Phục hồi chức năng sau đột quỵ: Chìa khóa để bạn hồi phục?

Nguồn: Shutterstock

Phục hồi chức năng sau đột quỵ: Chìa khóa để bạn hồi phục?

Cập nhật lần cuối: 28 Tháng Năm 2019 | 5 phút - Thời gian đọc

Hai người sẽ không có trải nghiệm hoàn toàn giống nhau với cùng một cơn đột quỵ. Phục hồi chức năng nhanh chóng và sự hỗ trợ tốt từ gia đình là rất cần thiết để bệnh nhân mau chóng bình phục sau khi tình trạng sức khỏe đã ổn định. Tìm hiểu các lựa chọn của bạn trong việc đẩy nhanh tốc độ phục hồi sau đột quỵ.

Đột quỵ là gì?

Những điều xảy ra trong đột quỵ thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết

Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến não bị tắc nghẽn do cục máu đông (đột quỵ thiếu máu cục bộ) hoặc do vỡ mạch máu (đột quỵ xuất huyết). Khi bị đột quỵ, phần cơ thể ở phía đối diện với khu vực não bộ tổn thương có thể bị yếu đi hoặc tê liệt. Kích cỡ và vị trí tổn thương sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ và mức độ hồi phục của người bệnh.

Hồi phục sau đột quỵ

Phương pháp điều trị đột quỵ phụ thuộc vào loại đột quỵ và vị trí của cục máu đông, vật cản, hoặc nơi mạch máu bị vỡ gây đột quỵ. Đột quỵ là trường hợp cấp cứu và bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất, một trong số đó là thuốc kháng đông, ngay khi xác định được nguyên nhân, để giảm thiểu đến mức thấp nhất tổn thương cho tế bào não – vốn có thể xảy ra chỉ trong vài phút sau cơn đột quỵ.

Phục hồi chức năng sau đột quỵ

Phục hồi chức năng rất quan trọng trong việc lấy lại các khả năng đã bị mất đi sau khi bị đột quỵ. Quá trình này có thể bắt đầu sớm, ngay sau 24 – 48 tiếng sau cơn đột quỵ, hoặc khi bệnh nhân được bác sĩ đánh giá là đã ở trạng thái ổn định. Các bài tập phục hồi chức năng sẽ bao gồm thể dục và vận động – như đi lại, thực hiện các hoạt động sống hàng ngày, hay bài tập giúp người bệnh phục hồi lại khả năng nuốt.

Bệnh nhân phục hồi chức năng ở đâu?

  • Bệnh viện. Liệu pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ thường bắt đầu tại bệnh viện sau khi tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, thường trong vòng 48 tiếng sau cơn đột quỵ. Các bước đầu tiên trong quá trình này thường khuyến khích sự vận động được hỗ trợ, để giúp bệnh nhân tập vận động và lưu thông máu. Chuyên gia phục hồi sẽ hỗ trợ người bệnh với các bài tập vận động để giúp tăng cường sức mạnh và khả năng vận động của phần chi thể bị liệt. Bệnh nhân cũng sẽ được hỗ trợ lấy lại khả năng đứng, đi lại, và thực hiện các hoạt động cơ bản, như tắm rửa, ăn uống, và nhiều hoạt động khác.
  • Khoa phục hồi chức năng nội trú. Khoa này có thể hoạt động độc lập hoặc là một phần của một bệnh viện lớn. Tại đây, bệnh nhân được cung cấp các chương trình phục hồi chức năng chuyên sâu, có thể kéo dài 3 tiếng tập luyện mỗi ngày, trên 5 hoặc 6 ngày trong tuần.
  • Cơ sở phục hồi chức năng ngoại trú. Những cơ sở này cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng cho bệnh nhân đã được xuất viện. Nơi đây có một đội ngũ chuyên gia phục hồi đa ngành, cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện cho người bệnh đang trong quá trình phục hồi. Liệu trình có thể là nhiều giờ dành cho việc tập luyện, thường diễn ra 3 ngày/ tuần, sau đó bệnh nhân về nhà nghỉ ngơi.
  • Các chương trình phục hồi chức năng tại nhà. Các chương trình này phù hợp cho những bệnh nhân thích hồi phục trong ngôi nhà của mình hơn. Các chương trình này có thể linh hoạt theo nhu cầu của từng bệnh nhân, cho phép người bệnh và chuyên gia cùng thiết kế một lộ trình riêng. Những lựa chọn này cũng cho phép người bệnh thực hành các kỹ năng và phát triển các chiến lược trong môi trường sống của chính họ. Tuy nhiên, một điểm trừ của chương trình này là bệnh nhân có thể không có quyền truy cập vào các trang thiết bị chuyên biệt có tại các cơ sở phục hồi chức năng điển hình.

Vật lý trị liệu

Bệnh nhân đang tập vật lý trị liệu cho chân
Vật lý trị liệu sau đột quỵ sẽ tập trung vào việc khôi phục lại khả năng vận động, sức mạnh thể chất, khả năng giữ thăng bằng, phối hợp và điều khiển cơ thể – những ảnh hưởng thường gặp sau khi bị đột quỵ. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hợp tác chặt chẽ với bệnh nhân, thiết lập các mục tiêu phục hồi mang tính thực tế cho cả hai bên, và cùng nhau nỗ lực khôi phục càng nhiều chức năng cơ thể đã bị mất càng tốt. Vật lý trị liệu sau đột quỵ thường bao gồm những hoạt động sau:

  • Các bài tập vận động và tăng cường sức mạnh
  • Luyện tập giữ thăng bằng tĩnh và động
  • Luyện tập đi lại với dụng cụ hỗ trợ phù hợp, và/ hoặc các thiết bị chuyên dụng, như máy chạy bộ có hỗ trợ trọng lực và rô-bốt tập luyện.

Nghiệp vụ trị liệu

  • Trang bị cho người bệnh và/ hoặc người chăm sóc những kỹ năng cần thiết cho việc di chuyển an toàn và tập thể dục tại nhà, giúp quá trình chuyển giao từ bệnh viện về nhà diễn ra suôn sẻ.
  • Giúp người bệnh tái hòa nhập cộng đồng. Chuyên gia nghiệp vụ trị liệu sẽ làm việc với bạn, để giúp bạn thành thạo các kỹ năng trong những hoạt động hàng ngày, như tắm rửa, thay đồ, hoặc chuẩn bị thức ăn. Chuyên gia cũng sẽ gợi ý những điều chỉnh cần thiết tại nhà để phù hợp với tình trạng cơ thể hiện tại của bệnh nhân, như thanh vịn và đường dốc cho xe lăn.

Ngôn ngữ trị liệu

  • Chuyên gia ngôn ngữ trị liệu sẽ phối hợp với bạn để cải thiện khả năng ăn, uống và nuốt – bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi nuốt, đặc biệt là trong giai đoạn đầu sau đột quỵ. Nếu không được chữa trị, tình trạng này có thể phát triển thành suy dinh dưỡng và mất nước – nguy cơ nghẹt thở và viêm phổi hít, vốn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Chuyên gia ngôn ngữ trị liệu có thể đánh giá và hỗ trợ nhằm đảm bảo việc dùng bữa diễn ra an toàn và thoải mái cho người bệnh.
  • Nếu đột quỵ xảy ra ở khu vực não bộ điều khiển lời nói và giao tiếp, người bệnh có thể bị mắc chứng mất ngôn ngữ – một rối loạn giao tiếp mắc phải. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng hiểu lời người khác nói, truyền đạt các nhu cầu và tư tưởng của mình, đọc, viết, hoặc thậm chí đến cả việc hiểu các cử chỉ đơn giản. Nó có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tinh thần của người bệnh. Chuyên gia ngôn ngữ trị liệu đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người bệnh và gia đình cải thiện lại khả năng giao tiếp, qua những phương pháp như vật lý trị liệu chuyên sâu, phục hồi chức năng qua mạng hay các chương trình tại nhà. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, chuyên gia ngôn ngữ trị liệu cũng có thể hướng dẫn về các dụng cụ hỗ trợ giao tiếp hoặc tập luyện cùng với người giao tiếp với bệnh nhân.

Tầm quan trọng của phục hồi chức năng sau đột quỵ

Người con trai trưởng thành chơi cờ tướng cùng cha
Mọi điều trị hướng đến bệnh nhân sau đột quỵ đều lấy mục tiêu lâu dài là giúp người bệnh lấy lại quyền kiểm soát cơ thể càng nhiều càng tốt, và quay trở lại mức độ tự lập cao nhất có thể. Phục hồi chức năng sau đột quỵ là phần không thể thiếu trong việc kích thích lại đường dẫn thần kinh và các kết nối trong não bộ, để đạt được mục tiêu này. Mỗi ca đột quỵ đều có mức độ khó đoán, nhưng thường thì với chương trình phục hồi chức năng phù hợp, bệnh nhân có thể có những tiến triển phục hồi đáng kinh ngạc.

Thời gian hồi phục sau đột quỵ là bao lâu?

Cứ trong 100,000 người Singapore thì sẽ có 165 người bị ảnh hưởng bởi đột quỵ. Đột quỵ là một tình trạng nghiêm trọng nhưng thường có thể ngăn ngừa được, nên duy trì sức khoẻ tốt và chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo là điều vô cùng quan trọng. Nếu lỡ bị đột quỵ, phục hồi chức năng là điều tất yếu để có cơ hội hồi phục cao nhất.

Những yếu tố sau đây có thể ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của bạn:

  • Phục hồi chức năng được bắt đầu nhanh chóng đến đâu
  • Mức độ tổn thương não bộ do cơn đột quỵ
  • Tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của bạn
  • Động lực và sự quyết tâm phục hồi chức năng của bạn

Quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ thường kéo dài khoảng từ 3 – 6 tháng tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh. Một số bệnh nhân sẽ cần được chăm sóc lâu hơn, hoặc chăm sóc suốt đời. Dù nhiều người sống sót sau đột quỵ cần phải có nhiều điều chỉnh lớn trong cuộc sống, quá trình phục hồi chức năng này vẫn cần tiếp tục. Bạn có thể tiếp tục phục hồi chức năng tại nhà hoặc ở các cơ sở ngoại trú, và nhiều bệnh nhân chia sẻ rằng họ vẫn thấy sự tiến triển không ngừng trong nhiều năm sau đó.

Những yếu tố ảnh hưởng đến sự phục hồi sau đột quỵ

Mức độ nghiêm trọng của các biến chứng sau đột quỵ và khả năng hồi phục khác nhau rất nhiều ở từng người. Các chương trình phục hồi chức năng tập trung sau đột quỵ vì thế rất hữu ích trong việc giúp người bệnh hồi phục tốt hơn.

Nói chung, sự thành công của một chương trình phục hồi chức năng phụ thuộc vào:

  • Các yếu tố về thể chất, ví dụ như mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ được phản ánh ở cả những ảnh hưởng về thể chất và khả năng nhận thức của bệnh nhân.
  • Các yếu tố về cảm xúc, ví dụ như động lực và tâm trạng, và khả năng bám theo các hoạt động phục hồi chức năng được hướng dẫn bên ngoài buổi tập chính thức
  • Các yếu tố về xã hội, ví dụ như sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè
  • Các yếu tố về điều trị, bao gồm tốc độ phục hồi chức năng được bắt đầu, và trình độ chuyên môn của đội ngũ hỗ trợ phục hồi chức năng

Liệu pháp duy trì

Hãy làm theo những hướng dẫn được bác sĩ và đội ngũ phục hồi chức năng lập ra cho bạn sau cơn đột quỵ. Việc bổ sung thêm các bài tập tại nhà cho chương trình phục hồi chức năng, và tiếp tục nỗ lực hồi phục sau khi chương trình chính thức đã kết thúc, rất có khả năng tăng thêm cơ hội lấy lại các kỹ năng cho bạn.

Hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu về:

  • Các bài tập vật lý trị liệu và thể dục dành cho thăng bằng, phối hợp và sức mạnh
  • Các bài tập luyện ngôn ngữ, nói, và nhận thức
  • Các vấn đề về nuốt
  • Các hoạt động mang tính giải trí như bơi lội
  • Luyện tập các hoạt động sống hàng ngày

Ngăn ngừa đột quỵ

Triệu chứng của đột quỵ
Đột quỵ phổ biến hơn ở những người có bệnh lý nền, như cao huyết áp, cholesterol cao, và tiểu đường. Tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, và duy trì sức khỏe tổng thể tốt sẽ giúp bạn phòng tránh khả năng bị đột quỵ.

Hãy chú ý đến các triệu chứng sau:

  • Mất thị lực
  • Một bên cơ thể yếu hoặc tê liệt
  • Mất khả năng phối hợp, mất thăng bằng, mất khả năng phát âm, hoặc mất khả năng hiểu lời
  • Chóng mặt hoặc ngã
  • Mất nhận thức

Nếu bạn hoặc người thân trong gia đình có bất kỳ triệu chứng nào kể trên, hãy đến ngay Trung Tâm Chăm Sóc Khẩn Cấp (UCC) gần nhất. Hãy nhớ rằng, cơn đột quỵ được chữa trị càng sớm, nguy cơ tổn hại vĩnh viễn trên cơ thể sẽ càng thấp.

Beckerman, J. (2017, February 3) Understanding Stroke Symptoms. Retrieved 05/05/19 from https://www.webmd.com/stroke/guide/understanding-stroke-symptoms

Beckerman, J. (2018, March 14) Stroke Diagnosis and Treatment. Retrieved 05/05/19 from https://www.webmd.com/stroke/guide/understanding-stroke-treatment#3

Rehabilitation Therapy After A Stroke (ND). Retrieved 04/05/19 from https://www.stroke.org/we-can-help/survivors/stroke-recovery/first-steps-to-recovery/rehabilitation-therapy-after-a-stroke/

Smith, M.W. (2012, June 1) Stroke Recovery And Arm Rehab. Retrieved 04/05/19 from https://www.webmd.com/stroke/features/stroke-recovery-and-rehab-10-important-questions#3

Steinbaum, S. (2017, July 15) Rehab After A Stroke: What To Expect. Retrieved 04/05/19 from https://www.webmd.com/stroke/rehab-stroke#2

Stroke in Singapore Facts and Figures (NRDO). Retrieved 12/05/19 from https://www.nrdo.gov.sg/publications/stroke

What Is Stroke (ND). Retrieved 04/05/19 from https://www.stroke.org/understand-stroke/what-is-stroke/

World Health Organisation: Stroke: a global response is needed. (2016, September) Retrieved 04/05/19 from https://www.who.int/bulletin/volumes/94/9/16-181636/en/

Post-Stroke Rehabilitation Fact Sheet. (2020, May 13) Retrieved April 26, 2021, from https://www.ninds.nih.gov/Disorders/Patient-Caregiver-Education/Fact-Sheets/Post-Stroke-Rehabilitation-Fact-Sheet

Stroke Rehabilitation: What to Expect as you Recover. (2019, April 17) Retrieved April 26, 2021, from https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stroke/in-depth/stroke-rehabilitation/art-20045172
Bài viết liên quan
Xem tất cả