Tăng huyết áp (Huyết áp cao) - Chẩn đoán và Điều trị

Tăng huyết áp được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và bệnh sử của bạn. Bạn cũng có thể cần đến các xét nghiệm chẩn đoán sau:

  • Xét nghiệm máu. Bác sĩ sẽ cần kiểm tra nồng độ nitơ urê, chất điện giải và creatinine trong máu. Xét nghiệm máu được thực hiện để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến thận và để xác định nguyên nhân gây tăng huyết áp, hoặc để tìm kiếm dấu hiệu của biến chứng.
  • Xét nghiệm nước tiểu. Cần thực hiện xét nghiệm này để kiểm tra chất điện giải và nội tiết tố. Xét nghiệm nước tiểu được dùng để sàng lọc nguyên nhân gây huyết áp cao và tìm kiếm tổn thương ở thận do tăng huyết áp không điều trị gây ra.
  • Chụp X-quang. Chụp X-quang cung cấp hình ảnh về tim, phổi và lồng ngực. Hình ảnh này có thể cho thấy tình trạng phì đại ở tâm thất phải của tim. Chụp X-quang ngực cũng có thể được dùng để kiểm tra các bệnh lý khác ở phổi có thể gây huyết áp cao.
  • Điện tâm đồ (ECG). Xét nghiệm này đo hoạt động điện, nhịp đập và nhịp tim thông qua các điện cực dán vào chân, cánh tay và ngực. Kết quả ghi nhận trên giấy biểu đồ cũng có thể cho thấy dấu hiệu phì đại tâm thất phải hoặc căng cơ tim.
  • Kiểm tra huyết áp trong 24h bằng máy đo huyết áp lưu động. Kiểm tra này ghi lại huyết áp và nhịp tim trong 24 giờ trong khi bạn thực hiện các hoạt động thường ngày. Việc này cho phép bác sĩ đánh giá chính xác hơn những thay đổi của huyết áp.

Tăng huyết áp được điều trị như thế nào?

Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của bạn và thảo luận về các lựa chọn điều trị sẵn có. Các lựa chọn điều trị này có thể kết hợp giữa:

Thay đổi lối sinh hoạt để cải thiện sức khỏe tổng thể

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh (ví dụ: hạn chế đồ ăn nhiều muối, choresterol và tất cả các loại chất béo, đồng thời tăng lượng chất xơ nạp vào)
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn
  • Duy trì cân nặng có lợi cho sức khỏe
  • Bỏ hút thuốc

Theo dõi huyết áp tại nhà

Bạn cần theo dõi huyết áp thường xuyên để xác định hiệu quả của việc điều trị. Dùng thiết bị đã được kiểm định và luôn kiểm tra xem băng quấn có vừa không. Để bác sĩ kiểm tra độ chính xác của máy theo dõi huyết áp.

Kiểm tra ý nghĩa kết quả đo huyết áp:

Kết quả đo huyết áp (mm HG) Ý nghĩa
90/60 trở xuống Hạ huyết áp, hay huyết áp thấp
Dưới 120/80 Bình thường
120 – 129/dưới 80 Cao
130 – 139/80 – 89 Tăng huyết áp giai đoạn 1
Trên 140/90 Tăng huyết áp giai đoạn 2
Trên 180/120 Tăng huyết áp nguy kịch

Khám sức khỏe định kỳ

Đến khám bác sĩ để kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm kiểm soát bệnh trạng tốt hơn và tránh mọi biến chứng có thể xảy ra.

Ngay sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ:

  • Yêu cầu bạn làm xét nghiệm máu lúc đói để kiểm tra nồng độ lipid, glucose và chất điện giải trong máu như natri và kali.
  • Khuyến cáo đo điện tâm đồ.
  • Khuyến cáo các xét nghiệm để kiểm tra vấn đề về thận.
  • Cung cấp cho bạn thông tin về tăng huyết áp và cách kiểm soát.

Bác sĩ sẽ đo huyết áp của bạn 2 – 6 tháng một lần. Tương tự, cân nặng và BMI của bạn sẽ được đánh giá 3 – 12 tháng một lần. Nếu bác sĩ phát hiện biến chứng bất kỳ, bạn sẽ được tư vấn về việc điều trị theo dõi cần thiết.

Thuốc điều trị

Tùy vào bệnh trạng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị tăng huyết áp. Bạn sẽ cần dùng thuốc thường xuyên và vĩnh viễn.

Trao đổi với bác sĩ chuyên khoa của chúng tôi để tìm ra kế hoạch điều trị tốt nhất dành cho bạn.

Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777