Rách và chấn thương chóp xoay - Triệu chứng & Nguyên nhân

Chấn thương chóp xoay là gì?

Chấn thương chóp xoay là viêm và sưng cơ và gân ở khớp vai.

Chóp xoay là mạng lưới gồm 4 cơ và một số gân xung quanh khớp vai. Mục đích của khớp này là để giữ cho xương cánh tay đúng chỗ và cho phép bạn xoay cánh tay.

Chấn thương chóp xoay xảy ra khi có viêm và sưng ở mạng lưới này.

Rách chóp xoay là rách cơ hoặc gân tạo thành chóp xoay. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau vai.

Các loại chấn thương chóp xoay

Có 3 loại chấn thương chóp xoay thường gặp:

  1. Viêm gân chóp xoay
  2. Hội chứng chèn ép chóp xoay
  3. Rách chóp xoay

Các triệu chứng của chấn thương chóp xoay là gì?

Bạn có thể đang bị một dạng chấn thương chóp xoay nếu cơn đau vai gây ảnh hưởng đến khả năng thực hiện một số hoạt động hoặc giới hạn phạm vi vận động, như là với tay cao quá đầu hoặc ra sau lưng.

Chú ý đến mọi dấu hiệu sau đây:

  • Khó nhấc cánh tay
  • Yếu tổng thể ở vai
  • Không thể nâng vật nặng mà bạn vẫn thường nâng được
  • Đau khi cử động cánh tay theo một cách nhất định hoặc khi bạn nằm đè lên cánh tay đó
  • Nghe thấy hoặc cảm thấy tiếng khớp lục cục khi cử động cánh tay

Một số triệu chứng là đặc trưng của những loại chấn thương cụ thể. Nếu bạn bị:

  • Đau và yếu ở vai, bạn có thể bị rách chóp xoay.
  • Đau nặng hơn khi cử động lặp lại hoặc cao quá đầu, bạn có thể bị viêm bao hoạt dịch.
  • Đau toàn bộ vai hoặc đau nặng hơn với các hoạt động với cao quá đầu hoặc vào buổi đêm, bạn có thể bị viêm gân chóp xoay.
  • Đau vai mạn tính nặng hơn với các hoạt động cao quá đầu hoặc vào buổi đêm, bạn có thể bị hội chứng chèn ép chóp xoay.

Nguyên nhân gây chấn thương chóp xoay là gì?

Có một số loại chấn thương chóp xoay khác nhau. Các loại này có thể là:

  • Cấp tính, do sự cố cụ thể như bị ngã gây ra
  • Thoái hóa, do việc sử dụng lặp đi lặp lại một hành động trong một thời gian dài gây ra

Chấn thương cấp tính dễ xảy ra hơn ở nhóm tuổi trẻ hơn. Chấn thương do thoái hóa có nhiều khả năng xảy ra:

  • Ở vận động viên, đặc biệt là vận động viên chơi quần vợt và bóng chày.
  • Ở người làm công việc đòi hỏi phải thực hiện động tác nâng lặp đi lặp lại, chẳng hạn như thợ sơn.
  • Ở người trên 40 tuổi, vì lượng máu truyền đến gân chóp xoay giảm theo độ tuổi, làm ảnh hưởng đến khả năng khắc phục tổn thương gân của cơ thể. Gai xương cũng thường gặp hơn ở người lớn tuổi. Gai xương cọ xát vào gân chóp xoay khi giơ cánh tay lên, dẫn đến rách.
  • Khi sử dụng quá mức để thực hiện các công việc thường ngày tại nhà.

Các nguyên nhân gây chấn thương chóp xoay phổ biến

Nguyên nhân gây chấn thương chóp xoay phụ thuộc vào loại chấn thương chóp xoay liên quan:

  • Rách chóp xoay là rách ở gân chóp xoay thay vì ở cơ. Ở người trẻ tuổi, vết rách thường xảy ra do ngã hoặc tai nạn. Ở người cao tuổi, vết rách thường do hội chứng chèn ép chóp xoay gây ra.
  • Viêm bao hoạt dịch xảy ra do viêm các túi chứa dịch nằm giữa gân chóp xoay và xương bên dưới.
  • Viêm gân chóp xoay xảy ra do tình trạng kích ứng và sưng các gân cơ chóp xoay. Tình trạng này có thể xuất hiện do chấn thương hoặc sử dụng vai quá mức. Tình trạng này có thể xảy ra ở:
    • Vận động viên tham gia các môn thể thao ném.
    • Người không phải là vận động viên thường xuyên nâng vật nặng hoặc thực hiện các hoạt động cần cử động vai lặp đi lặp lại.
  • Hội chứng chèn ép chóp xoay xảy ra khi gân chóp xoay bị kẹt và liên tục cọ xát với xương bả vai, dẫn đến tình trạng hao mòn gân.

Biến chứng và các bệnh liên quan của chấn thương chóp xoay là gì?

Nếu không điều trị, rách chóp xoay có thể nặng thêm và hạn chế cử động do đau và khó chịu dai dẳng. Nếu cảm giác bó chặt hay cứng trầm trọng hơn, chấn thương này có thể dẫn đến một bệnh trạng gọi là đông cứng khớp vai (viêm dính bao khớp vai). Qua thời gian, đông cứng khớp vai có thể dẫn đến yếu vĩnh viễn hoặc mất khả năng vận động cũng như thoái hóa tiến triển khớp vai.

Nếu bạn không chắc chắn cơn đau vai chỉ là căng cơ hay một bệnh trạng nghiêm trọng hơn, đừng trì hoãn mà hãy đi khám vai với bác sĩ.

Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777