Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) - Triệu chứng & Nguyên nhân

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là gì?

Quan sát hệ tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là tình trạng nhiễm trùng ở bất kỳ bộ phận nào trong hệ tiết niệu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là tình trạng nhiễm trùng ở bất kỳ bộ phận nào trong hệ tiết niệu. Hệ tiết niệu bao gồm thận, bàng quang, niệu quản và niệu đạo. Mỗi bộ phận có một chức năng khác nhau:

  • Thận lọc các chất dư thừa, chất điện giải và chất thải từ máu, đồng thời giữ lại các chất quan trọng.
  • Niệu quản (ống nhỏ nối với thận) dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang.
  • Bàng quang giữ nước tiểu.
  • Niệu đạo (ống nối với bàng quang) đưa nước tiểu ra khỏi cơ thể khi bàng quang đầy.

UTI thường ảnh hưởng đến bàng quang hoặc niệu đạo trước. Nếu không được điều trị, tình trạng nhiễm trùng có thể lan sang niệu quản và thận.

Các loại nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu được phân loại theo vị trí nhiễm trùng:

  • Viêm bàng quang là loại nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến liên quan đến viêm bàng quang.
  • Viêm thận-bể thận (nhiễm trùng thận) là tình trạng nhiễm trùng thận gây đau do viêm bàng quang gây ra. Trong một số trường hợp, vi khuẩn từ bàng quang có thể đi ngược lên trên một hoặc cả hai thận.
  • Viêm niệu đạo (nhiễm trùng niệu đạo) là tình trạng viêm niệu đạo. Bệnh này thường do nhiễm trùng gây ra.

Các triệu chứng của UTI là gì?

Các triệu chứng UTI khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và loại nhiễm trùng. Một số người có thể không có triệu chứng. Các triệu chứng thường gặp của UTI bao gồm:

  • Đau lưng
  • Sốt và ớn lạnh
  • Nước tiểu đục hoặc có máu trong nước tiểu
  • Tiểu gấp và thường xuyên
  • Tiểu tiện không tự chủ (tiểu không kiểm soát)
  • Đau xương sườn, đau bụng/ổ bụng hoặc đau trên xương mu
  • Cảm giác đau rát khi đi tiểu
  • Khó ở (thường cảm thấy khó chịu)
  • Buồn nôn và ói mửa

Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là gì?

Nước tiểu thường vô trùng, nghĩa là không chứa bất kỳ loại vi khuẩn, vi-rút hay nấm nào.

UTI có thể xảy ra khi vi sinh vật xâm nhập vào hệ tiết niệu thông qua niệu đạo.

Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đều xảy ra do vi khuẩn Escherichia coli (E. Coli), một loại vi khuẩn đường tiêu hóa sống trong đại tràng (ruột già) và lây lan từ hậu môn sang niệu đạo.

Các loại vi sinh vật khác, ví dụ như vi khuẩn chlamydia và vi khuẩn mycoplasma, có thể gây UTI thường giới hạn ảnh hưởng ở niệu đạo và hệ sinh sản. Do những vi sinh vật này lây truyền qua đường tình dục nên cả hai người có quan hệ tình dục với nhau đều sẽ cần điều trị khi xảy ra nhiễm trùng.

Những yếu tố nào gây nguy cơ UTI?

Nguy cơ UTI sẽ tăng nếu bạn:

  • Có bất thường về cấu trúc hệ tiết niệu, sỏi tiết niệu và tắc nghẽn bàng quang.
  • Mắc bệnh đái tháo đường, vì nước tiểu của bạn chứa lượng đường cao hơn.
  • Có quan hệ tình dục.
  • Là nam giới có tuyến tiền liệt phì đại, vì bệnh trạng này khiến cho bàng quang không thể tự làm rỗng hoàn toàn.
  • Là phụ nữ, vì phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn, vì vậy, vi khuẩn có thể dễ lan đến bàng quang hơn. Thông thường, nguy cơ sẽ cao nhất khi quan hệ tình dục hoặc sau khi mãn kinh, do khô niệu đạo và âm đạo. Cứ 5 phụ nữ thì có ít nhất 1 người mắc UTI tại một thời điểm nào đó trong đời.
  • Có thai. Thay đổi về đường tiểu và các thay đổi miễn dịch trong khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Không thể làm rỗng bàng quang hoàn toàn (bí tiểu).

Biến chứng và các bệnh liên quan của UTI là gì?

Nếu không được điều trị, UTI có thể dẫn đến:

  • Tổn thương thận nếu viêm bàng quang (nhiễm trùng bàng quang) không được điều trị và tình trạng nhiễm trùng lan đến thận.
  • Sinh non và tăng huyết áp (huyết áp cao) nếu bị nhiễm trùng đường tiết niệu trong khi mang thai.
  • Nhiễm trùng tái phát. Rủi ro sẽ cao hơn nếu bạn đã bị nhiều hơn 4 lần UTI trong vòng một năm.
  • Các biến chứng hẹp niệu đạo ở nam giới, nếu bị viêm niệu đạo tái phát.
  • Nhiễm khuẩn máu (nhiễm trùng máu nghiêm trọng) nếu vi khuẩn đi vào mạch máu.

Có thể phòng tránh UTI bằng cách nào?

Có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là ở những phụ nữ bị nhiễm trùng tái phát nhiều lần, để giảm thiểu nguy cơ phát triển UTI. Các biện pháp phòng ngừa này bao gồm:

  • Uống nhiều nước.
  • Uống nước ép nam việt quất hoặc dùng vitamin C để giúp tăng độ axít của nước tiểu, từ đó làm giảm sự phát triển của vi khuẩn.
  • Không nhịn tiểu lâu và đi tiểu khi cần.
  • Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục.
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777