Viêm gân gót chân - Triệu chứng & Nguyên nhân

Viêm gân gót chân là gì?

Viêm gân gót chân là chấn thương gân gót chân.

Gân gót chân ở mặt sau mắt cá chân, liên kết các cơ bắp chân với xương gót chân. Đó là gân lớn nhất trong cơ thể và cần thiết để đi lại, chạy và nhảy. Gân này chịu một lực lớn trong hoạt động hàng ngày bình thường.

Viêm gân gót chân xảy ra khi các cơ và gân gót chân bị quá tải, gây kích ứng và sưng gân.

Viêm gân gót chân là tình trạng viêm ở gân gót chân do quá tải hoặc do chấn thương.

Các loại viêm gân gót chân

  • Viêm điểm bám gân gót chân ảnh hưởng đến phần dưới của gân, nơi gân bám vào gót chân. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
  • Viêm đoạn giữa gân gót chân ảnh hưởng đến phần giữa của gân và khiến vùng này bị sưng và dày lên. Tình trạng này thường gặp nhất ở những người trẻ tuổi và hoạt động nhiều.

Ở cả hai loại viêm gân gót chân, các sợi gân bị tổn thương có thể bị cứng lại (vôi hóa).

Các triệu chứng của viêm gân gót chân là gì?

Nếu bị viêm gân gót chân, bạn có khả năng bị đau và sưng gót chân ở phía sau gót chân.

Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn:

  • Không thể gập mắt cá chân
  • Không thể đi lại thoải mái ở bên bị ảnh hưởng
  • Bị sưng bắp chân
  • Bị chấn thương gây biến dạng xung quanh khớp
  • Bị đau mắt cá chân vào buổi đêm hoặc khi nghỉ ngơi
  • Bị đau mắt cá chân kéo dài hơn vài ngày
  • Xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng, bao gồm sốt, tấy đỏ hoặc cảm giác nóng ở phía sau gót chân

Nguyên nhân của viêm gân gót chân?

Viêm gân gót chân thường do:

  • Quá tải hoặc áp lực liên tục (tác động nhỏ lặp đi lặp lại) trên vùng bị ảnh hưởng
  • Chấn thương đột ngột

Những yếu tố nguy cơ nào gây viêm gân gót chân?

Các yếu tố nguy cơ của viêm gân gót chân bao gồm:

  • Tuổi tác. Viêm gân gót chân có khả năng xảy ra nhiều hơn ở những người lớn tuổi.
  • Gai xương. Dạng u xương này ở phía sau gót chân và kích ứng gân gót chân, gây đau và sưng. Tình trạng này cũng xảy ra nhiều hơn theo tuổi tác.
  • Giới tính. Viêm gân gót chân thường gặp hơn ở nam giớii.
  • Thể thao hoặc các hoạt động có tác động mạnh. Tác động lặp đi lặp lại do nhảy lên và đáp xuống mặt đất trong các môn thể thao như bóng rổ hoặc chạy trên bề mặt cứng có thể gây chấn thương gân gót chân.
  • Hoạt động mạnh. Chạy quá nhiều, tăng đột ngột mức độ hoạt động hoặc chạy trên địa hình đồi núi có thể tăng nguy cơ căng hoặc chấn thương gân.
  • Một số tình trạng bệnh lý. Những người bị bệnh vảy nến hoặc huyết áp cao có nguy cơ xuất hiện viêm gân gót chân cao hơn.
  • Một số loại thuốc nhất định. Fluoroquinolone, một loại thuốc kháng sinh, có liên quan đến tỷ lệ viêm gân gót chân cao hơn.
  • Béo phì. Thừa cân làm tăng nguy cơ căng gân.
  • Đặc điểm thực thể. Vòm bàn chân phẳng gây căng nhiều hơn ở gân gót chân.
  • Ít giãn cơ hoặc làm nóng cơ trước khi tập thể dục. Cơ bắp chân bị căng góp phần làm gân bị căng.
  • Giày cũ mòn. Lực hỗ trợ kém góp phần làm gân bị căng.

Các biến chứng và bệnh liên quan của viêm gân gót chân là gì?

Viêm gân gót chân có thể gây đứt gân gót chân. Điều đó nghĩa là rách gân một phần hoặc hoàn toàn. Tình trạng này thường gây đau buốt và ở mức độ nặng, cần phẫu thuật để điều trị.

Nhìn chung, phẫu thuật có những nguy cơ như chảy máu, nhiễm trùng hoặc biến chứng do gây mê. Các biến chứng khác do phẫu thuật sửa chữa gân có thể bao gồm:

  • Tổn thương dây thần kinh
  • Khó lành
  • Bắp chân bị yếu
  • Đau bàn chân và mắt cá chân liên tục và tái đi tái lại

Bạn cũng có thể gặp phải những nguy cơ khác tùy thuộc vào sức khỏe, tuổi tác và tình trạng hoặc hình dạng của bàn chân, cơ và gân ở chân. Các điều kiện này cũng có thể ảnh hưởng đến lựa chọn phẫu thuật của bạn.

Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin về các nguy cơ và thủ thuật được khuyến cáo cho bạn.

Làm thế nào để phòng ngừa viêm gân gót chân?

Để giảm nguy cơ đau gót chân và chấn thương gân gót chân:

  • Thay đổi các bài tập. Thay đổi giữa các hoạt động có tác động mạnh như chạy và bóng rổ, với các hoạt động có tác động nhẹ như bơi và đạp xe. Điều này giúp ngăn ngừa căng gân gót chân.
  • Thay đổi dần dần về tần suất và cường độ hoạt động. Nếu bạn chỉ mới bắt đầu một môn thể thao hoặc chế độ tập thể dục mới, hãy bắt đầu chậm trước khi chuyển sang các mức độ cao hơn.
  • Tập luyện điều độ. Tránh các hoạt động gây căng gân quá nhiều, như chạy bộ trên đồi. Dừng hoạt động đó nếu bạn cảm thấy đau.
  • Giãn cơ hàng ngày. Giãn cơ thường xuyên, không chỉ trước và sau khi tập thể dục, sẽ giúp duy trì độ linh hoạt của cơ bắp chân.
  • Tăng sức mạnh cho cơ bắp chân. Điều này sẽ giúp gân gót chân chịu được lực căng trong các hoạt động và việc tập thể dục hàng ngày.
  • Làm nóng cơ thể đầy đủ. Giãn cơ thật nhiều, đặc biệt là trước các bài tập áp lực cao.
  • Mang giày hỗ trợ. Giày có đệm tốt và hỗ trợ vòm chân sẽ làm giảm căng gân. Hoặc là sử dụng miếng đệm cơ xương khớp như là miếng hỗ trợ vòm chân trong giày.
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777