• Gleneagles Singapore
  • Tổng quan

    Đường dây hỗ trợ Tai nạn và Cấp cứu (A&E) 24/24 của Gleneagles Singapore

    Đường dây hỗ trợ Tai nạn và Cấp cứu (A&E) 24/24 của Gleneagles Singapore: +65 6470 5688

    Gleneagles Singapore 24-Hour A&E Helpline:

     


    Điều trị nhanh chóng trong trường hợp y tế khẩn cấp.


    Khoa tai nạn và cấp cứu của chúng tôi cung cấp chăm sóc y tế tức thì cho những trường hợp khẩn cấp nguy kịch và đe dọa tính mạng cũng như điều trị các vấn đề y tế khẩn cấp cho bệnh nhân trong suốt 24 giờ mỗi ngày, 365 ngày mỗi năm. Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa y tế của chúng tôi được đào tạo bài bản để xử trí các trường hợp khẩn cấp.

    Thời gian chờ trung bình tại khoa A&E của chúng tôi là 30 phút.

    Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa đa ngành của chúng tôi cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng và được thiết kế riêng để điều trị các tình trạng như (nhưng không giới hạn ở):

    Tìm hiểu thêm về 3 tình trạng mà chúng tôi thường điều trị và những việc cần làm trước khi đến khoa A&E.

    Quay lại đầu trang

    Đau bụng

    Đau bụng

    Sình bụng, khó tiêu, ăn quá nhiều, nhiễm trùng do vi-rút hoặc vi khuẩn đều có thể là nguyên nhân gây đau bụng tạm thời, thường được gọi là đau bụng. Trong một số trường hợp hiếm gặp hơn, cơn đau này là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn, ví dụ như viêm ruột thừa, loét, sỏi mật hoặc sỏi thận. Trong những trường hợp này, cơn đau có xu hướng xảy ra đột ngột và có thể trở nên rất dữ dội.

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • cơn đau của bạn xảy ra đột ngột hoặc dữ dội và kéo dài hơn một giờ, hoặc liên tục khởi phát rồi lại hết đau trong hơn 24 giờ
    • Bạn không thể ngừng nôn hoặc nôn ra máu
    • Bạn đi ngoài ra máu hoặc phân đen
    • Bạn bị tiêu chảy
    • Bạn không ăn/uống được trong nhiều giờ liền
    • Bạn bị sốt cao hơn 39ºC

    Sau đây là những việc bạn có thể làm trước khi đến khoa A&E:

    • Thường xuyên uống từng ngụm nước để duy trì đủ nước cho cơ thể trừ khi bạn nghi ngờ mình bị viêm ruột thừa.
    • Tránh sử dụng trà, cà phê và đồ uống có cồn vì những sản phẩm này có thể khiến cơn đau trầm trọng hơn.
    • Đặt một chai nước nóng hoặc túi chườm ấm lên vùng bụng của bạn. Hãy cẩn thận để tránh bị bỏng.
    • Đối với những cơn đau dữ dội, bạn có thể dùng thuốc giảm đau nhẹ như paracetamol. Tránh sử dụng aspirin hoặc các thuốc kháng viêm khác trừ khi được bác sĩ tư vấn.
    Quay lại đầu trang

    Cảm lạnh và cúm

    Cảm lạnh và cúm

    Có hàng trăm loại vi-rút có thể gây cảm lạnh thông thường. Các loại vi-rút này gây nhiễm trùng ở mũi và họng, ảnh hưởng đến đường mũi và gây nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi. Các triệu chứng khác có thể bao gồm hắt hơi, chảy nước mắt, đau họng và ho.

    Trong khi đó, cúm có nguyên nhân từ những loại vi-rút khác với cảm lạnh và có thể có mức độ nghiêm trọng hơn. Thông thường, người nhiễm cúm sẽ bị sốt, đau đầu, đau nhức người, mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng và buồn nôn.

    Nếu bạn bị cảm lạnh hoặc cúm, hãy uống nhiều chất lỏng và nghỉ ngơi nhiều.

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • Bạn được bác sĩ đa khoa (GP) giới thiệu
    • Bạn có tiền sử bệnh án như đái tháo đường, bệnh tim, bệnh phổi hoặc bệnh thận
    Quay lại đầu trang

    Vết cắt và bầm tím

    Vết cắt và bầm tím

    Bất kỳ ai cũng có thể bị những vết cắt và vết xước nhỏ làm tổn thương bề mặt da. Tùy thuộc vào độ nặng của tổn thương, những vết cắt và vết xước này có thể chảy máu, chuyển đỏ hoặc để lại sẹo. Nếu bạn tự cắt vào người, hãy rửa vết cắt dưới vòi nước sạch và làm sạch vết thương bằng dung dịch sát khuẩn nếu có. Loại bỏ tất cả các chất ngoại lai ra khỏi vết thương, sau đó, dùng gạc sạch nhẹ nhàng thấm khô vùng tổn thương rồi dán băng keo cá nhân hoặc quấn băng cuộn để giữ vết thương luôn sạch.

    Bầm tím là một loại tổn thương da thường gặp khác khiến da bị biến màu. Khi bạn va vào một thứ gì đó, các mạch máu nhỏ sẽ vỡ ra và tích tụ lại dưới bề mặt da, hình thành một vết đỏ mà sau vài giờ sẽ chuyển thành màu xanh thẫm hoặc tím. Sau vài ngày, vết bầm tím có thể chuyển sang màu vàng trước khi biến mất hoàn toàn.

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • vết cắt sâu và không ngừng chảy máu
    • Bạn phát triển tình trạng nhiễm trùng, nghĩa là bị sốt và đồng thời bị sưng, đau hoặc có mủ trong vết thương
    • Bạn bị đánh vào đầu
    • Bạn cảm thấy chóng mặt, buồn nôn hoặc như mình sắp ngất
    Quay lại đầu trang

    Sốt

    Sốt

    Nếu thân nhiệt lớn hơn 37,4°C thì nghĩa là bạn đang bị sốt. Đây có thể là dấu hiệu nền của một tình trạng khác, ví dụ như nhiễm trùng hoặc bệnh, hoặc có thể xảy ra do quá nóng hoặc mất nước. Sốt có thể đi kèm với đau đầu, mất cảm giác ngon miệng, đau nhức người, run rẩy, vã mồ hôi hoặc suy nhược và nóng bừng mặt.

    Đối với những cơn sốt nhẹ, hãy đảm bảo đủ nước cho cơ thể và nghỉ ngơi nhiều.

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • Bạn bị khó thở (đặc biệt là ở trẻ em)
    • Bạn bị đau ngực dữ dội
    • Bạn bị đau đầu dữ dội
    • Bạn ho ra máu
    • Bạn bị co giật, kèm theo sốt
    • mang thai
    • Bạn đến Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ La-tinh hoặc Trung Đông trong thời gian gần đây
    • Bạn vừa được phẫu thuật hoặc trải qua một thủ thuật y tế
    • Bạn thường bị nhiễm trùng
    • Bạn đang được điều trị hóa trị và có thân nhiệt đo ở miệng cao hơn 38ºC trong hơn 1 giờ
    • Bạn đang dùng steroid và các loại thuốc chống thải ghép sau khi ghép tạng
    • Bạn mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tim, ung thư, bệnh lupus hoặc thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm
    • bị sốt kèm theo 1 hoặc nhiều tình trạng dưới đây:
      • Phát ban
      • Khó thở
      • Đau đầu hoặc đau cổ dữ dội
      • Co giật hoặc lú lẫn
      • Nôn hoặc tiêu chảy nặng
      • Đau dữ dội ở bụng, lưng hoặc bên sườn

    Sau đây là những việc bạn có thể làm trước khi đến khoa A&E:

    • Mặc quần áo nhẹ, thoải mái.
    • Áp túi chườm lạnh vào cổ, nách hoặc trán.
    • Uống nước hoặc ngậm các miếng đá nhỏ để bổ sung chất lỏng bị mất do vã mồ hôi. Khuyến nghị nên sử dụng dung dịch điện giải cho trẻ nhỏ.
    • Người trưởng thành có thể dùng các loại thuốc hạ sốt như paracetamol, ibuprofen hoặc aspirin. Đối với trẻ em, cần cho dùng đúng liều paracetamol tùy theo độ tuổi và cân nặng của trẻ.

      (Lưu ý: Không được cho trẻ em và trẻ trong độ thiếu niên dùng aspirin hoặc cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi dùng ibuprofen.)
    Quay lại đầu trang

    Đau đầu

    Đau đầu

    Đau đầu là một tình trạng thường gặp. Nếu thỉnh thoảng bạn bị đau đầu thì đó thường không phải là nguyên nhân lớn đáng quan ngại. Đau đầu trong trường hợp này có thể là do căng thẳng, thiếu ngủ, đói, cúm, các vấn đề về xoang, mất nước hoặc dị ứng. Khi bạn bị đau đầu, hãy nghỉ ngơi cho đến khi hết đau và dùng thuốc giảm đau do GP hoặc dược sĩ của bạn khuyến nghị.

    Nếu bạn bị đau đầu đột ngột hoặc dữ dội, hoặc bị đau do chấn thương đầu, hãy tìm kiếm chăm sóc y tế ngay tức thì.

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • Bạn bị nói lắp
    • Bạn cảm thấy yếu hoặc tê ở các chi
    • Bạn bị đau cứng cổ
    • Bạn bị co giật
    • Bạn thấy đau đầu như búa bổ, hoặc cảm thấy đó là cơn đau đầu dữ dội nhất bạn từng trải qua trong đời
    Quay lại đầu trang

    Mề đay

    Mề đay

    Mề đay có thể làm xuất hiện đột ngột các nốt phát ban đỏ, gây ngứa. Tình trạng này có thể xảy ra ở một vùng trên cơ thể hoặc lan rộng hơn. Thông thường, một đợt bùng phát sẽ kéo dài trong vài giờ, tuy nhiên, thỉnh thoảng có thể kéo dài lâu hơn, đôi khi lên đến vài tháng.

    Không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân rõ ràng cho một đợt bùng phát mề đay, tuy nhiên, tình trạng này có thể xảy ra do căng thẳng, côn trùng cắn hoặc phản ứng dị ứng.

    Nếu bạn bị mề đay, hãy cố gắng không gãi vì nếu làm vậy có thể khiến vùng bệnh bị viêm nặng hơn và dẫn đến nhiễm trùng. Thay vào đó, hãy giữ cho da thoáng mát, chườm túi nước đá và mặc quần áo nhẹ, rộng rãi để tránh gây kích ứng thêm.

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • mắt, môi, lưỡi hoặc họng của bạn bị sưng
    • Bạn bị khó thở hoặc khó nuốt
    • Bạn bị đau dạ dày hoặc tiêu chảy
    Quay lại đầu trang

    Côn trùng cắn và đốt

    Côn trùng cắn và đốt

    Côn trùng cắn thường sẽ gây ra vết sưng, đỏ trên da và có thể gây ngứa. Vết côn trùng cắn có xu hướng tự khỏi sau vài ngày và do đó thường không cần đến chăm sóc y tế. Thay vào đó, hãy chườm túi nước đá để giảm sưng và cố gắng không gãi vùng tổn thương vì nếu làm vậy có thể gây nhiễm trùng.

    Trong một số trường hợp hiếm gặp hơn, vết cắn hoặc vết đốt có thể kích thích phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Trong những trường hợp này, hãy tìm kiếm chăm sóc y tế tức thì.

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • Bạn bị đốt từ 3 lần trở lên, hoặc bị đốt ở vùng miệng
    • cảm thấy ngứa ở các bộ phận khác trên cơ thể, ví dụ như ở mặt
    • Bạn bị khó thở
    • Bạn cảm thấy buồn nôn, bị nôn hoặc bị tiêu chảy
    • tim bạn đập rất nhanh
    • Bạn cảm thấy chóng mặt, kích động hoặc lú lẫn
    • da của bạn tái đi rất nhiều
    Quay lại đầu trang

    Bỏng nhiệt khô và bỏng nhiệt ướt độ nhẹ

    Bỏng nhiệt khô và bỏng nhiệt ướt độ nhẹ

    Bỏng nhiệt khô và bỏng nhiệt ướt là một số thương tổn tại nhà thường gặp nhất. Hơi nước, chất lỏng nóng và hóa chất đều có thể khiến da bị bỏng nhiệt ướt, trong khi đó, lửa và kim loại nóng có thể gây bỏng nhiệt khô. Cả hai dạng bỏng này đều có thể cần đến chăm sóc y tế khẩn cấp nếu chúng ở mức độ nặng hoặc lan ra một vùng lớn.

    Bỏng nhiệt khô được phân loại thành độ 1, độ 2 hoặc độ 3. Ở bỏng nhiệt khô độ 1, da thường bị tấy đỏ, trong khi bỏng nhiệt khô độ 2 có xu hướng gây rộp da. Bỏng nhiệt khô độ 3 có mức độ nghiêm trọng hơn và khiến da chuyển màu trắng hoặc trở nên thô cứng. Đối với bỏng nhiệt khô độ 2 và 3, phải luôn tìm kiếm điều trị y tế tức thì.

    Trong trường hợp bỏng nhiệt khô hoặc bỏng nhiệt ướt độ nhẹ, cần cởi bỏ hết quần áo và đồ trang sức gần vùng bị bỏng, trừ khi chúng dính vào vết thương. Xối nước lạnh lên toàn bộ vùng bị bỏng trong ít nhất 10 phút (không dùng đá hoặc nước đá).

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • vết bỏng của bạn trải rộng trên một vùng lớn hơn bàn tay của quý vị
    • bạn bị bỏng ở mũi, miệng, họng, mắt, tai hoặc vùng bộ phận sinh dục
    • bạn bị bỏng do hóa chất, điện hoặc sét
    • da bạn chuyển màu trắng, thô cứng hoặc cháy đen
    Quay lại đầu trang

    Buồn nôn và nôn

    Buồn nôn và nôn

    Khi dạ dày của bạn khó chịu và bạn cảm thấy muốn nôn, tình trạng này được gọi là buồn nôn. Cảm giác khó chịu này có thể xảy ra do rất nhiều bệnh thường gặp, bao gồm nhiễm trùng do vi-rút, dị ứng thức ăn, say tàu xe, mang thai hoặc thậm chí chỉ là do ăn quá nhiều.

    Nếu cảm thấy buồn nôn, bạn hãy uống từng ngụm nước nhỏ và cố gắng ăn một khẩu phần nhỏ thức ăn nhẹ, thanh đạm để làm dịu đi phần nào cảm giác khó chịu. Nếu bạn vẫn bị nôn, hãy đảm bảo đủ nước cho cơ thể và không ăn cho đến khi có thể ăn mà không bị nôn.

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • Bạn còn bị đau dạ dày, đau ngực, đau bụng hoặc đau đầu dữ dội
    • Bạn còn bị sốt cao hơn 38ºC
    • Bạn bị nôn sau một chấn thương đầu
    • Bạn nôn ra máu hoặc chất trông giống bã cà phê
    • Bạn đại tiện ra máu hoặc đại tiện ra phân đen như hắc ín
    • Bạn bị đau đầu dữ dội hoặc đau cứng cổ
    • Bạn cảm thấy rất mệt mỏi hoặc khó khăn khi đứng lên
    • Bạn bị mất nước nghiêm trọng, ví dụ, bạn cảm thấy rất khát, chóng mặt hoặc bị khô miệng. Các dấu hiệu mất nước bao gồm:
      • Cảm thấy rất mệt mỏi
      • Rất khát, hoặc bị khô miệng hoặc khô lưỡi
      • Chuột rút
      • Chóng mặt
      • Lú lẫn
      • Nước tiểu có màu vàng sẫm, hoặc không có nhu cầu đi tiểu trong hơn 5 giờ đồng hồ

    Sau đây là những việc bạn có thể làm trước khi đến khoa A&E:

    • Mang theo túi nôn dùng một lần.
    • Nghỉ ngơi bằng cách ngồi thẳng hoặc dựa người ở tư thế nằm với đầu được nâng lên.
    • Không tự ép mình phải ăn.
    • Uống từ từ từng ngụm nước nhỏ và tránh sử dụng bất kỳ loại đồ uống nào có chứa cafein hoặc có ga. Nếu bạn có thể uống chất lỏng mà không bị nôn, hãy thử dùng dung dịch bù nước đường uống để bổ sung lượng chất điện giải đã mất khi nôn.
    • Tránh ăn đồ ăn giàu chất béo và nhiều dầu mỡ.
    Quay lại đầu trang

    Chảy máu mũi

    Chảy máu mũi

    Chảy máu mũi là tình trạng rất thường gặp, xảy ra khi các mạch máu mỏng manh trong mũi vỡ ra. Không khí khô là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này, tuy nhiên cũng có các nguyên nhân khác bao gồm phản ứng dị ứng, chấn thương mũi, xì mũi hoặc hắt hơi thường xuyên, và ngoáy mũi.

    Máu mũi có thể chảy ít hoặc nhiều ở một hoặc cả hai lỗ mũi, và có thể kéo dài trong vài giây hoặc đôi khi là vài phút. Nếu bạn bị chảy máu mũi, hãy ngồi xuống và ngả người về phía trước, bóp vào vị trí ngay phía trên hai lỗ mũi cho đến khi máu ngừng chảy.

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • Bạn bị chảy máu mũi do chấn thương, ví dụ như bị đấm hoặc đánh bằng một vật nào đó
    • bạn không ngừng chảy máu mũi sau 20 phút
    Quay lại đầu trang

    Đau mắt

    Đau mắt

    Viêm kết mạc là tình trạng viêm lớp mô mỏng bao phủ phía trước mắt. Các triệu chứng có thể bao gồm mắt đỏ, ngứa và đau, cũng như dính lông mi và cảm giác có gì đó trong mắt.

    Viêm kết mạc có thể xảy ra do bất kỳ tác nhân nào, từ vi khuẩn hoặc vi-rút cho đến khói thuốc, phấn hoa, bụi hoặc các phản ứng dị ứng khác. Tình trạng này có khả năng lây nhiễm cao, do đó, không nên dùng chung khăn mặt, gối hoặc đồ trang điểm với người khác, đồng thời nên rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước.

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • thị lực của bạn bị ảnh hưởng, ví dụ như mắt mờ hoặc nhạy cảm với ánh sáng
    • mắt của bạn bị tiếp xúc với hóa chất
    Quay lại đầu trang

    Căng cơ và bong gân

    Căng cơ và bong gân

    Tình trạng căng hoặc rách cơ hay gân được gọi là căng cơ, trong khi tình trạng căng hoặc rách dây chằng được gọi là bong gân. Căng cơ là một chấn thương thường gặp ở chân và lưng, còn bong gân chủ yếu xảy ra ở đầu gối, mắt cá chân và cổ tay.

    Chấn thương ở cơ, gân hoặc dây chằng có thể dẫn đến đau, sưng, bầm tím, đau nhức và chuyển động hạn chế. Dạng căng cơ hoặc bong gân này thường xảy ra khi bạn vận động.

    Điều trị vùng chấn thương bằng liệu pháp PRICE:

    • Bảo vệ (Protect)
    • Nghỉ ngơi (Rest)
    • Đá lạnh (Ice)
    • Băng chặt bằng băng cuộn đàn hồi (Compress with an elastic bandage)
    • Nâng lên cao hơn tim nếu có thể (Elevate above heart level when you can)

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • chấn thương khiến chi / khớp của bạn bị biến dạng
    • Bạn bị đau dữ dội
    • Bạn được bác sĩ đa khoa (GP) giới thiệu

    Sau đây là những việc bạn có thể làm trước khi đến khoa A&E:

    • Không dồn trọng lượng lên vùng bị chấn thương.
    • Tiếp tục chườm lạnh vùng bị chấn thương bằng túi nước đá bọc trong khăn ướt. Mỗi lần chườm khoảng 15 – 20 phút. Lặp lại sau mỗi 2 – 3 giờ.
    • Tránh tập thể dục, chườm nóng, sử dụng đồ uống có cồn và xoa bóp vì có thể khiến tình trạng sưng thêm trầm trọng.
    • Nếu bị đau dữ dội, bạn có thể dùng thuốc giảm đau ví dụ như paracetamol.
    Quay lại đầu trang

    Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)

    Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)

    UTI là một tình trạng rất thường gặp, đặc biệt là ở phụ nữ, gây ra do vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu. Mặc dù tình trạng này thường không kéo dài quá 24 hoặc 48 giờ, nhưng các triệu chứng có thể gây đau và bao gồm cảm giác nóng rát khi đi tiểu, đau dạ dày, có máu trong nước tiểu và mót tiểu thường xuyên hơn bình thường.

    Để loại bỏ vi khuẩn, hãy uống nhiều nước và đi vệ sinh khi có nhu cầu.

    Trong một số trường hợp hiếm gặp hơn, nhiễm trùng đường tiết niệu gây nhiễm trùng thận nghiêm trọng hơn, đòi hỏi phải được chăm sóc y tế tức thì.

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • Bạn bị đau dữ dội hoặc nhạy cảm đau ở lưng hoặc sườn
    • Bạn bị sốt cao
    • Bạn cảm thấy buồn nôn hoặc bị nôn
    Quay lại đầu trang

    Hen suyễn

    Hen suyễn

    Thở khò khè, tức ngực, ho và thở ngắn đều là những triệu chứng thường gặp của hen suyễn. Mặc dù nguyên nhân gây bệnh khác nhau đối với mỗi người, nhưng tình trạng này thường xảy ra do tập thể dục, phấn hoa, nấm mốc, các chất gây ô nhiễm không khí như sương mù, dị ứng với vật nuôi, mạt bụi nhà, hút thuốc và nhiễm trùng, ví dụ như ho và cảm lạnh.

    Trong trường hợp lên cơn hen suyễn, việc giữ bình tĩnh sẽ giúp bạn điều hòa hô hấp. Hãy ngồi xuống và cố gắng hít thở chậm rãi, đều đặn.

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • các triệu chứng của bạn trở nên trầm trọng hơn
    • Bạn không mang theo dụng cụ hít bên người hoặc Bạn chưa được kê đơn sử dụng dụng cụ này
    • Bạn không thấy khỏe hơn sau khi dùng dụng cụ hít hoặc thuốc được kê đơn
    Quay lại đầu trang

    Bệnh gout cấp tính

    Bệnh gout cấp tính

    Dư thừa axít uric trong máu có thể gây bệnh gout, một dạng bệnh viêm khớp. Tuy axít uric được hình thành tự nhiên trong cơ thể, nhưng việc ăn quá nhiều thịt đỏ, nội tạng, hải sản hoặc thường xuyên lạm dụng đồ uống có cồn có thể dẫn đến tích tụ axít uric và gây ra bệnh này.

    Thông thường, bệnh gout gây sưng đau ở ngón chân cái, mắt cá chân, gót chân hoặc đầu gối. Trong một số trường hợp hiếm gặp hơn, bệnh gây sưng ở các khớp khác trên cơ thể. Việc dùng thuốc giảm đau kháng viêm có thể giúp xoa dịu cơn đau, đồng thời, việc ăn nhiều rau tươi, uống nhiều nước và giảm tiêu thụ đồ uống có cồn, thịt đỏ và hải sản cũng có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện cơn gout cấp tính trong tương lai.

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • Bạn bị đau dữ dội
    • Bạn bị sốt cao
    • Bạn được bác sĩ đa khoa (GP) giới thiệu
    Quay lại đầu trang

    Sốt xuất huyết Dengue

    Sốt xuất huyết Dengue

    Với con đường lây truyền qua muỗi đốt, sốt xuất huyết dengue là một loại vi-rút thường gặp có thể gây sốt (thường kéo dài hơn 2 ngày), phát ban, đau đầu, đau người và khớp và đau dạ dày. Cách tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan của sốt xuất huyết dengue là sử dụng biện pháp chống muỗi ở những khu vực có nguy cơ cao.

    Trong một số trường hợp hiếm gặp hơn, các biến chứng của sốt xuất huyết dengue có thể làm tổn thương vĩnh viễn các mạch máu hoặc cơ quan trong cơ thể bạn. Các biến chứng này thường gặp hơn ở những người mắc các bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch, hoặc những người đã từng bị sốt xuất huyết dengue trước đó. Nếu bạn bị muỗi đốt và gặp phải những triệu chứng này, tốt nhất bạn nên tìm kiếm chăm sóc y tế.

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • Bạn cảm thấy rất không khỏe
    • Bạn cảm thấy tệ hơn trong 24 giờ sau khi hạ sốt
    • Bạn xuất hiện triệu chứng chảy máu (ví dụ như chảy máu nướu răng, hành kinh, bầm tím tự phát)
    • Bạn được bác sĩ đa khoa (GP) giới thiệu
    Quay lại đầu trang

    Chóng mặt

    Chóng mặt

    Khi bạn cảm thấy phòng ốc xung quanh đang xoay tròn, cảm giác này được gọi là chóng mặt. Đôi khi tình trạng này đi kèm với buồn nôn, nôn hoặc ù tai. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây chóng mặt, tuy nhiên, viêm mê đạo tai (một bệnh nhiễm trùng tai trong) là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất vì nó ảnh hưởng đến các dây thần kinh trong tai mà cơ thể dùng để giữ thăng bằng.

    Trong một số trường hợp hiếm gặp hơn, chóng mặt là dấu hiệu của bệnh lý thần kinh nghiêm trọng ví dụ như đột quỵ.

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • Bạn gặp khó khăn khi nói hoặc nuốt
    • khuôn mặt của Bạn bị xệ
    • Bạn cảm thấy tê hoặc yếu ở chân và tay
    • Bạn khó giữ thăng bằng
    • Bạn bị chấn thương cổ gần đây
    Quay lại đầu trang

    Viêm ruột thừa

    Viêm ruột thừa

    Ruột thừa là một ống nhỏ cấu tạo từ các mô nằm bên trong ruột già. Chức năng của ống này chưa được biết đến, và nếu không có nó chúng ta vẫn sống được. Nếu ống này bị tắc và sau đó bị viêm, tình trạng đó được gọi là viêm ruột thừa. Đây được xem là một trường hợp y tế khẩn cấp và thường cần phẫu thuật tức thì để cắt bỏ ruột thừa.

    Nếu không được điều trị, ruột thừa có thể vỡ ra và làm rỉ dịch vào trong ruột, khiến nhiễm trùng lan ra và có thể gây tử vong.

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • Bạn bị đau âm ỉ hoặc đau nhói ở dạ dày hoặc ở bên phải vùng bụng
    • Bạn không có cảm giác thèm ăn
    • Bạn cảm thấy buồn nôn hoặc bị nôn
    • Bạn bị sốt
    Quay lại đầu trang

    Sỏi mật

    Sỏi mật

    Túi mật là một cơ quan nhỏ ở dưới gan có chức năng tiết ra mật, một loại dịch tiêu hóa mà ruột sử dụng để phân giải thức ăn giàu chất béo. Sỏi mật là các cục vật chất nhỏ hình thành bên trong túi mật, dẫn đến tắc nghẽn. Các triệu chứng có thể bao gồm đau bụng hoặc đau lưng, với mức độ từ nhẹ đến nặng, cũng như buồn nôn và nôn.

    Sỏi mật thường xuất hiện do tích tụ quá nhiều cholesterol. Đôi khi, nguyên nhân gây bệnh là do các tình trạng mạn tính ví dụ như bệnh gan hoặc thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm. Bạn sẽ có nguy cơ phát triển sỏi mật cao hơn nhiều nếu bạn bị béo phì, đái tháo đường, có tiền sử gia đình bị sỏi mật, sử dụng viên thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hoóc-môn hoặc đang mang thai.

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • Bạn bị đau dai dẳng (kéo dài hơn 2 giờ)
    • Bạn bị sốt
    • Bạn bị ngứa hoặc vàng da (củng mạc hoặc da có màu vàng)
    • nhịp tim của Bạn tăng đáng kể
    • Bạn bị lú lẫn hoặc kích động
    Quay lại đầu trang

    Sỏi thận

    Sỏi thận

    Sỏi thận là những cục nhỏ có hình dạng giống viên đá cuội, được cấu tạo từ muối hoặc khoáng chất và hình thành trong nước tiểu. Chúng có thể nằm bên trong thận hoặc di chuyển qua phần còn lại của đường tiết niệu (ống nối thận với bàng quang, qua bàng quang rồi ra khỏi cơ thể). Nguyên nhân thường gặp nhất là không uống đủ nước.

    Sỏi thận có thể không gây đau khi còn ở trong thận, nhưng chúng có thể gây đau đột ngột, dữ dội khi di chuyển qua đường tiết niệu.

    Hãy đến phòng khám 24/24 của chúng tôi nếu:

    • Bạn bị đau đột ngột hoặc dữ dội ở sườn, bụng hoặc háng
    • có máu trong nước tiểu của bạn
    • bạn buồn nôn hoặc nôn

    Nhập viện

    Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa y tế tại phòng khám 24/24 của chúng tôi luôn túc trực sẵn sàng. Vui lòng báo cho quầy làm thủ tục nhập viện nếu bạn muốn được chăm sóc bởi một bác sĩ chuyên khoa theo yêu cầu làm việc tại bệnh viện chúng tôi.

    Hóa đơn và Bảo hiểm

    Bạn có thể đã tham gia một chương trình bảo hiểm tai nạn cá nhân, chương trình bảo hiểm nằm viện toàn diện hoặc bảo hiểm du lịch để chi trả cho các chi phí thăm khám tại phòng khám 24/24 của chúng tôi (hoặc tại phòng khám A&E). Nếu vậy, hãy đọc những lời khuyên dưới đây để đảm bảo quá trình yêu cầu bồi thường diễn ra suôn sẻ:

    1. Nếu bạn tham gia một chương trình bảo hiểm quốc tế hoặc theo doanh nghiệp, hãy trao đổi trước với đơn vị cung cấp bảo hiểm để kiểm tra xem có thể áp dụng hình thức gửi hóa đơn trực tiếp cho công ty bảo hiểm không.

    2. Giữ lại toàn bộ hồ sơ và biên nhận để hỗ trợ cho yêu cầu bồi thường của bạn

    3. Kiểm tra xem giấy yêu cầu bồi thường gửi đến đơn vị cung cấp bảo hiểm của bạn có cần được bác sĩ hoàn thành trước khi xuất viện không.

    Trong trường hợp y tế khẩn cấp, nếu bạn nhập viện ở một bệnh viện khác sau khi đến thăm khám tại phòng khám 24/24 của chúng tôi, vui lòng liên hệ với quầy làm thủ tục nhập viện hoặc gọi đến số +65 6812 3776 để kiểm tra xem phạm vi bảo hiểm của bạn có đủ điều kiện để áp dụng hình thức gửi hóa đơn trực tiếp cho công ty bảo hiểm hoặc sử dụng dịch vụ nhập/xuất viện không cần thanh toán không.

    Thời gian chờ

    Thời gian chờ gặp bác sĩ trung bình tại phòng khám A&E 24/24 của chúng tôi là khoảng 30 phút. Đây là con số ước tính và chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin.

    Thời gian chờ phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm độ nặng của tình trạng y khoa của bệnh nhân và số lượng bệnh nhân tại phòng khám A&E. Ưu tiên của chúng tôi là cung cấp chăm sóc cho những trường hợp nguy kịch nhất trước tiên.

    Việc đánh giá tình trạng của bệnh nhân được thực hiện ở bước phân loại. Những bệnh nhân có dấu hiệu khẩn cấp sẽ được ưu tiên chăm sóc trước những trường hợp không khẩn cấp và không đòi hỏi chăm sóc y tế tức thì.

    Dịch vụ xe cứu thương Parkway

    Bệnh viện của chúng tôi được hỗ trợ bởi Dịch vụ xe cứu thương Parkway nhằm cung cấp dịch vụ vận chuyển y tế khẩn cấp và không khẩn cấp. Vui lòng truy cập trang Dịch vụ xe cứu thương và vận chuyển đặc biệt để biết thêm thông tin.