Phình mạch não - Triệu chứng & Nguyên nhân

Nguyên nhân gây phình mạch não là gì?

Phình mạch não xảy ra khi thành động mạch suy yếu hoặc bị khiếm khuyết, dù vậy, hiện vẫn chưa có hiểu biết đầy đủ về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đây có thể là một quá trình thoái hóa, trong đó các yếu tố như tuổi cao và huyết áp cao có vai trò cốt yếu. Tình trạng này cũng thường liên quan đến chứng xơ vữa động mạch, một bệnh lý về mạch máu khiến cho động mạch bị cứng lại do sự tích tụ chất béo lắng đọng trong thành động mạch.

Phình mạch não thường xảy ra ở những người mắc các chứng rối loạn di truyền đặc biệt bao gồm rối loạn mô liên kết và bệnh thận đa nang. Một số bệnh lý về tuần hoàn, ví dụ như dị dạng động-tĩnh mạch, cũng có thể gây phình mạch não. Các nguyên nhân khác bao gồm lạm dụng đồ uống có cồn và chất gây nghiện, chấn thương đầu, nhiễm trùng và u.

Cách phòng ngừa phình mạch não

Tuy không có cách nào có thể giúp phòng ngừa phình mạch não một cách tuyệt đối, nhưng căn cứ vào tác nhân chính trong việc hình thành phình mạch não là tình trạng huyết áp cao, có một số cách giúp giảm thiểu nguy cơ như sau:

  • Ăn uống lành mạnh: cụ thể là cắt giảm lượng muối và tăng cường ăn rau củ và trái cây để duy trì huyết áp khỏe mạnh.
  • Hạn chế đồ uống có cồn: uống rượu bia quá mức gây tăng huyết áp. Mỗi ngày, nam giới chỉ nên dùng không quá 60 ml rượu mạnh (50 độ), hoặc 720 ml bia, hoặc khoảng 120 ml rượu vang. Phụ nữ không nên dùng quá ½ liều lượng của nam giới mỗi ngày.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: với những người thừa cân, béo phì, chỉ giảm 2 – 3 kg cũng tác động rất tốt đến huyết áp và sức khỏe tổng thể.
  • Tập thể dục đều đặn: giúp hạ huyết áp, giảm nồng độ triglyceride và tăng nồng độ cholesterol trong máu. Khoảng 150 phút thể dục với cường độ vừa phải mỗi tuần như đi bộ nhanh hoặc đạp xe trên đường bằng phẳng hoặc 75 phút thể dục cường độ cao như chạy bộ sẽ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và huyết áp. Tuy nhiên, với trường hợp đã được chẩn đoán phình mạch não, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để có hướng tập luyện phù hợp.
  • Kiểm soát căng thẳng: khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh ra một loại hoóc-môn có tên là adrenaline, gây tăng nhịp thở, nhịp tim và huyết áp. Ngoài ra, với một số người căng thẳng cũng là lý do để tìm đến bia rượu – lại là một nguyên nhân khác gây tăng huyết áp. Do đó việc tránh những cảm xúc cực đoan như cáu giận, buồn bã có ý nghĩa rất quan trọng. Một số cách giúp kiểm soát căng thẳng bao gồm: tập thể dục, ngồi thiền, các bài tập hít thở và thư giãn cơ, dành thời gian với bạn bè và người thân, theo đuổi một sở thích, v.v.

Triệu chứng của phình mạch não là gì?

Triệu chứng của phình mạch não khi túi phình chưa vỡ

Mặc dù trong nhiều trường hợp, túi phình mạch não chưa vỡ có thể không biểu hiện triệu chứng, một số trường hợp khác đã báo cáo các triệu chứng như:

  • Rối loạn thị giác, chẳng hạn như mất thị lực hoặc nhìn đôi
  • Đau ở trên hoặc xung quanh mắt
  • Tê hoặc yếu ở một bên mặt
  • Khó nói
  • Nhức đầu
  • Mất thăng bằng
  • Khó tập trung hoặc các vấn đề về trí nhớ ngắn hạn.

Triệu chứng của phình mạch não khi túi phình đã vỡ

Khi túi phình mạch não bị vỡ, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như:

  • Suy giảm thị lực và chức năng nói
  • Mất ý thức hoặc ngất thoáng qua
  • Buồn nôn và nôn
  • Đau cổ
  • Liệt hoặc yếu nửa người
  • Co giật
  • Đau đầu đột ngột dữ dội.
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777