Cấy ghép tế bào gốc đồng gen là gì?
Cấy ghép tế bào gốc đồng gen là dạng ghép dị thân đặc biệt, trong đó người hiến là anh/chị/em sinh đôi (hoặc sinh ba) của người nhận. Nghĩa là người hiến và người nhận có loại mô giống hệt nhau.
Hình thức cấy ghép tế bào gốc này hiếm khi được áp dụng do các trường hợp sinh đôi hoặc sinh ba không quá phổ biến. Nếu bạn có anh/chị/em sinh đôi hoặc sinh ba, tế bào gốc của họ sẽ được dùng để điều trị bệnh bạch cầu hoặc các dạng rối loạn máu khác bạn có thể mắc phải.
Cách hoạt động
Phương pháp cấy ghép tế bào gốc đồng gen dùng tế bào gốc từ người anh/chị/em sinh đôi để thay thế tủy xương bất thường trong cơ thể bạn.
Trước khi thực hiện cấy ghép tế bào gốc, bạn sẽ thực hiện xạ trị hoặc hóa trị liều cao hoặc cả hai để tiêu diệt tất cả tế bào ung thư cũng như tế bào máu bình thường trong tủy xương.
Sau đó, bạn sẽ được nhận các tế bào gốc mới khỏe mạnh, không chứa tế bào ung thư và sẽ tự sản sinh ra tế bào miễn dịch. Các tế bào miễn dịch này sẽ chống lại các tế bào ung thư còn sót lại sau điều trị.
Nếu cần thêm tế bào gốc thì anh/chị/em sinh đôi của bạn sẽ phải được liên hệ để hiến thêm.
Tại sao cần cấy ghép tế bào gốc đồng gen?
Cấy ghép tế bào gốc đồng gen được dùng để điều trị các bệnh lý như:
- U lympho Hodgkin
- Bệnh bạch cầu
- Đa u tủy xương
- Hội chứng rối loạn sinh tủy
- U lympho không Hodgkin
- Thiếu máu bất sản nặng
- Ung thư tinh hoàn
Ưu điểm của cấy ghép tế bào gốc đồng gen bao gồm:
- Cơ thể bạn dễ dàng tiếp nhận các tế bào. Bệnh lý ghép chống chủ (GVHD) sẽ không còn là vấn đề vì hệ miễn dịch của bạn nhận diện tế bào gốc từ người anh/chị/em sinh đôi là tế bào gốc của chính bạn (loại mô của người hiến trùng khớp 100% với người nhận).
- Bạn nhận được các tế bào hiến không bị ung thư. Người hiến phải thực hiện các quy trình sàng lọc y tế nghiêm ngặt để xác minh tế bào gốc của họ không chứa tế bào ung thư.
Nhược điểm của cấy ghép tế bào gốc đồng gen bao gồm:
- Cơ thể bạn có thể không chống lại tế bào ung thư. Hình thức cấy ghép này sẽ không tiêu diệt các tế bào ung thư vì tế bào gốc mới được truyền vào giống hệt với các tế bào của chính bạn. Giống như hệ miễn dịch cũ, hệ miễn dịch mới của bạn có thể không nhận ra và chống lại các tế bào ung thư, từ đó có thể dẫn đến tái phát.
Các nguy cơ và biến chứng của cấy ghép tế bào gốc đồng gen là gì?
Tác dụng phụ từ việc cấy ghép tế bào gốc có thể khác nhau tùy theo mỗi người. Một số người gặp phải nhiều tác dụng phụ trong khi những người khác có thể gặp phải ít tác dụng phụ hơn. Một số tác dụng phụ có tính chất ngắn hạn (cấp tính) trong khi một số khác lại có tính chất lâu dài (mạn tính).
Nhiều tác dụng phụ xảy ra do quá trình hóa trị hoặc xạ trị thực hiện trước khi cấy ghép gây ra. Các tác dụng khác liên quan đến quá trình cấy ghép tế bào gốc.
Tác dụng phụ ban đầu có thể bao gồm:
- Đau miệng và họng
- Buồn nôn và nôn
- Nhiễm trùng do vi khuẩn, vi-rút hoặc nấm
- Chảy máu và thiếu máu (lượng tế bào hồng cầu thấp)
- Các vấn đề về phổi như viêm phổi, tình trạng viêm mô phổi
- Bệnh tắc tĩnh mạch xoang gan (VOD), khi các mạch máu nhỏ dẫn đến gan bị tắc nghẽn
Tác dụng phụ lâu dài có thể bao gồm:
- Các vấn đề về mắt như đục thủy tinh thể
- Tổn thương nội tạng
- Ung thư tái phát
- Ung thư thứ phát
- Các vấn đề về mô bạch huyết
- Vô sinh
- Các vấn đề về tuyến giáp do thay đổi nội tiết tố gây ra
Sau khi cấy ghép tế bào gốc, bác sĩ sẽ theo dõi bạn chặt chẽ. Bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa tác dụng phụ và nhanh chóng xử lý mọi tác dụng phụ xảy ra.
Chuẩn bị cho cấy ghép tế bào gốc đồng gen như thế nào?
Để xác định liệu việc cấy ghép tế bào gốc có phù hợp với bạn hay không, bác sĩ có thể cần thực hiện các xét nghiệm và thủ thuật sau:
- Kiểm tra toàn bộ bệnh sử của bạn
- Thực hiện khám lâm sàng
- Tiến hành xét nghiệm kháng nguyên bạch cầu người (HLA), hình thức xét nghiệm máu để đảm bảo mô trùng khớp với người hiến
- Tiến hành sinh thiết tủy xương
- Thực hiện chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Tiến hành đo điện tâm đồ (ECG), siêu âm tim (siêu âm) hoặc xạ hình co bóp thành tim để kiểm tra tim
- Thực hiện chụp X-quang ngực và các xét nghiệm chức năng phổi để kiểm tra phổi
- Tiến hành các xét nghiệm máu như xét nghiệm công thức máu toàn bộ, các xét nghiệm sinh hóa máu và kiểm tra các loại vi-rút như viêm gan, vi-rút cytomegalo (CMV) và HIV
Bạn cũng có thể được yêu cầu thực hiện các quy trình đánh giá khác như đánh giá tâm lý hoặc tư vấn về sinh sản.
Bạn có thể kỳ vọng điều gì khi cấy ghép tế bào gốc đồng gen?
Bạn sẽ cần thực hiện điều trị điều kiện hóa để chuẩn bị cho việc cấy ghép tế bào gốc.
Điều trị điều kiện hóa
Điều trị điều kiện hóa được dùng để:
- Loại bỏ mọi tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể
- Chuẩn bị cho tủy xương tiếp nhận tế bào gốc của người hiến
- Ức chế hệ miễn dịch để giảm khả năng đào thải tế bào gốc của người hiến
Điều trị điều kiện hóa bao gồm liệu pháp diệt tủy, trong đó bạn sẽ được thực hiện hóa trị liều cao thông qua ống thông (ống) tĩnh mạch trung tâm. Bạn cũng có thể phải xạ trị toàn thân (TBI), hình thức xạ trị trong đó toàn bộ cơ thể được điều trị bằng bức xạ. Kế hoạch điều trị sẽ thay đổi tùy vào loại bệnh điều trị.
Việc điều trị thường được tiến hành trong một vài ngày.
Cấy ghép tế bào gốc
Quá trình cấy ghép thường được thực hiện trong 1 – 3 ngày sau khi kết thúc điều trị điều kiện hóa. Ngày cấy ghép thường được gọi là ngày 0.
Bạn sẽ được cấy tế bào gốc qua ống thông tĩnh mạch trung tâm. Số lượng tế bào gốc bạn nhận được tính dựa trên cân nặng.
Thời gian cấy ghép phụ thuộc vào số lượng tế bào gốc được ghép. Thông thường sẽ kéo dài khoảng 1 – 2 tiếng.
Bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ để phát hiện mọi tác dụng phụ trong khi nhận tế bào gốc. Các tác dụng phụ có thể bao gồm run rẩy, sốt, đau ngực, đau đầu, buồn nôn, khó thở và nổi mề đay.
Sau thủ thuật
Sau thủ thuật, tế bào gốc được cấy ghép sẽ đi vào máu và đến tủy xương để bắt đầu sản sinh ra các tế bào máu mới. Quá trình này gọi là quá trình mọc mảnh ghép.
Có thể mất từ 2 – 6 tuần để số lượng tế bào máu của bạn trở lại mức bình thường.
Trong khoảng thời gian này, bạn có thể phải ở trong phòng cách ly tại bệnh viện do nguy cơ nhiễm trùng gia tăng. Bạn có thể:
- Cảm thấy mệt mỏi và có cảm giác chung là không khỏe
- Phải xét nghiệm máu hàng ngày và kiểm tra nhiệt độ thường xuyên
- Được theo dõi chặt chẽ để phát hiện các phản ứng như chảy máu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và mọi phản ứng khác
- Được cho dùng thuốc gồm thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm và thuốc kháng vi-rút để phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng
- Được truyền chất dinh dưỡng và thực phẩm bổ sung qua ống thông tĩnh mạch trung tâm cho đến khi bạn sẵn sàng ăn bằng đường miệng
- Được cung cấp các yếu tố kích thích tạo cụm (CSF) nhằm đẩy nhanh quá trình lành bệnh
- Cần truyền máu và truyền tiểu cầu
Bạn sẽ chỉ được xuất viện nếu bạn:
- Không bị sốt trong vòng 24 – 48 giờ
- Đã có thể uống thuốc và không bị nôn ra trong 48 giờ
- Có thể kiểm soát các triệu chứng như buồn nôn, nôn và tiêu chảy bằng thuốc
- Có thể ăn thức ăn và uống đủ chất lỏng
- Có số lượng tế bào máu ở mức an toàn
- Có người chăm sóc ở nhà để hỗ trợ trong quá trình hồi phục
Chăm sóc và phục hồi sau cấy ghép tế bào gốc đồng gen
Quá trình hồi phục có thể kéo dài vài tháng hoặc lâu hơn. Trong giai đoạn này, bạn có thể không thể quay lại làm việc hoặc tiếp tục lối sinh hoạt như trước đây.
Bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng trong 1 - 2 năm tới vì phải mất một thời gian hệ miễn dịch của bạn mới hoạt động bình thường trở lại.
Trong giai đoạn phục hồi, bạn sẽ phải tái khám theo lịch hẹn với bác sĩ để kiểm tra sức khỏe và tiến triển của bản thân.