Xạ trị là gì?
Xạ trị là một dạng điều trị ung thư sử dụng bức xạ để thu nhỏ khối u hoặc tiêu diệt tế bào ung thư trong một vùng nhỏ được nhắm mục tiêu. Xạ trị thường dùng tia X nhiều nhất, nhưng cũng có thể dùng proton hoặc các loại năng lượng khác như tia gamma.
Xạ trị, hóa trị và phẫu thuật là 3 phương pháp phổ biến nhất để điều trị ung thư. Các phương pháp này thường được dùng kết hợp với nhau, như là trong hóa xạ trị đồng thời hoặc dùng theo trình tự, ví dụ như xạ trị rồi đến phẫu thuật.
Cách hoạt động
Xạ trị giúp tiêu diệt hoặc làm chậm sự tăng trưởng của tế bào bằng cách phá hủy ADN. Sau khi vật liệu di truyền bị phá hủy, tế bào ung thư dừng phân chia và bắt đầu chết.
Xạ trị có hiệu quả sau một thời gian. Có thể mất vài ngày hoặc vài tuần sau khi xạ trị thì các tế bào ung thư mới bị tiêu diệt. Kể cả sau khi đã kết thúc xạ trị, tế bào ung thư sẽ tiếp tục chết trong vài tuần hoặc vài tháng.
Các loại xạ trị
Có 2 loại xạ trị chính.
Xạ trị bằng chùm tia bên ngoài
Trong xạ trị bằng chùm tia bên ngoài, thiết bị sẽ chiếu bức xạ vào vị trí ung thư mà không tiếp xúc với cơ thể. Máy có thể di chuyển xung quanh cơ thể và chiếu chùm tia vào một bộ phận cụ thể của cơ thể ở những góc khác nhau.
Xạ trị bằng chùm tia bên ngoài bao gồm:
Xạ trị trong
Trong xạ trị trong, nguồn bức xạ được đặt bên trong cơ thể. Nguồn bức xạ có thể là:
- Dạng rắn. Loại xạ trị này được gọi là xạ trị áp sát. Trong xạ trị áp sát, một mẩu hay hạt phóng xạ nhỏ được cấy vào cơ thể gần khối u. Điều này cho phép cung cấp liều bức xạ cao hơn cho các vùng nhất định của cơ thể.
- Dạng lỏng. Không giống như xạ trị chùm tia ngoài và xạ trị áp sát là các điều trị cục bộ đặc hiệu cho một vùng, đây là một liệu pháp điều trị toàn thân ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Nguồn bức xạ lỏng di chuyển trong dòng máu đến mô trong khắp cơ thể, tìm kiếm và tiêu diệt tế bào ung thư. Bạn có thể cần nuốt nguồn bức xạ lỏng, hoặc được tiêm hoặc truyền qua đường tĩnh mạch.
Bác sĩ sẽ khuyến cáo loại xạ trị phù hợp để điều trị cho bạn dựa trên các yếu tố sau:
- Loại ung thư
- Kích thước khối u
- Vị trí của khối u, bao gồm khoảng cách đến các mô nhạy cảm với bức xạ
- Sức khỏe tổng thể và bệnh sử của bạn
- Bạn có đang điều trị ung thư nào khác không
- Các yếu tố khác bao gồm tuổi và các bệnh lý khác
Sự khác biệt giữa xạ trị và các lựa chọn điều trị khác
Xạ trị và hóa trị có gì khác nhau?
Trong khi xạ trị sử dụng các hạt hoặc sóng năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư, hóa trị sử dụng thuốc để điều trị ung thư. Hóa trị là điều trị toàn thân vì thuốc sẽ đi khắp cơ thể, trong khi xạ trị thường là cục bộ ở một vùng nhất định của cơ thể.
Xạ phẫu và xạ trị có gì khác nhau?
Điểm khác biệt giữa xạ phẫu và xạ trị là cường độ và thời gian điều trị bức xạ.
Trong xạ phẫu định vị, bức xạ được chiếu ở cường độ rất cao, trong một liều đơn lẻ, đến một vùng nhỏ.
Trong xạ trị định vị, bức xạ được chiếu vào những thời điểm khác nhau, ở cường độ thấp hơn, đến những vùng lớn hơn. Điều này cho phép mô khỏe mạnh có thời gian hồi phục giữa các buổi điều trị.
Xạ trị và trị liệu proton có gì khác nhau?
Trị liệu proton là một loại xạ trị mới hơn, sử dụng nguồn năng lượng khác. Trong khi xạ trị thường sử dụng tia X, trị liệu proton sử dụng năng lượng từ các hạt có điện tích dương (proton) để tiêu diệt tế bào ung thư.
Tại sao cần xạ trị?
Xạ trị dùng để:
- Thu nhỏ khối u để dễ cắt bỏ bằng phẫu thuật, hoặc giảm triệu chứng trong chăm sóc giảm nhẹ.
- Tiêu diệt mọi tế bào ung thư còn sót lại sau khi phẫu thuật.
- Giảm khả năng tái phát ung thư.
Các nguy cơ và biến chứng của xạ trị là gì?
Bức xạ không chỉ phá hủy tế bào ung thư mà còn làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh. Các kỹ thuật xạ trị gần đây như xạ trị 3D theo hình dạng khối u đã làm giảm nguy cơ này bằng cách tăng mức độ chính xác của chùm tia để nhắm mục tiêu đến khối u.
Tuy nhiên, sẽ có tổn thương tế bào khỏe mạnh và tác dụng phụ do tổn thương. Tác dụng phụ tùy thuộc vào vị trí phơi nhiễm với bức xạ trên cơ thể và bức xạ được sử dụng nhiều hay ít.
Dưới đây là một số tác dụng phụ cho các bộ phận trên cơ thể khác nhau bị phơi nhiễm với bức xạ.
Bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể:
- Mệt mỏi
- Rụng tóc tạm thời hoặc vĩnh viễn
- Thay đổi về da
Bụng:
- Tiêu chảy
- Buồn nôn và nôn
- Thay đổi về tiết niệu và bàng quang
Não:
- Nhìn mờ
- Đau đầu
- Buồn nôn và nôn
Vú:
Ngực:
Đầu và cổ:
- Thay đổi ở miệng và vị giác
- Khó nuốt
- Tuyến giáp hoạt động kém hơn
Vùng chậu và trực tràng:
- Kích ứng bàng quang
- Tiêu chảy
- Các vấn đề về tình dục và khả năng sinh sản
- Các vấn đề về tiết niệu
Hầu hết các tác dụng phụ có thể kiểm soát được và sẽ giảm dần sau khi kết thúc điều trị.
Có giới hạn liều cả đời cho lượng bức xạ có thể chiếu an toàn cho một vùng trên cơ thể trong toàn bộ cuộc đời. Bác sĩ sẽ cân nhắc yếu tố này khi khuyến cáo xạ trị. Tuy nhiên, nếu một vùng cơ thể đã đạt đến giới hạn, vùng khác vẫn có thể xạ trị được nếu 2 vùng cách xa nhau.
Bạn chuẩn bị cho xạ trị như thế nào?
Nếu bạn được xạ trị bằng chùm tia bên ngoài, bạn sẽ được chẩn đoán hình ảnh chẳng hạn như chụp CT để lập sơ đồ cho vùng cơ thể cần điều trị.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể thực hiện mô phỏng. Mô phỏng bức xạ cho phép bác sĩ:
- Quyết định tư thế của bạn trong khi điều trị để bạn có thể nằm yên một cách thoải mái.
- Đánh dấu điểm trên cơ thể để chùm tia hội tụ vào đó, bằng dấu tạm thời hoặc vết xăm nhỏ vĩnh viễn.
Nếu bạn được xạ trị áp sát, ngoài chẩn đoán hình ảnh, bạn cũng cần nhịn ăn uống trước thủ thuật hoặc dùng thuốc tháo thụt để làm sạch ruột.
Điều gì sẽ xảy ra trong xạ trị?
Trong xạ trị bằng chùm tia bên ngoài, mỗi buổi điều trị thường ở khoa ngoại trú.
Thời gian ước tính
Mỗi buổi kéo dài 10 – 30 phút.
Trước thủ thuật
Bạn sẽ nằm xuống một cách thoải mái ở tư thế được xác định trước, có gối đầu và gối tựa để đỡ cho bạn.
Trong khi thực hiện thủ thuật
Thiết bị, thường là máy gia tốc tuyến tính, di chuyển xung quanh bạn và chiếu một liều tia năng lượng cao chính xác vào cơ thể. Bạn sẽ cần nằm yên và có thể được yêu cầu nín thở trong thời gian ngắn trong khi điều trị.
Trong xạ trị áp sát, bạn sẽ trải qua thủ thuật cấy và sau đó là lấy lại nguồn bức xạ trong cơ thể. Bạn sẽ nhiễm bức xạ khi thiết bị cấy nằm trong cơ thể. Tùy thuộc vào loại điều trị cụ thể, bạn có thể cần nằm viện để tránh lây nhiễm bức xạ cho những người xung quanh.
Chăm sóc và phục hồi sau xạ trị
Chăm sóc bản thân trong khi xạ trị là điều rất quan trọng. Nhiều bệnh nhân cho biết cảm thấy mệt mỏi và da nhạy cảm ở vị trí chiếu xạ. Sau đây là một số cách để chăm sóc bản thân sau mỗi buổi điều trị:
- Tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng. Xạ trị có thể dẫn đến khó ăn hoặc khó nuốt, đặc biệt là nếu bạn cảm thấy buồn nôn. Cơ thể cần thêm năng lượng để hồi phục sau xạ trị. Hãy lên kế hoạch cho chế độ ăn uống cẩn thận để đảm bảo đủ dinh dưỡng, calo và protein.
- Uống đủ nước, vì điều trị này có thể làm bạn dễ bị mất nước.
- Nghỉ ngơi đầy đủ vì điều trị này có khả năng làm bạn cảm thấy mệt hoặc yếu hơn.
- Chú ý đến chăm sóc da, như là bảo vệ vùng da bị ảnh hưởng khỏi ánh nắng trực tiếp và bôi sữa dưỡng da theo chỉ định của bác sĩ.
- Nhờ những người xung quanh bạn hỗ trợ về tinh thần. Điều trị ung thư có thể rất mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần. Hãy nhờ gia đình, bạn bè và các nhóm hỗ trợ giúp đỡ để bạn có thể tập trung vào việc phục hồi.