ăn
  • Đau bụng mạn tính
  • Nôn hoặc buồn nôn kéo dài
  • Phân đen, là dấu hiệu của xuất huyết
  • Sụt cân
  • Thiếu máu

Tìm hiểu thêm về ung thư dạ dày và phương pháp điều trị.

Khó tiêu thường được mô tả là tình trạng khó chịu hoặc đau ở vùng bụng trên. Khó tiêu thường xảy ra do dạ dày và một phần của ruột non hoạt động bất thường. Nhìn chung, cứ khoảng 4 người trưởng thành thì có 1 người đã từng bị khó tiêu.

Nếu bị khó tiêu, bạn có thể nhận thấy các triệu chứng sau khi ăn:

  • Ợ thường xuyên
  • Sưng bụng
  • Đau vùng bụng trên
  • Cảm thấy no khi vừa mới ăn được một chút
  • Chướng bụng
  • Buồn nôn

Xuất huyết đường tiêu hóa không phải là bệnh mà là dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hóa có vấn đề. Xuất huyết đường tiêu hóa có thể:

  • Rõ ràng, nghĩa là quan sát được. Tình trạng này bao gồm nôn ra máu, đi ngoài phân đen, giống hắc ín và xuất huyết trực tràng.
  • Ẩn, nghĩa là không quan sát được. Xuất huyết đường tiêu hóa ẩn có thể dẫn đến choáng váng, ngất xỉu, khó thở, đau ngực và đau bụng.

Nhiều chứng rối loạn đường tiêu hóa có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa. Quan trọng là phải đi khám để tìm ra vị trí và nguyên nhân gây xuất huyết.

Tìm hiểu thêm về xuất huyết đường tiêu hóa.

Đau bụng cấp là tình trạng đột ngột xuất hiện cơn đau dữ dội ở vùng bụng. Bạn cũng có thể cảm thấy buồn nôn hoặc nôn kèm với cơn đau.

Đau bụng cấp là dấu hiệu của các vấn đề ở hệ tiêu hóa, chẳng hạn như:

  • Nhiễm trùng
  • Viêm
  • Tắc nghẽn đường tiêu hóa.

Bệnh lý này phải được chăm sóc và điều trị y tế khẩn cấp để xác định và khắc phục nguyên nhân gây đau.

Trang này đã được kiểm duyệt.