Sức khỏe sàn chậu và bàng quang (Phụ khoa tiết niệu)

Một phần của: Sức khỏe phụ nữ

Lấy lại quyền kiểm soát sức khỏe bàng quang

Vì cấu trúc giải phẫu của cơ thể, phụ nữ dễ bị rối loạn sàn chậu hơn so với nam giới. Ví dụ: cứ 2 phụ nữ sẽ có 1 người bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) ít nhất một lần trong đời.

Thay vì chịu đựng trong im lặng, hãy tìm kiếm hỗ trợ từ bác sĩ phụ khoa tiết niệu, những người chuyên kiểm soát và điều trị các bệnh lý thường gặp ở phụ nữ như UTI, tiểu không tự chủ hoặc sa tạng chậu.

Trái với những điều người ta thường tin, nhiều bệnh lý trong số này có thể được chữa trị thành công thông qua nhiều phương pháp điều trị bao gồm thay đổi lối sinh hoạt và thói quen, các thủ thuật không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu.

Phụ khoa tiết niệu là gì?

Phụ khoa tiết niệu là chuyên khoa sâu kết hợp giữa niệu khoa và phụ khoa để điều trị cho phụ nữ bị rối loạn đường tiết niệu và rối loạn chức năng sàn chậu.

Để chẩn đoán và điều trị rối loạn đường tiết niệu hoặc sàn chậu, bác sĩ phụ khoa tiết niệu sẽ cần phải:

  • Kiểm tra bệnh sử
  • Tiến hành khám lâm sàng như khám vùng chậu hoặc kiểm tra xem có bất kỳ vấn đề nào ở bụng hoặc thận hay không
  • Thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm cấy nước tiểu để phát hiện nhiễm trùng và xét nghiệm niệu động học để kiểm tra tình trạng các bộ phận của đường tiết niệu dưới—bàng quang, cơ thắt và niệu đạo—thực hiện chức năng chứa và thải nước tiểu

Nếu bạn mắc bệnh phụ khoa tiết niệu, điều quan trọng là bạn phải điều trị sớm vì một vài bệnh lý trong số này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị. Phát hiện sớm còn có thể giúp tránh phải dùng đến phẫu thuật.

Sàn chậu là gì?

Sàn chậu

Sàn chậu là tổng thể kết hợp của các cơ, mô liên kết, dây chằng và dây thần kinh có chức năng nâng đỡ và kiểm soát tử cung, âm đạo, bàng quang và trực tràng.

Đôi khi, hoạt động nâng vật nặng lặp đi lặp lại, bệnh mạn tính, phẫu thuật hoặc sinh con có thể làm tổn thương vùng sàn chậu. Rối loạn chức năng sàn chậu ảnh hưởng đến phụ nữ ở mọi lứa tuổi và bao gồm nhiều bệnh lý khác nhau như nhiễm trùng đường tiết niệu, sa tạng chậu hoặc các vấn đề về ruột dưới.

Did you know? Số lượng phụ nữ mắc chứng tiểu không tự chủ do áp lực nhiều hơn nam giới gấp đôi. Cứ 3 người mắc thì có 1 người trên 50 tuổi. Có đến 80% phụ nữ trong số này chọn cách chịu đựng trong im lặng và không tìm cách điều trị.

Thu gọn tất cả
Mở rộng tất cả

Các bệnh lý sàn chậu và bàng quang thường gặp ở phụ nữ là gì?

Các bệnh lý phụ khoa tiết niệu thường gặp ảnh hưởng đến phụ nữ bao gồm:

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) xảy ra khi đường tiết niệu bị nhiễm trùng, thường do vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu thông qua niệu đạo. UTI ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới, với hơn 50% phụ nữ bị UTI ít nhất một lần trong đời.

UTI có thể điều trị được bằng thuốc nhưng có tỷ lệ tái phát cao. Nếu không được điều trị, UTI có thể dẫn đến nhiễm trùng thận hoặc thậm chí là các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Tiểu không tự chủ và rối loạn chức năng tiểu tiện xảy ra khi cơ bàng quang và niệu đạo phối hợp kém. Do đó, các hoạt động như cười, ho hoặc tập thể dục có thể dẫn đến rò rỉ nước tiểu (tiểu không tự chủ) hoặc mất kiểm soát bàng quang hoàn toàn (rối loạn chức năng tiểu tiện).

Tiểu tiện không tự chủ là một vấn đề thường gặp và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân có thể là do:

  • Bàng quang quá mẫn hoặc tiểu không tự chủ khi bị tiểu gấp
  • Cơ sàn chậu yếu hoặc tiểu không tự chủ do áp lực — tình trạng này phổ biến hơn ở người lớn tuổi, đặc biệt ở phụ nữ đã sinh con, trải qua phẫu thuật hoặc đến tuổi mãn kinh

Có thể thực hiện xét nghiệm để phân biệt hai nguyên nhân này vì phương pháp điều trị có thể khác nhau. Có thể dùng thuốc để điều trị bàng quang quá mẫn trong khi phẫu thuật sẽ là phương pháp tốt hơn để điều trị tiểu không tự chủ do áp lực. Các biện pháp can thiệp khác bao gồm liệu pháp laser, thay đổi lối sinh hoạt và vật lý trị liệu.

Sa tạng chậu xảy ra khi các cơ quan vùng chậu tụt khỏi vị trí ban đầu trong vùng chậu. Sa tạng chậu là hệ quả của việc cơ sàn chậu bị suy yếu hoặc tổn thương dẫn đến không còn khả năng nâng đỡ các cơ quan vùng chậu.

Đây là bệnh lý phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ lớn tuổi hoặc phụ nữ đã sinh con, có thể gây đau đớn, khó chịu và căng tức trong âm đạo cũng như các vấn đề về đại tiểu tiện.

Phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào loại sa tạng, độ tuổi của người phụ nữ, dự định sinh con cũng như độ nặng của bệnh. Việc điều trị có thể bao gồm điều trị không phẫu thuật như thay đổi lối sinh hoạt và tập các bài tập luyện cơ sàn chậu hoặc phẫu thuật như tái tạo cơ sàn chậu.

Trang này đã được kiểm duyệt.