Chụp cắt lớp bằng bức xạ positron (PET) là gì?

Chụp cắt lớp bằng bức xạ positron (PET) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh y khoa hiện đại cung cấp thông tin chi tiết về chức năng của một cơ quan hoặc hệ cơ quan trong cơ thể.
Kỹ thuật này được kết hợp đồng thời với một kỹ thuật giải phẫu như chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Những kỹ thuật này cho phép bác sĩ:
- Đánh giá tình trạng hoạt động chức năng cùng với ngoại quan của cơ quan hoặc mô.
- Phát hiện bất thường ngay cả trước khi cơ quan thay đổi hình dạng bình thường
Chụp PET thường được dùng để đánh giá và chẩn đoán các bệnh ung thư, rối loạn thần kinh (não) và bệnh tim mạch (liên quan đến tim).
Khi đánh giá giai đoạn ung thư, chụp PET-CT hoặc chụp PET-MRI có thể cung cấp nhiều thông tin hơn so với chụp MRI hoặc CT đơn thuần. Những kỹ thuật chụp này cũng có thể cho biết mức độ hiệu quả của phương pháp điều trị ung thư đang áp dụng. Đối với tim, chụp cắt lớp bằng bức xạ positron - cắt lớp vi tính (PET-CT) dùng rubidium chuyên biệt có thể xác định tình trạng cơ tim nhận đủ hay không lưu lượng máu trong các điều kiện khác nhau.
Cách thực hiện thủ thuật
Trong quá trình chụp PET, chất đánh dấu phóng xạ sẽ được tiêm vào máu. Vì chất đánh dấu phóng xạ thường tích tụ trong các mô bị bệnh nên máy chụp PET có thể dùng chất đánh dấu phóng xạ để tạo ra hình ảnh đa chiều về cơ thể.
Hầu hết máy chụp PET đều được kết hợp với chụp CT. Điều này cho phép kết hợp thông tin về cấu trúc có được từ ảnh chụp CT với thông tin về chức năng trên ảnh chụp PET.
Hình ảnh kèm sơ đồ màu thu được từ quá trình chụp PET sẽ được chuẩn bị để bạn trao đổi cùng bác sĩ chuyên khoa.
Tại sao cần chụp PET?
Chụp PET có thể:
- Đo các chức năng quan trọng như lưu lượng máu, tình trạng tiêu thụ ôxy và chuyển hóa đường (glucô) trong máu.
- Xác định cơ quan và mô hoạt động không bình thường hoặc bị viêm.
- Phát hiện tế bào u ung thư để giúp đánh giá tình trạng lây lan của ung thư (di căn).
- Đánh giá mức độ hiệu quả của phương pháp điều trị ung thư đang áp dụng.
Chụp PET có thể giúp phát hiện ung thư sớm hơn so với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như chụp CT và MRI. Chụp PET cũng có thể giúp bác sĩ xác định vị trí ung thư có thể đang lây lan.
Khi nào cần chụp PET?
Bác sĩ có thể khuyến cáo chụp PET để:
- Phát hiện hoặc đánh giá giai đoạn ung thư tiềm ẩn
- Xác định tình trạng các cơ quan quan trọng như tim có nhận đủ hay không lưu lượng máu đến các vùng trọng yếu
- Kiểm tra tình trạng nghi ngờ nhiễm trùng hoặc viêm trong cơ thể, bao gồm cả các cơ quan và xương
- Kiểm tra bất thường tại cơ quan bất kỳ
- Theo dõi sau điều trị ung thư
Chụp PET có thể hỗ trợ thêm cho quá trình lên phương án phẫu thuật để điều trị các cơn co giật động kinh thông qua việc chỉ ra phần não nào là nơi khởi phát động kinh.
Kỹ thuật này cũng được sử dụng để đánh giá bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson vì hình ảnh thu được có thể chỉ ra những vùng não hoạt động không bình thường. Việc phát hiện sớm các rối loạn thần kinh này có thể giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả cao hơn.
Các nguy cơ và biến chứng của chụp PET là gì?
Chụp PET là thủ thuật an toàn và không gây đau. Tuy nhiên, nếu bạn mắc hội chứng sợ không gian hẹp, bạn có thể lo lắng về việc phải vào buồng máy.
Vui lòng trao đổi việc này với bác sĩ để chúng tôi có thể điều chỉnh dịch vụ chăm sóc tối ưu cho bạn.
Chuẩn bị cho chụp PET như thế nào?
Trước khi chụp PET, bạn nên cho bên cung cấp dịch vụ y tế biết:
- Nếu bạn mắc hội chứng sợ không gian hẹp.
- Nếu bạn từng bị phản ứng dị ứng nặng trong quá khứ.
- Về tình trạng sức khỏe của bạn như đái tháo đường hoặc đang mang thai.
- Về các loại thuốc và thực phẩm chức năng bạn đang dùng.
Nhìn chung, bạn nên tránh các bài tập cần gắng sức hoặc hoạt động tương tự trong một ngày trước khi chụp PET. Bạn cũng có thể cần nhịn ăn trong vài giờ trước khi chụp PET.
Bạn có thể kỳ vọng điều gì khi chụp PET?
Thông thường, chụp PET là thủ thuật ngoại trú nên bạn có thể tiếp tục hoạt động trong ngày sau khi quá trình chụp hoàn tất.
Thời gian ước tính
Chụp PET cần khoảng 30 phút nhưng có thể kéo dài hơn nếu phải tiến hành kiểm tra đặc biệt hoặc chụp MRI.
Trong khi thực hiện thủ thuật
Bạn phải nằm yên trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật vì việc cử động có thể làm hình ảnh thu được bị mờ.
Kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn bạn như khi nào nên nín thở và khi nào nên nằm yên. Trong quá trình chụp, bạn có thể nghe thấy tiếng vo vo và răng rắc.
Sau thủ thuật
Trừ khi có hướng dẫn khác từ bác sĩ, bạn sẽ được phép tiếp tục các hoạt động thông thường sau khi chụp PET.
Bạn sẽ được hướng dẫn uống ít nhất 5 ly nước.
Chăm sóc và phục hồi sau chụp PET
Bạn sẽ có thể tiếp tục hoạt động trong ngày như bình thường sau khi chụp PET.
Nếu gặp phải các triệu chứng sau đây sau khi chụp, hãy thông báo ngay cho kỹ thuật viên y học hạt nhân hoặc bác sĩ:
- Hắt hơi
- Mắt ngứa
- Mề đay và phát ban
- Nghẹt mũi
- Buồn nôn và nôn
- Run và đau
- Bồn chồn
- Chóng mặt