• Gleneagles Singapore

Đột quỵ

  • Đột quỵ là gì?

    Đột quỵ, Bệnh viện Gleneagles

    Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ ba tại Singapore, chiếm khoảng 7% số ca tử vong hàng năm trong năm 2015.1 Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu tới một phần của não bộ bị gián đoạn đột ngột hoặc sụt giảm nghiêm trọng, khiến các tế bào não bị chết. Đột quỵ có thể gây tổn thương hoặc khuyết tật vĩnh viễn, tùy thuộc vào phần não bị ảnh hưởng.

    Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ:

    • Đột quỵ nhồi máu não xảy ra khi động mạch cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn do các mảng lắng đọng cholesterol (mảng xơ vữa) tích tụ bên trong thành động mạch, hoặc do một cục máu đông xuất phát từ tim hoặc di chuyển ngược dòng trong cùng một mạch máu.
    • Đột quỵ chảy máu não xảy ra khi một mạch máu bị suy yếu trong não vỡ ra, thường do huyết áp cao. Tuy nhiên, đột quỵ cũng có thể xảy ra do 2 loại mạch máu suy yếu khác – cụ thể là phình động mạch, nghĩa là sự phồng (sưng) lên của một phần bị suy yếu trong mạch máu, hoặc dị dạng động tĩnh mạch (AVM), là một nhóm các mạch máu có hình dạng bất thường trong não.

    Trong thiếu máu não thoáng qua (TIA), nguồn cung cấp máu cho não bị gián đoạn tạm thời do một cục máu đông thoáng qua (tạm thời), cục máu đông này sẽ tự tan ra sau một khoảng thời gian. Tình trạng này gây ra một “cơn đột quỵ nhỏ”, trong đó các triệu chứng diễn ra nhanh và chỉ kéo dài trong khoảng thời gian tương đối ngắn (từ vài phút đến dưới 24 giờ). Những người có TIA cần xem đây là một dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng và phải lập tức tìm kiếm hỗ trợ y tế để tìm hiểu các yếu tố nguy cơ của bản thân và để có thể phòng ngừa đột quỵ.

    Nhiều người thường cho rằng đột quỵ là bệnh lý ảnh hưởng đến người cao tuổi. Tuy nhiên, thực tế là đột quỵ có thể tấn công bất kỳ ai ở bất kỳ độ tuổi nào. Hãy tìm hiểu sự thật đằng sau một số lầm tưởng phổ biến nhất về đột quy.

  • Đột quỵ là một biến cố gây tổn thương, xảy ra đơn độc, tuy nhiên, các tình trạng dẫn đến đột quỵ thường phát triển theo thời gian. Điều quan trọng là phải nhận thức được những yếu tố nguy cơ có liên quan đến đột quỵ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi có thể.

    Những người có các tình trạng sau đây có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn:

    • Huyết áp cao (tăng huyết áp)
    • Bệnh tim
    • Đái tháo đường
    • Thói quen hút thuốc lá
    • Sử dụng nhiều đồ uống có cồn
    • Nồng độ cholesterol trong máu cao

    Đây là những yếu tố nguy cơ có thể được điều chỉnh bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng thuốc điều trị.

    Một số yếu tố nguy cơ nhất định không thể thay đổi bao gồm:

    • Tuổi cao
    • Từng bị đột quỵ hoặc TIA trước đó
    • Tiền sử gia đình bị đột quỵ
    • Các tình trạng di truyền hoặc bẩm sinh ít gặp.

    Bằng cách áp dụng một số thay đổi nhất định về lối sống, có thể kiểm soát những yếu tố nguy cơ nhất định như huyết áp cao và nồng độ cholesterol cao. Vui lòng trao đổi với bác sĩ để tìm hiểu thêm.

  • Các triệu chứng của đột quỵ thường bao gồm các tình trạng sau đây:

    • Yếu và/hoặc tê nửa người đột ngột
    • Nhìn đôi hoặc các rối loạn thị giác đột ngột khác
    • Lú lẫn hoặc chóng mặt đột ngột
    • Đau đầu đột ngột, dữ dội
    • Nhạy cảm đột ngột với ánh sáng
    • Khó nói hoặc khó nuốt
    • Mất thăng bằng hoặc khả năng phối hợp
    • Mất ý thức
    • Mất trí nhớ hoặc mất khả năng tập trung
    • Buồn nôn hoặc nôn nhẹ

    Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào trong số các dấu hiệu cảnh báo nêu trên, bạn cần nhanh chóng tìm kiếm chăm sóc y tế. Điều trị y tế tức thì (trong vòng 3 giờ kể từ khi khởi phát cơn đột quỵ) có thể giúp giảm thiểu nguy cơ khuyết tật. Vui lòng trao đổi với bác sĩ để tìm hiểu thêm về những hành động cần thực hiện khi bị đột quỵ.

  • Các biện pháp phòng ngừa và điều trị đột quỵ bao gồm:

    • Các thuốc làm loãng máu (ví dụ như aspirin) giúp máu lưu thông và giảm nguy cơ tái phát đột quỵ
    • Dùng thuốc hoặc thay đổi chế độ ăn uống để kiểm soát huyết áp, nồng độ cholesterol hoặc nồng độ glucô trong máu
    • Điều trị phục hồi chức năng trong đó có thể bao gồm vật lý trị liệu và/hoặc âm ngữ trị liệu được thiết kế riêng để giúp bệnh nhân trở lại với hoạt động thường ngày
    • Can thiệp ngoại khoa nếu cần thiết để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ, ví dụ như phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh (CEA) để khắc phục tình trạng hẹp động mạch

    Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của bạn và tư vấn cho bạn về liệu pháp điều trị thích hợp.

    Phòng ngừa nguyên phát là ngăn ngừa đột quỵ xảy ra ở những người được chẩn đoán có các yếu tố nguy cơ nhưng chưa từng bị đột quỵ trước đây. Đối với bệnh nhân huyết áp cao, có thể kê các thuốc như thuốc điều trị tăng huyết áp. Các nghiên cứu đã cho thấy lợi ích của việc điều trị huyết áp cao ở bệnh nhân cao tuổi, trong đó việc hạ huyết áp dù chỉ một chút cũng có thể làm giảm hiệu quả nguy cơ đột quỵ từ 30 – 40%.2 Bệnh nhân mắc các bệnh về tim như nhịp tim không đều (rung nhĩ) có thể được kê thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu) để kiểm soát tình trạng bệnh và làm giảm nguy cơ.

    Phòng ngừa thứ phát có nghĩa là làm giảm nguy cơ tái phát đột quỵ sau khi đã trải qua một cơn đột quỵ hoặc TIA trước đây. Nguy cơ tái phát đột quỵ sau khi đã có một cơn đột quỵ hoặc TIA là 5 – 15% mỗi năm.3 Việc kê đơn thuốc dưới dạng thuốc kháng tiểu cầu để làm giảm xu hướng hình thành cục máu đông hoặc thuốc hạ cholesterol có thể làm giảm tới 5 lần nguy cơ xảy ra một cơn đột quỵ khác trong khoảng thời gian 90 ngày.4 Tùy thuộc vào độ nặng của đột quỵ, có thể cần tiến hành phẫu thuật.

    Bằng việc hiểu rõ về các yếu tố nguy cơ và điều chỉnh lối sống, bạn có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ của mình. Hãy có trách nhiệm với sức khỏe của bản thân ngay hôm nay bằng cách áp dụng các hướng dẫn chung sau:

    • Ngừng hút thuốc
    • Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn
    • Tập thể dục vừa phải
    • Chế độ ăn uống lành mạnh chứa ít muối, đường và carbohydrat tinh luyện (ví dụ như bánh mỳ trắng và mì sợi), bổ sung thêm rau quả
    • Khám sức khỏe định kỳ để tìm hiểu các yếu tố nguy cơ của bản thân, nghĩa là nồng độ cholesterol, glucô trong máu, sức khỏe tim mạch và xác định xem bạn có bị rối loạn hô hấp khi ngủ (ngưng thở khi ngủ) dẫn đến tăng huyết áp hay không
    • Cần tìm kiếm điều trị y tế nếu huyết áp được chẩn đoán cao hơn 140/90mmHg trong 3 lần đo riêng biệt

    Vui lòng trao đổi với bác sĩ của bạn để biết thêm thông tin. Tìm hiểu thêm về các biện pháp sàng lọc và phòng ngừa đột quỵ sẵn có.

  • Nếu có các yếu tố nguy cơ liên quan đến đột quỵ, bạn cần trao đổi với bác sĩ của mình và xác định xem có thể thực hiện những phương pháp sàng lọc phù hợp nào để kiểm soát nguy cơ đột quỵ.

    Bạn nên thực hiện các bước chung sau đây để hiểu rõ hơn và giảm nguy cơ cho bản thân:

    • Kiểm tra huyết áp và điều trị nếu huyết áp tăng cao. Huyết áp cao, hay tăng huyết áp, được định nghĩa là có huyết áp (BP) cao hơn 140/90mmHg trong 3 lần đo riêng biệt. Tăng huyết áp khiến nguy cơ đột quỵ tăng gấp 6 lần.
    • Xác định xem bạn có bị đái tháo đường không. Đái tháo đường khiến nguy cơ đột quỵ tăng gấp 4 lần và nồng độ đường trong máu cao ảnh hưởng xấu đến quá trình hồi phục khi xảy ra đột quỵ.
    • Kiểm tra nồng độ cholesterol và thực hiện các bước để giảm nồng độ này nếu chỉ số tăng cao. Nồng độ cholesterol tăng có thể khiến nguy cơ đột quỵ tăng gấp 3 lần.
    • Xác định xem bạn có mắc bệnh tim không. Đặc biệt, tình trạng rung nhĩ (nhịp tim không đều) có thể khiến nguy cơ đột quỵ tăng gấp 4 - 6 lần. Khi gặp tình trạng này, máu trong tim có xu hướng hình thành các cục máu đông có thể di chuyển đến bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Nếu cục máu đông di chuyển lên não, chúng có thể gây đột quỵ.
    • Xác định xem bạn có mắc bệnh động mạch cảnh không. Động mạch cảnh là các mạch máu vận chuyển hầu hết lượng máu cung cấp cho não và khi động mạch cảnh bị thu hẹp nghiêm trọng, có thể tiến hành phẫu thuật để loại bỏ các mảng lắng đọng trong mạch.
    • Xác định xem bạn có bị rối loạn hô hấp khi ngủ (ngưng thở khi ngủ) không. Ngưng thở khi ngủ hầu như luôn được phát hiện ở những người ngáy trong khi ngủ. Tình trạng này có thể làm tăng huyết áp, từ đó dẫn đến đột quỵ và đau tim. Những người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ có nồng độ ôxy trong máu thấp ở mức nguy hiểm trong khi nồng độ carbon dioxide lại tăng, có khả năng dẫn đến đột quỵ trong khi ngủ.
  • Mặc dù đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ ba ở Singapore, nhưng vẫn có rất nhiều lầm tưởng xoay quanh tình trạng này. Nắm rõ những sự thật về đột quỵ có thể giúp bạn ứng phó một cách nhanh chóng và phù hợp khi biến cố này xảy ra.

    LẦM TƯỞNG: Đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi

    SỰ THẬT: Đột quỵ có thể tấn công bất kỳ ai ở bất kỳ độ tuổi nào. Mặc dù đúng là tuổi càng cao thì nguy cơ đột quỵ càng tăng, nhưng việc cho rằng đột quỵ không thể xảy ra ở người trẻ tuổi và việc bỏ qua các triệu chứng khi chúng xuất hiện là hết sức nguy hiểm. Ngoài ra, điều quan trọng là phải lưu ý về các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao và béo phì, đồng thời áp dụng những thay đổi phù hợp về lối sống như tập luyện đúng cách và ăn uống hợp lý.

    LẦM TƯỞNG: Đột quỵ xảy ra ở tim

    SỰ THẬT: Đột quỵ xảy ra ở não. Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu tới một phần của não bộ thông qua mạch máu (động mạch) bị gián đoạn đột ngột hoặc sụt giảm nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng mô não nhận được ít ôxy và dưỡng chất hơn. Điều này khiến các tế bào não chết đi và có thể gây tổn thương hoặc khuyết tật vĩnh viễn, tùy thuộc vào phần não bị ảnh hưởng.

    LẦM TƯỞNG: Đột quỵ nhẹ không cần chăm sóc y tế

    SỰ THẬT: Mọi cơn đột quỵ, dù nhẹ đến đâu, cũng cần được chăm sóc y tế tức thì. Một số người có thể có thiếu máu não thoáng qua (TIA), khi nguồn cung cấp máu cho não bị gián đoạn tạm thời do một cục máu đông thoáng qua (tạm thời). Tình trạng này gây ra một “cơn đột quỵ nhỏ”, trong đó các triệu chứng diễn ra nhanh và chỉ kéo dài trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Những người có TIA cần xem đây là một dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng và phải lập tức tìm kiếm hỗ trợ y tế để phòng ngừa đột quỵ nặng trong tương lai.

    LẦM TƯỞNG: Đột quỵ không bao giờ xảy ra ở trẻ sơ sinh

    SỰ THẬT: Đột quỵ có thể tấn công bất cứ ai, bao gồm cả trẻ sơ sinh. Ở những bệnh nhân nhỏ tuổi hơn, đột quỵ có thể xảy ra do bệnh tim bẩm sinh hoặc do bệnh tự miễn khi hội chứng này dẫn đến các bất thường về đông máu.

    LẦM TƯỞNG: Đau đầu dữ dội là dấu hiệu của đột quỵ

    SỰ THẬT: Đau đầu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và thường không phải là dấu hiệu của đột quỵ. Tuy nhiên, một số cơn đột quỵ có thể dẫn đến đau đầu đột ngột và dữ dội. Một cơn đột quỵ đủ nặng để gây đau đầu sẽ luôn có đủ khả năng gây ra các triệu chứng khác. Đau đầu do chảy máu đột ngột là một tình trạng nặng, có các triệu chứng kèm theo như buồn nôn, nôn nhẹ và nhạy cảm đột ngột với ánh sáng.

    LẦM TƯỞNG: Không thể phòng ngừa đột quỵ

    SỰ THẬT: Có thể kiểm soát nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ bằng cách thay đổi lối sống hoặc sử dụng thuốc điều trị. Kiểm soát tình trạng huyết áp cao, nồng độ cholesterol trong máu cao, bệnh tim và bệnh đái tháo đường đều là những cách giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ. Các biện pháp phòng ngừa khác bao gồm không hút thuốc, hạn chế sử dụng đồ uống có cồn và kiểm soát cân nặng.

    Thông tin được đóng góp bởi Bs. Ho King Hee, bác sĩ chuyên khoa thần kinh, Bệnh viện Gleneagles.

    Tài liệu tham khảo

    1. Ministry of Health, Principal Causes of Death, Retrieved 2016 https://www.moh.gov.sg/content/moh_web/home/statistics/Health_Facts_Singapore/Principal_Causes_of_Death.html
    2. BMJ. 15 Feb 1992; 304(6824): 405 – 412. Medical Research Council trial of treatment of hypertension in older adults: principal results. MRC Working Party
    3. Cillessen J. P., Kappelle L. J., van Sweiten J. C., Algra A., van Gijn J. Does cerebral infarction after a previous warning occur in the same vascular territory. Stroke 1993, 24:351-4, Johnston S. C., Gress D. R., Browner W. S., Sidney S. Short-term prognosis after emergency department diagnosis of TIA. JAMA 2000, 284:2901 – 6
    4. Rothwell P. M., Giles M. F., Chandratheva A., et al. Effect of urgent treatment of transient ischaemic attack and minor stroke on early recurrent stroke (EXPRESS study): a prospective population-based sequential comparison. Lancet 2007, 370(9596):1432 – 42
  • Các chuyên gia của chúng tôi

    Tìm thấy 7 bác sĩ chuyên khoaXem tất cả

    Tìm thấy 7 bác sĩ chuyên khoaXem tất cả