Sức khỏe tim mạch

Một phần của: Sức khỏe phụ nữ

Bệnh tim không chỉ là bệnh của nam giới

Trái tim khỏe mạnh là điều cốt lõi để có sức khỏe tốt. Mặc dù bệnh tim cũng thường gặp ở phụ nữ như ở nam giới, hầu hết phụ nữ không nhận thức được thực tế này và triệu chứng của phụ nữ có thể khác với nam giới.

Trên thực tế, nhiều phụ nữ không thể nhận ra họ đang bị đau tim và trì hoãn việc tìm kiếm hỗ trợ, dẫn đến thêm nhiều biến chứng.

Chúng ta sẽ tìm hiểu các loại bệnh tim thường gặp hơn ở phụ nữ, các triệu chứng nhận biết bệnh tim ở phụ nữ và cách phụ nữ có thể giảm bớt nguy cơ cho bản thân.

Bệnh tim ở phụ nữ khác biệt như thế nào?

Phụ nữ có xu hướng bị bệnh tim muộn hơn nam giới đến một thập kỷ nhờ vào lá chắn bảo vệ tự nhiên từ các nội tiết tố trước giai đoạn mãn kinh.

Một số loại bệnh tim thường gặp hơn hoặc thậm chí là đặc thù ở phụ nữ. Các bệnh này bao gồm thiếu máu cục bộ vi mạch, bệnh cơ tim Takotsubo (còn gọi là hội chứng vỡ tim) và bệnh cơ tim chu sinh (có thể xuất hiện trong tháng cuối của thai kỳ).

Các triệu chứng của bệnh tim ở phụ nữ là gì?

Một số phụ nữ bị bệnh tim còn không gặp phải các triệu chứng đáng lo ngại điển hình của đau tim như đau ngực dữ dội và khó thở. Thậm chí, họ có thể bị đau tim mà không đau ngực.

Tìm hiểu thêm: Sức khỏe tim mạch ở phụ nữ

Yếu tố nguy cơ gây bệnh tim ở phụ nữ

Bệnh nhân bị bệnh tim có thể mắc phải các yếu tố nguy cơ phổ biến như huyết áp cao, nồng độ cholesterol trong máu cao và béo phì. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ có tác động lớn hơn đến việc phát triển bệnh tim ở phụ nữ. Các yếu tố này bao gồm:

  • Đái tháo đường
  • Hội chứng chuyển hóa
  • Hút thuốc
  • Căng thẳng tinh thần
  • Trầm cảm
  • Ít hoạt động thể chất

Tìm hiểu thêm: Cách nhận biết bệnh tim ở phụ nữ

Chăm sóc trái tim của bạn

Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim bằng cách áp dụng lối sinh hoạt có lợi cho sức khỏe tim mạch. Bạn có thể bắt đầu bằng cách:

  • Tập thể dục thường xuyên
  • Duy trì cân nặng có lợi cho sức khoẻ bằng cách duy trì trong phạm vi chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường
  • Bỏ hút thuốc
  • Kiểm soát mức độ căng thẳng bằng các kỹ thuật thư giãn
  • Chuyển sang chế độ ăn uống cân bằng, tốt cho tim mạch, ít chất béo bão hòa và muối, đồng thời kết hợp ngũ cốc nguyên hạt, nhiều loại trái cây và rau củ
  • Dùng thuốc theo toa như thuốc làm loãng máu (aspirin), thuốc hạ huyết áp và cholesterol và thuốc điều trị đái tháo đường

Khám sức khỏe định kỳ phòng ngừa là cách thức hiệu quả để phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn tác động đến sức khỏe tim mạch. Bạn đi khám sàng lọc sức khỏe định kỳ càng sớm càng dễ xác định và điều trị sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim.

Did you know? Theo một khảo sát trên toàn quốc, bệnh tim kèm theo đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ tại Singapore nhưng chỉ 9% phụ nữ Singapore nhận thức được thực tế này.

Thu gọn tất cả
Mở rộng tất cả

Bệnh tim ở phụ nữ

Số lượng phụ nữ và nam giới bị bệnh tim nhiều gần bằng nhau. Các bác sĩ chuyên khoa tim của chúng tôi đặc biệt chú ý đến khác biệt giữa tim của phụ nữ và nam giới cũng như các bệnh tim mạch đặc thù ở phụ nữ.

Bệnh tim phổ biến nhất ở phụ nữ vẫn là bệnh động mạch vành. Bệnh này phát triển khi các mảng lắng đọng chất béo, gọi là mảng xơ vữa, tích tụ trong mạch máu (động mạch) truyền máu và oxy đến tim. Theo thời gian, các mạch máu này bị thu hẹp lại.

Khi dòng máu lưu thông đến tim bị tắc nghẽn và thiếu oxy, cơn đau tim (nhồi máu cơ tim) xuất hiện. Triệu chứng đau tim phổ biến nhất ở cả nam giới và nữ giới là cơn đau ngực dữ dội có thể lan đến hàm hoặc cánh tay.

Tuy nhiên, phụ nữ có thể gặp triệu chứng đau tim ít phổ biến hơn như:

  • Đau ở cánh tay, lưng, cổ, hàm hoặc thậm chí là dạ dày
  • Cơn đau âm ỉ hoặc đột ngột có thể thoáng qua và thường bị nhầm lẫn với chứng ợ nóng, viêm dạ dày hoặc đau cơ
  • Khó thở, buồn nôn hoặc choáng váng
  • Đổ mồ hôi lạnh
  • Mệt mỏi bất thường hoặc kéo dài

Phụ nữ có nhiều khả năng hơn mắc bệnh cơ tim do căng thẳng, còn gọi là bệnh cơ tim Takotsubo. Đây là bệnh lý có thật và có khả năng gây tử vong, trong đó sự căng thẳng quá mức về mặt cảm xúc hoặc thể chất có thể dẫn đến suy cơ tim. Để chẩn đoán chính xác bệnh cơ tim do căng thẳng, thường cần phải chụp động mạch vành.

Bệnh vi mạch vành, hay bệnh mạch máu nhỏ, là một căn bệnh khác xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ. Bệnh này tác động đến các động mạch nhỏ của tim và có thể do nồng độ oestrogen thấp sau mãn kinh gây ra. Các triệu chứng bao gồm đau ngực (đau thắt ngực), khó thở và các dấu hiệu cũng như triệu chứng khác của bệnh tim.

Trang này đã được kiểm duyệt.