Stroke rehabilitation

Nguồn: Shutterstock

Phục hồi chức năng sau đột quỵ: Bí quyết phục hồi?

Cập nhật lần cuối: 28 Tháng Năm 2019 | 5 phút - Thời gian đọc

Phục hồi chức năng sớm và có được sự hỗ trợ tốt từ gia đình là yếu tố cần thiết để tạo điều kiện phục hồi nhanh chóng ngay khi bệnh nhân ổn định về mặt lâm sàng. Tìm hiểu các phương pháp để đẩy nhanh tốc độ hồi phục sau đột quỵ.

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ là gì?
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ 4 tại Singapore và cứ 100.000 người Singapore thì có 155 người bị đột quỵ. Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu lên não bị gián đoạn do tắc nghẽn (đột quỵ do thiếu máu cục bộ) hoặc vỡ mạch máu (đột quỵ xuất huyết) và có thể dẫn đến tổn thương não. Khi bị đột quỵ, nửa người ở bên đối diện với phần não tổn thương có thể trở nên yếu và tê liệt. Kích thước và vị trí tổn thương não sẽ ảnh hưởng đến khả năng và mức độ hồi phục của những người sống sót sau đột quỵ.

Hồi phục sau đột quỵ

Điều trị đột quỵ phụ thuộc vào loại và vị trí cục máu đông, tắc nghẽn hoặc chảy máu gây ra đột quỵ. Đột quỵ là một tình huống khẩn cấp và bác sĩ sẽ đưa ra lựa chọn điều trị thích hợp nhất, một trong số đó là thuốc chống đông máu, ngay khi xác định được nguyên nhân gây đột quỵ, để giảm thiểu tổn thương đến các tế bào não có thể xảy ra trong vòng vài phút kể sau đột quỵ.

Phục hồi chức năng sau đột quỵ

Liệu pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ đóng vai trò quan trọng trong việc rèn luyện não bộ nhiều nhất có thể, nhằm hồi phục các khả năng có thể bị mất sau đột quỵ. Có thể bắt đầu liệu pháp ngay từ thời điểm 24 – 48 giờ sau đột quỵ, hoặc khi bác sĩ xác định tình trạng của bệnh nhân đã ổn định về mặt lâm sàng. Liệu pháp phục hồi chức năng sẽ bao gồm các bài tập thể dục cũng như tập chức năng vận động như đi bộ và thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Liệu pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ có thể được tiến hành tại:

  • Bệnh viện
  • Phòng bệnh phục hồi chức năng chuyên biệt
  • Đơn vị chăm sóc hồi phục
  • Cơ sở chăm sóc trung gian và dài hạn
  • Cơ sở ngoại trú

Phục hồi chức năng sau đột quỵ bằng vật lý trị liệu

Phục hồi chức năng sau đột quỵ
Vật lý trị liệu sau đột quỵ sẽ tập trung vào việc lấy lại phạm vi cử động, thể lực, thăng bằng, khả năng phối hợp và vận động bị ảnh hưởng do đột quỵ. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ phối hợp chặt chẽ với bệnh nhân dựa trên các mục tiêu chức năng được đặt ra bởi hai bên, hướng tới việc lấy lại chức năng bị mất nhiều nhất có thể. Vật lý trị liệu sau đột quỵ thường sẽ bao gồm các hoạt động sau đây:

  • Các bài tập cử động và bài tập tăng cường
  • Tập thăng bằng tĩnh và động
  • Tập lại dáng đi với các thiết bị hỗ trợ đi bộ thích hợp và/hoặc thiết bị chuyên dụng như máy chạy bộ hỗ trợ trọng lực
  • Trang bị các kỹ năng cho bệnh nhân và/hoặc người chăm sóc để di chuyển an toàn và các bài tập tại nhà để đảm bảo việc di chuyển suôn sẻ từ bệnh viện về nhà

Phục hồi chức năng tổng thể sau đột quỵ

Có nhiều kỹ năng và khả năng khác có thể cần phải học lại sau đột quỵ. Một số kỹ năng như vậy bao gồm:

  • Kỹ năng nuốt, nói và sử dụng ngôn ngữ. Chuyên gia âm ngữ trị liệu sẽ đánh giá bệnh nhân về rối loạn khả năng nuốt, có thể bị suy giảm do đột quỵ. Chuyên gia âm ngữ trị liệu cũng sẽ tập cho bệnh nhân cách đối mặt và khắc phục những khó khăn về ngôn ngữ và lời nói để phát âm và điều tiết âm thanh nói và tìm ra những từ thích hợp khi nói hoặc viết để diễn đạt tốt hơn.
  • Tái hòa nhập cộng đồng. Chuyên gia trị liệu chức năng sẽ tập cho bệnh nhân cách làm chủ các công việc hàng ngày như tắm rửa, mặc quần áo hoặc chuẩn bị thức ăn. Chuyên gia trị liệu chức năng cũng sẽ tư vấn về việc thực hiện một số điều chỉnh trong nhà, ví dụ như thanh bám và dốc cho xe lăn, để hỗ trợ tình trạng chức năng mới của bệnh nhân.

Ngoài ra bệnh nhân cũng có thể làm việc với bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn phù hợp với tình trạng, hoặc chuyên gia trị liệu chức năng nếu cần thay đổi cách tổ chức các hoạt động sống và công tác chăm sóc.

Tầm quan trọng của phục hồi chức năng sau đột quỵ

Tầm quan trọng của phục hồi chức năng sau đột quỵ
Người sống sót sau đột quỵ luôn được điều trị với mục tiêu dài hạn là lấy lại khả năng kiểm soát cơ thể nhiều nhất có thể cũng như khả năng độc lập trong cuộc sống, ở mức tối đa có thể. Phục hồi chức năng sau đột quỵ là một phần thiết yếu trong quá trình nối lại các đường dẫn thần kinh và các kết nối trong não để đạt được mục tiêu này. Mọi trường hợp đột quỵ đều tồn tại yếu tố không thể đoán trước, nhưng thông thường, khi áp dụng liệu pháp phục hồi chức năng thích hợp, bệnh nhân có thể hồi phục đáng kể.

Một số sự thật về kết quả hồi phục

Cứ 100.000 người Singapore thì có 155 người bị đột quỵ. Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm nhưng thường là phòng ngừa được, vì vậy, điều quan trọng là phải giữ sức khỏe tốt và theo dõi các dấu hiệu cảnh báo. Nếu bị đột quỵ, liệu pháp phục hồi chức năng đóng vai trò thiết yếu, giúp bạn có cơ hội hồi phục tốt nhất. Nghiên cứu cho thấy khoảng 10% các bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, và 25% khác hồi phục kèm một số tình trạng suy giảm không đáng kể.

Khả năng hồi phục sau đột quỵ có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố sau:

  • Thời điểm bắt đầu liệu pháp phục hồi chức năng có sớm không
  • Mức độ tổn thương não do đột quỵ
  • Độ tuổi và sức khỏe tổng thể
  • Động lực và cam kết với liệu pháp phục hồi chức năng

Quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ thường mất khoảng 3 – 6 tháng tùy thuộc vào mức độ nặng của đột quỵ. Một số bệnh nhân sẽ cần chăm sóc trong thời gian dài hơn hoặc có thể là suốt đời. Mặc dù nhiều người sống sót sau đột quỵ cần phải điều chỉnh đáng kể cuộc sống của họ, liệu pháp phục hồi chức năng cần được tiếp tục. Bệnh nhân có thể tiếp tục liệu pháp phục hồi chức năng tại nhà hoặc như một bệnh nhân ngoại trú, và nhiều bệnh nhân báo cáo đã nhận thấy sự cải thiện liên tục trong những năm tiếp theo.

Liệu pháp điều trị tại nhà

Điều quan trọng là phải tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ và nhóm phục hồi chức năng sau đột quỵ. Việc bổ sung vào chương trình phục hồi chức năng các bài tập tại nhà và tiếp tục nỗ lực để hồi phục sau khi chương trình kết thúc có thể giúp gia tăng cơ hội phục hồi năng lực cho bệnh nhân.

Trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu về:

  • Vật lý trị liệu tại nhà và các bài tập về thăng bằng, phối hợp và sức mạnh
  • Bài tập não
  • Các hoạt động giải trí như bơi lội
  • Tập làm các công việc hàng ngày

Phòng ngừa đột quỵ

Phòng ngừa đột quỵ
Đột quỵ xảy ra phổ biến hơn ở những người có tiền sử bệnh huyết áp cao, nồng độ cholesterol cao và bệnh đái tháo đường. Tập thể dục thường xuyên, có chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì sức khỏe tổng thể tốt sẽ giúp phòng ngừa đột quỵ.

Cảnh giác với những triệu chứng sau:

  • Mất thị lực
  • Yếu hoặc tê nửa người
  • Mất khả năng phối hợp, giữ thăng bằng, nói hoặc nhận thức
  • Chóng mặt hoặc ngã
  • Mất ý thức

Nếu bạn hoặc thành viên trong gia đình có biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng này, hãy đến khoa tai nạn và cấp cứu (UCC) gần nhất ngay lập tức. Hãy nhớ rằng, đột quỵ được điều trị càng sớm thì càng giảm nguy cơ tổn thương vĩnh viễn.

Beckerman, J. (2017, February 3) Understanding Stroke Symptoms. Retrieved 05/05/19 from https://www.webmd.com/stroke/guide/understanding-stroke-symptoms

Beckerman, J. (2018, March 14) Stroke Diagnosis and Treatment. Retrieved 05/05/19 from https://www.webmd.com/stroke/guide/understanding-stroke-treatment#3

Rehabilitation Therapy After A Stroke (ND). Retrieved 04/05/19 from https://www.stroke.org/we-can-help/survivors/stroke-recovery/first-steps-to-recovery/rehabilitation-therapy-after-a-stroke/

Smith, M.W. (2012, June 1) Stroke Recovery And Arm Rehab. Retrieved 04/05/19 from https://www.webmd.com/stroke/features/stroke-recovery-and-rehab-10-important-questions#3

Steinbaum, S. (2017, July 15) Rehab After A Stroke: What To Expect. Retrieved 04/05/19 from https://www.webmd.com/stroke/rehab-stroke#2

Stroke in Singapore Facts and Figures (NRDO). Retrieved 12/05/19 from https://www.nrdo.gov.sg/publications/stroke

What Is Stroke (ND). Retrieved 04/05/19 from https://www.stroke.org/understand-stroke/what-is-stroke/

World Health Organisation: Stroke: a global response is needed. (2016, September) Retrieved 04/05/19 from https://www.who.int/bulletin/volumes/94/9/16-181636/en/

Post-Stroke Rehabilitation Fact Sheet. (2020, May 13) Retrieved April 26, 2021, from https://www.ninds.nih.gov/Disorders/Patient-Caregiver-Education/Fact-Sheets/Post-Stroke-Rehabilitation-Fact-Sheet

Stroke Rehabilitation: What to Expect as you Recover. (2019, April 17) Retrieved April 26, 2021, from https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stroke/in-depth/stroke-rehabilitation/art-20045172
Bài viết liên quan
Xem tất cả