Hiểu về các giai đoạn khác nhau của thai kỳ và sự phát triển của thai nhi cũng như của cơ thể bạn sẽ giúp bạn giảm bớt lo lắng và chuẩn bị tốt hơn cho việc làm mẹ:
Tam cá nguyệt đầu tiên (Từ khi thụ thai đến thời điểm 12 tuần)
Tam cá nguyệt đầu tiên là khoảng thời gian của rất nhiều những lần đầu tiên. Bạn sẽ có các dấu hiệu ốm nghén, ngực sưng đau, đi vệ sinh thường xuyên hơn, tăng cân, thèm ăn hoặc chán ăn, mệt mỏi, v.v. Bạn có thể thảo luận với bác sĩ về cách kiểm soát những thay đổi này. Bác sĩ cũng có thể tiến hành siêu âm để kiểm tra nhịp tim, xác định xem có nhiều hơn một thai nhi hay không, ước tính mức độ phát triển của thai nhi và ngày dự sinh để bạn có thể lập kế hoạch chuẩn bị. Đến cuối tam cá nguyệt này, quy trình sàng lọc sẽ có sẵn để đánh giá xem thai nhi của bạn đang khỏe mạnh hay có bất kỳ bất thường nào như hội chứng Down hay không.
Hầu hết các trường hợp mang thai đều diễn ra suôn sẻ, nhưng một số trường hợp có thể không như vậy. Nếu bạn gặp phải triệu chứng đau hoặc chảy máu trong khoảng thời gian giữa tuần 6 đến tuần 10 và đã từng bị sảy thai trước đó, bác sĩ sản khoa có thể yêu cầu bạn thực hiện kiểm tra sớm nhằm xác định cách tốt nhất để quản lý thai kỳ và kiểm soát các nguy cơ.
Giai đoạn này của thai kỳ đòi hỏi bạn phải thay đổi thói quen sinh hoạt như ngủ sớm hơn để tránh mệt mỏi, thường xuyên ăn nhiều bữa nhỏ để đáp ứng cơn thèm ăn trong khi vẫn kiểm soát được việc tăng cân, cắt giảm caffeine, dùng vitamin trước khi sinh theo chỉ định của bác sĩ sản khoa, v.v. Mỗi phụ nữ lại có thể trạng khác nhau và một số người có thể bị thay đổi nội tiết tố nhiều hơn những người khác, khiến mỗi trường hợp mang thai là một trải nghiệm độc nhất.
Thai nhi của bạn cũng sẽ trải qua các giai đoạn phát triển. Thai nhi ban đầu chỉ là một cụm tế bào có chiều dài khoảng 8 – 9cm, từ đó các cơ quan quan trọng bắt đầu phát triển, cùng với mắt, mầm răng, tai, ngón tay và ngón chân. Vào cuối tam cá nguyệt đầu tiên, bạn có thể xác định giới tính thai nhi với hỗ trợ của bác sĩ sản khoa.
Đây cũng là thời điểm bạn bắt đầu tìm hiểu các lựa chọn chăm sóc thai sản. Để giúp bạn hiểu về dịch vụ chăm sóc thai sản của bệnh viện chúng tôi, chúng tôi khuyến khích bạn tham gia một chuyến tham quan bệnh viện trước sinh tại Bệnh viện Gleneagles.
Tam cá nguyệt thứ hai (Thời điểm 13 – 26 tuần)
Các dấu hiệu như ốm nghén và mệt mỏi mà bạn gặp phải trong tam cá nguyệt đầu tiên sẽ biến mất khi bước sang tam cá nguyệt thứ hai. Giai đoạn này sẽ lại xuất hiện những thách thức mới – bụng bầu của bạn lộ rõ hơn do tử cung mở rộng. Bạn có thể bắt đầu có các dấu hiệu như vết rạn da và giữ nước, dẫn đến sưng ngón tay, chân và mắt cá chân. Các triệu chứng khác như đau lưng, đau đầu và chóng mặt đều là một phần trong quá trình mang thai bình thường. Đây cũng có thể là thời điểm bạn nhận được nhiều nhận xét hơn về việc có “nước da hồng hào khi mang thai” hoặc làn da sáng.
Có nhiều bước cần thực hiện để quản lý một thai kỳ khỏe mạnh. Điều quan trọng là bạn cần tuân thủ chế độ ăn lành mạnh, uống nhiều chất lỏng và nước và dùng vitamin trước khi sinh theo chỉ định của bác sĩ để duy trì tình trạng tăng cân lành mạnh và có đủ chất dinh dưỡng. Bạn có thể bắt đầu sử dụng kem trị rạn da để điều trị các vết rạn trên da nếu có. Nếu nhận thấy tình trạng sưng đột ngột hoặc quá mức hoặc tăng cân nhanh, bạn cần gọi cho bác sĩ sản khoa sớm nhất có thể vì đây có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.
Khi chuyển từ tam cá nguyệt đầu tiên sang tam cá nguyệt thứ hai, bác sĩ sản khoa có thể yêu cầu bạn đến thực hiện siêu âm và các xét nghiệm khác để xác định tình trạng sức khỏe của thai nhi. Trong giai đoạn này, lông tơ sẽ bắt đầu mọc trên khắp cơ thể em bé. Khi xương của bé cứng cáp hơn, bạn có thể cảm nhận được em bé chuyển động, đạp và thậm chí cả thói quen thức ngủ của bé. Đây là thời điểm bạn có thể tìm hiểu thêm về thai kỳ của mình thông qua các lớp học và hội thảo Tiền sản.
Tam cá nguyệt thứ ba (Từ thời điểm 27 tuần đến khi sinh)
Trong giai đoạn này, bụng bầu của bạn sẽ phát triển to hơn nữa và bạn sẽ thường cảm thấy mệt mỏi và đau lưng. Ngực của bạn có thể bắt đầu rỉ sữa và bạn nên nghỉ ngơi nhiều, tránh nâng vật nặng và làm các công việc gắng sức khác. Bạn sẽ cần đến khám bác sĩ sản khoa 2 tuần một lần và bắt đầu lập kế hoạch sinh: khi nào, ở đâu, hình thức sinh và người hộ sinh.